Làm cho nghị trường đầy ắp tiếng dân

- Thứ Hai, 28/06/2021, 05:57 - Chia sẻ
Để tham gia hiệu quả các hoạt động của Quốc hội, bên cạnh lĩnh vực chuyên môn, mỗi đại biểu Quốc hội phải nỗ lực rất nhiều để vượt qua giới hạn kiến thức, kinh nghiệm của bản thân; luôn gần dân, toàn tâm, toàn ý thực hiện vai trò đại diện cho dân và phải có dũng khí vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước.
Mỗi lá phiếu của cử tri không chỉ gửi gắm niềm tin với cá nhân đại biểu mà còn là niềm tin với Đảng và Nhà nước
Nguồn: ITN

"Một trái tim chỉ có Đảng và Nhân dân..."

Gần một tháng nữa, các đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ chính thức bước chân vào nghị trường, thực hiện vai trò, trách nhiệm của người đại diện cho Nhân dân tại cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất. Dù vậy, qua quá trình thực hiện vận động bầu cử, trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc, tìm hiểu tâm tư, nguyện vọng của cử tri ở khu vực ứng cử, Vụ trưởng Vụ Pháp luật (Văn phòng Quốc hội) Nguyễn Phương Thủy, một trong 499 người trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa XV, cho biết, đã bước đầu trải nghiệm vai trò của đại biểu dân cử.

Theo bà Nguyễn Phương Thủy, bên cạnh việc hoàn thành nhiệm vụ được giao, tập trung thực hiện các mảng công việc chuyên môn, mỗi đại biểu sẽ phải nỗ lực, cố gắng hơn nữa để vượt qua giới hạn kiến thức, kinh nghiệm sẵn có. Bởi, những vấn đề cử tri nêu ra rất đa dạng, thuộc nhiều lĩnh vực và đều cần được đại biểu truyền tải đến Quốc hội, các cấp có thẩm quyền. Không chỉ truyền tải ý kiến, nguyện vọng của cử tri, mỗi đại biểu cũng sẽ phải nghiên cứu, góp sức với cơ quan chức năng để có giải pháp, cách thức xử lý phù hợp.

Động lực quan trọng để đại biểu vượt qua giới hạn kiến thức, kinh nghiệm của mình chính là niềm tin, kỳ vọng được cử tri gửi gắm trong mỗi lá phiếu, đó không chỉ là niềm tin dành riêng cho cá nhân đại biểu mà còn là niềm tin dành cho Đảng, Nhà nước, cho thể chế của chúng ta. Do vậy, bà Nguyễn Phương Thủy khẳng định sẽ cố gắng, không ngừng phấn đấu để thực hiện tốt nhất trong khả năng của mình để Quốc hội thực sự là cơ quan quyền lực Nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân.

Được cử tri nhắc nhớ với hình ảnh một đại biểu Quốc hội cương trực và quyết liệt, đại biểu Quốc hội Khóa XI, XII Lê Văn Cuông chia sẻ, những chất vấn thẳng thắn, gai góc, không ngại va chạm với Thủ tướng Chính phủ, bộ trưởng, trưởng ngành tại các phiên chất vấn và trả lời chất vấn của Quốc hội cũng từng khiến cá nhân ông chịu không ít áp lực. Nhưng điểm tựa của ông chính là "một trái tim chỉ có Đảng và Nhân dân, kiên định làm theo những quy định pháp luật, nghị quyết của Đảng, những trách nhiệm trước người dân". Nhiều người đã khuyên ông chỉ nên phát biểu ở mức độ vừa phải, một cánh én không thể làm nên mùa xuân. Nhưng, "với tôi, còn một ngày làm đại biểu Quốc hội sẽ còn đeo bám nếu người dân đang chịu oan sai”, ông Lê Văn Cuông nói.

Mỗi đại biểu Quốc hội đều hiểu, mang lại lợi ích cao nhất cho Nhân dân, cho quốc gia là trách nhiệm phải có khi tham gia các hoạt động của Quốc hội. Nhưng thực tế, khi ra đến nghị trường, không phải đại biểu nào cũng có thể toàn tâm, toàn ý thực hiện trách nhiệm đó. Khi ấy, theo đại biểu Quốc hội Khóa X, XI, XII Nguyễn Lân Dũng, bản lĩnh, sự dũng cảm, không né tránh của đại biểu Quốc hội trước những vấn đề gai góc là điều mà cử tri trông đợi. Dũng cảm đấu tranh vì lẽ phải, vì lợi ích chính đáng của Nhân dân, của đất nước cũng chính là trách nhiệm trên vai mỗi đại biểu Quốc hội.

