Lá chắn bảo vệ dữ liệu cá nhân

- Thứ Ba, 09/03/2021, 04:57 - Chia sẻ
Dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân do Bộ Công an đưa ra lấy ý kiến đang được dư luận quan tâm. Đây được xem là cơ sở pháp lý để chấn chỉnh tình trạng dữ liệu cá nhân đang bị tiết lộ, mua bán, trao đổi tùy tiện. Tuy nhiên, với mức chế tài đề xuất cũng như chưa cụ thể hóa chức năng, trách nhiệm kiểm soát khiến dư luận vẫn băn khoăn về mức độ răn đe. Bởi rất có thể nhiều tổ chức, cá nhân vì lợi nhuận cao hơn mà sẵn sàng chấp nhận mức phạt.

Dữ liệu cá nhân được xem là tài sản tối quan trọng không chỉ của cá nhân mà của cả quốc gia. Hiện trên thế giới đã có hơn 80 quốc gia và vùng lãnh thổ ban hành các quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân và quyền riêng tư. Ở nước ta, đã có 17 luật và nghị định điều chỉnh vấn đề bảo vệ thông tin và dữ liệu cá nhân nhưng thực tế mới chỉ dừng ở mức nguyên tắc, đặt yêu cầu chứ chưa có định nghĩa, quy định cụ thể và cơ chế thực thi hiệu quả. Trong khi đó, nhiều người chưa ý thức và chưa lường trước được hậu qủa nghiêm trọng của việc lộ dữ liệu cá nhân.

Việt Nam là một trong những quốc gia có tốc độ phát triển và ứng dụng intenet cao nhất thế giới. Số lượng người dùng intenet hiện là 64 triệu, tương đương với 66% dân số, trong đó có 58 triệu tài khoản Faceboook, 62 triệu tài khoản Google. Dữ liệu cá nhân trên không gian mạng trở thành một kho lưu trữ khổng lồ mà nếu không có biện pháp bảo vệ tương xứng, đúng cách thì sẽ tạo ra lỗ hổng lớn để tội phạm lợi dụng thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.                

Thực tế, qua rà soát sơ bộ, đến giữa năm 2020, Bộ Công an phát hiện hơn 60 tổ chức, cá nhân liên quan đến hoạt động mua bán, sử dụng trái phép dữ liệu cá nhân trên không gian mạng, bao gồm: Các công ty cung cấp giải pháp công nghệ, nhân viên môi giới bất động sản, nhân viên ngân hàng, cơ quan nhà nước... Thời gian qua cũng đã xuất hiện các công ty cung cấp dịch vụ bán cho khách hàng phần mềm thu thập thông tin cá nhân trái phép, được cài ẩn trong các trang mạng bán hàng; hoặc các đối tượng tội phạm sử dụng mã độc, phần mềm có tính năng gián điệp để thu thập dữ liệu cá nhân trên môi trường mạng máy tính và điện thoại di động.

Theo các chuyên gia, tình trạng vi phạm về dữ liệu cá nhân phổ biến nhưng chế tài xử lý cho các hành vi này còn thiếu hoặc nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Hiện nay, các hành vi vi phạm, xâm hại đến dữ liệu cá nhân có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo 2 tội danh: Xâm phạm bí mật, an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác (Điều 159 Bộ luật Hình sự); và tội đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin trên mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 Bộ luật Hình sự).

Tuy nhiên, cả 2 tội danh này chưa quy định cụ thể, trực tiếp về các hành vi vi phạm pháp luật liên quan tới dữ liệu cá nhân đang diễn ra hiện nay. Nhiều năm qua, hầu như chưa có trường hợp doanh nghiệp nào phải chịu trách nhiệm về việc để lộ lọt thông tin khách hàng dù tình trạng dữ liệu cá nhân bị rò rỉ đã xảy ra rất nhiều trong ngành viễn thông di động, hàng không, địa ốc, bảo hiểm nhân thọ…

Từ những lý do trên, việc xây dựng và ban hành Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân với những hình phạt mang tính răn đe là vô cùng cần thiết, nhất là khi cuộc sống của con người ngày càng phụ thuộc vào thế giới mạng. Để làm được điều đó, quan trọng nhất là phải quy trách nhiệm cá nhân, tổ chức, kể cả xử lý hình sự. Trong khi, theo dự thảo nghị định, phạt tiền mức cao nhất từ 80 - 100 triệu đồng với một số hành vi vi phạm về bảo vệ dữ liệu cá nhân liệu đã đủ mạnh?

Chắc hẳn nhiều người còn nhớ vụ việc Facebook bị Ủy ban Truyền thông Liên bang Hoa Kỳ phạt đến 5 tỷ USD vào tháng 9.2019 vì để lộ dữ liệu của 87 triệu người dùng cho bên thứ ba là Cambridge Analytica. Trước án phạt này, Facebook cũng còn bị phạt tại các quốc gia khác là Anh, Australia, Canada… Còn với mức chế tài xử phạt đề xuất như dự thảo Nghị định quy định về bảo vệ dữ liệu cá nhân, không ít ý kiến còn băn khoăn về mức độ răn đe bởi lợi nhuận từ việc buôn bán, để lộ lọt dữ liệu cá nhân hẳn còn cao hơn rất nhiều.

Duy Anh