Nhiều băn khoăn, trăn trở
Theo dõi truyền hình trực tiếp phiên thảo luận, nhiều cử tri bày tỏ nhất trí với Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ và cho rằng: Với nỗ lực, quyết tâm trong những tháng còn lại, chúng ta có cơ sở tin tưởng vào việc hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch đề ra trong năm. Đây là niềm vui, thành công lớn của đất nước. Các ngành, lĩnh vực đều có bước tăng trưởng khá, đóng góp đáng kể vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Tuy nhiên, nhiều cử tri cũng băn khoăn, lo lắng bởi một số yếu tố tạo nên thành tích vẫn chưa bền vững, thậm chí còn tiềm ẩn không ít rủi ro.
ĐBQH Tạ Văn Hạ (Bạc Liêu) thảo luận tại hội trường | Ảnh: Lâm Hiển |
Cử tri Nguyễn Trường An (TP Lào Cai, Lào Cai) cho rằng, trong cơ cấu nền kinh tế nước ta, nông nghiệp là ngành có vai trò quan trọng song thực tế lại đang phải chịu không ít khó khăn như vấn đề “đầu ra” cho một số nông sản; nguồn lực đầu tư còn thấp; ứng dụng khoa học kỹ thuật còn chậm; gần đây dịch bệnh có nhiều diễn biến rất phức tạp. Gửi gắm đến Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIV, cử tri An đề nghị, Chính phủ chỉ đạo Bộ NN - PTNT, các bộ, ngành có liên quan và địa phương chủ động, tích cực hơn nữa trong thông tin, dự báo thị trường, khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, xây dựng thương hiệu nông sản, tiếp tục thực hiện các giải pháp có tính đột phá cơ cấu lại ngành nông nghiệp để tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả sản xuất.
Liên quan đến vấn đề phát triển doanh nghiệp, cử tri Nguyễn Thành Đạt (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) cho rằng, thời gian qua, Nhà nước đã có nhiều chính sách cải thiện về thủ tục hành chính cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, cộng đồng doanh nghiệp vẫn mong muốn nhận được sự hỗ trợ nhiều hơn nữa, nhất là tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp. Về mục tiêu phát triển 1.000.000 doanh nghiệp đến năm 2020, cử tri cho rằng, cần đặc biệt quan tâm đến các hộ kinh doanh cá thể. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần phân tích, đánh giá kỹ thực trạng tình hình, nguyên nhân và đề ra giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng doanh nghiệp ngưng hoạt động, giải thể và tháo gỡ khó khăn trong việc chuyển hộ kinh doanh cá thể lên doanh nghiệp.
Dành sự quan tâm cho vấn đề giá cả một số mặt hàng thiết yếu, cử tri Dương Xuân Phú (Hoàn Lão, huyện Bố Trạch, Quảng Bình) cho biết: Việc tăng giá điện tại thời điểm này không phù hợp với chủ trương thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh. “Vẫn biết, việc điều chỉnh tăng giá điện đã được tính toán nằm trong lộ trình điều hành nền kinh tế, song việc tăng giá phải công khai, minh bạch”, cử tri Dương Xuân Phú đề nghị. Đồng thời, kiến nghị Chính phủ có giải pháp theo dõi sát biến động thị trường, kết hợp việc kiểm tra, giám sát chặt chẽ hoạt động kê khai giá của các doanh nghiệp để có biện pháp tổng thể, nếu có biến động bất thường của thị trường.
Nhiều cử tri cũng bày tỏ lo lắng về một số vấn đề như: Bảo đảm an toàn thực phẩm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường chậm được cải thiện; ngày càng xuất hiện nhiều hành vi thiếu chuẩn mực về đạo đức, lối sống trong xã hội; một số vụ án giết người nghiêm trọng gây hoang mang trong nhân dân; tình hình mua bán, vận chuyển ma túy rất phức tạp; xảy ra nhiều vụ tai nạn giao thông, cháy, nổ nghiêm trọng. Cùng với đó, công tác quản lý mạng xã hội chưa chặt chẽ, xuất hiện ngày càng nhiều đối tượng phát tán các hình ảnh, bài viết phản cảm, bạo lực, bịa đặt, làm ảnh hưởng xấu tới lối sống của một bộ phận không nhỏ thanh, thiếu niên và trật tự an toàn xã hội…
Quyết sách sát với thực tế
Theo dõi trọn vẹn những diễn biến tại Hội trường Ba Đình mới trong phiên thảo luận về kinh tế - xã hội và NSNN, nhiều cử tri cũng đánh giá cao phần thảo luận trách nhiệm, thẳng thắn, tâm huyết của các đại biểu. Qua đó, đóng góp được nhiều nội dung quan trọng vào báo cáo của Chính phủ. Theo cử tri Nguyễn Trường Sơn (xã Hiệp Hòa, thị xã Quảng Yên, Quảng Ninh), các ĐBQH đã chọn đúng và trúng những vấn đề sát thực tiễn. “Đây là những vấn đề được cử tri và dư luận hết sức quan tâm”, cử tri Sơn nhấn mạnh. Đồng thời cho biết, thời gian gần đây nổi lên những vụ án lớn về ma túy; những vụ việc liên quan đến hành vi quấy rối tình dục, xâm hại trẻ em; sai phạm trong công tác tổ chức thi THPT quốc gia… “Chính phủ cần chú trọng hơn nữa đến việc xác định những tồn tại chủ quan, hiện hữu trong công tác quản lý nhà nước”, cử tri Nguyễn Trường Sơn đề xuất.