Gần dân tất yếu sẽ được dân tin yêu

Cử tri trước đây vẫn có câu “nhất Thước, nhì Trân, tam Lân, tứ Quốc”. Đây là nói về những đại biểu ghi dấu ấn trong lòng dân bởi sự dũng cảm, kiên trì, cầu thị. Nhưng trên hết, dân yêu quý những đại biểu nêu trên bởi họ đã nói tiếng nói của dân, không phải tiếng nói của “quan” như vị trí đang đảm nhiệm, cũng như có sự thẳng thắn, trung thực, không ngại va chạm trên nghị trường.

Quan sát qua mỗi kỳ họp của Quốc hội, ông Lê Văn Cuông nhận thấy, những đại biểu luôn gần dân, phản ánh tâm tư, nguyện vọng, quyền lợi của người dân một cách khách quan, công tâm trên nghị trường thì tất yếu sẽ được dân yêu. Hơn nữa, trước những thách thức mới trong xã hội hôm nay, người dân cũng ngày càng mong mỏi sẽ có nhiều đại biểu toàn tâm, toàn ý làm đại biểu dân cử để đại diện cho tiếng nói của Nhân dân, thay mặt Nhân dân quyết định đúng và trúng những vấn đề quan trọng của đất nước.

Để thực hiện yêu cầu nêu trên, theo các chuyên gia, đại biểu Quốc hội phải giữ mối liên hệ chặt chẽ với cử tri, xem đó là trách nhiệm vừa bắt buộc vừa tự giác. Đại biểu phải tìm mọi cách để được "gần" cử tri, cũng như để cử tri có điều kiện "gần" mình. Không chỉ tiếp xúc với cử tri ở một số cuộc tiếp xúc trước và sau các kỳ họp Quốc hội, đại biểu phải lắng nghe những ý kiến chính đáng, những bức xúc của cử tri qua nhiều kênh, từ báo chí, cho đến các kênh trong bộ máy nhà nước, gặp gỡ trực tiếp với cử tri...

Lý giải vai trò quan trọng của việc gặp gỡ trực tiếp cử tri, nguyên Chủ tịch HĐND thành phố Hồ Chí Minh, đại biểu Quốc hội Khóa IX, XI, XII Phạm Phương Thảo từng chia sẻ trên Báo Đại biểu Nhân dân rằng, gặp gỡ trực tiếp cử tri tác động mạnh mẽ tới đại biểu, qua đó đại biểu có thể ghi nhận cảm xúc của cử tri, những vấn đề họ quan tâm. Nếu chỉ gặp ít người, đại biểu cũng chưa thể bắt gặp được những vấn đề lớn mà cử tri quan tâm, nên mỗi cá nhân phải tự tạo điều kiện gặp họ.

Do vậy, bà Phạm Phương Thảo gợi mở, đại biểu Quốc hội cần hòa nhập trong cuộc sống rộng lớn của người dân để có thể chia sẻ mọi lúc, mọi nơi. Khi gặp cử tri, mình lắng nghe chân thành để cử tri không cảm thấy e ngại, xa lạ, và có thể gợi mở để nghe được sâu hơn. “Những cuộc đi, cuộc gặp gỡ cử tri không phải lúc nào cũng rình rang. Trực tiếp trao đổi chân thành với cử tri gợi mở nhiều ý tưởng cho tôi về các chính sách, biện pháp để tháo gỡ những vấn đề của thực tiễn”, bà Phạm Phương Thảo chia sẻ.

Quốc hội trong các nhiệm kỳ vừa qua đã có nhiều đổi mới và để lại những dấu ấn trên từng lĩnh vực và trong từng chức năng, nhiệm vụ của mình. Cử tri cả nước mong muốn Quốc hội Khóa XV sẽ làm được nhiều hơn thế nữa. Để thực hiện mong muốn này, mỗi đại biểu Quốc hội Khóa XV sẽ phải gần dân, tích cực lắng nghe, phản ánh ý kiến của người dân đến cơ quan chức năng, làm cho nghị trường "đầy ắp tiếng dân". Đồng thời, là những đại biểu toàn tâm toàn ý vì sự nghiệp dân cử, có năng lực, phẩm chất và dũng khí vì lợi ích của Nhân dân, của đất nước, góp phần đưa nước ta phát triển phồn vinh và hạnh phúc như mục tiêu Đại hội XIII của Đảng đã đề ra.

Thanh Hải