Với cử tri Nguyễn Văn Thống (Bí thư Chi bộ khu phố 1, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội), không khí phiên thảo luận để lại trong ông nhiều ấn tượng hơn cả. Dẫn chứng phát biểu của đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (An Giang): “Mỗi năm 1 lần, Bộ GD - ĐT thay đổi cách thức thi tốt nghiệp THPT nhưng càng cải cách, kết quả lại càng kém hơn, tiêu cực nhiều hơn”, cử tri Thống cho rằng, các ĐBQH đã nêu thẳng vào những vấn đề “nóng”. Cũng theo cử tri, việc tổ chức truyền hình trực tiếp phiên thảo luận về các vấn đề “nóng” đã giúp cho người dân nắm được tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, vừa giúp người dân thực hiện quyền giám sát của mình đối với các ĐBQH; mặt khác cũng giúp cho các đại biểu và đại diện cơ quan hữu quan trách nhiệm hơn đối với người dân...
Cử tri Nguyễn Thành Luân (đường Đồng Đen, Tân Bình, TP Hồ Chí Minh) mong muốn, các đại biểu phát huy tinh thần trách nhiệm, trí tuệ để thảo luận, đưa ra những quyết sách sát với cuộc sống, đáp ứng mong mỏi của người dân cả nước. Cũng theo cử tri, kinh tế Việt Nam vẫn còn một số tồn tại như tính liên kết trong phát triển doanh nghiệp còn yếu, khó cạnh tranh trên thị trường nội địa, doanh nghiệp chưa tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu. Vì vậy, trong thời gian tới các cấp, ngành cần tập trung tháo gỡ khó khăn, hạn chế để thúc đẩy sản xuất kinh doanh phát triển. Cụ thể, khuyến khích đầu tư thực, hạn chế đầu cơ, hướng dòng tín dụng vào sản xuất kinh doanh thực; đẩy mạnh hoạt động kết nối doanh nghiệp. Cùng với đó, cần nghiên cứu và ban hành các chính sách điều tiết các mô hình kinh doanh mới cho phù hợp với bối cảnh cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0, xu hướng hội nhập và các cuộc chiến tranh thương mại đang diễn ra.
Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Ninh Thuận TRẦN MINH LỰC: Bức tranh đẹp nhưng còn nhiều thách thức Qua theo dõi phiên thảo luận về kinh tế - xã hội của Quốc hội, tôi đánh giá cao sự chỉ đạo, điều hành năng động của Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương trong năm vừa qua, khiến cho “bức tranh” kinh tế - xã hội nước ta ngày càng khởi sắc: 12 chỉ tiêu năm 2018 đều đạt và vượt kế hoạch. Trong đó, tăng trưởng kinh tế bứt phá đạt 7,08% (năm 2018), cao nhất trong 10 năm qua đã minh chứng điều đó. Không chỉ vậy, báo cáo của Chính phủ cũng cho thấy, môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục có chuyển biến, chất lượng và hiệu quả hoạt động của khu vực kinh tế tư nhân có bước phát triển. Bên cạnh đó, năm 2018 đã hoàn thành 27 dự án giao thông quan trọng và đưa vào khai thác, như: Cao tốc Hạ Long - Vân Đồn; cao tốc Hạ Long - cầu Bạch Đằng; cầu Cao Lãnh, Đồng Tháp;… tạo điều kiện tốt hơn cho giao thương phát triển kinh tế. Đặc biệt, trong năm 2018, Chính phủ đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách vĩ mô tích cực thu hút đầu tư kinh doanh phát triển của doanh nghiệp, tăng thu ngân sách cho địa phương. Mặc dù bức tranh kinh tế có nhiều khởi sắc, tuy nhiên kinh tế nước ta còn đối mặt với nhiều thách thức mà phát biểu của các ĐBQH cũng đã chỉ ra. Hiện nay, đổi mới giáo dục vẫn còn nhiều bất cập, nhất là vi phạm về đạo đức nhà giáo, bạo lực học đường; tình trạng dâm ô trẻ em và biểu hiện suy thoái về đạo đức, lối sống, văn hóa ứng xử, gian lận thi cử... gây bức xúc xã hội; tội phạm ma túy, tín dụng đen diễn biến phức tạp; giá cả thị trường bất ổn; tình trạng nợ đọng ban hành văn bản hướng dẫn làm cho luật không thể đi vào cuộc sống, mà các luật đó lại liên quan rất lớn đến chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Bên cạnh đó, một vấn đề hiện nay đang được cử tri rất quan tâm đó là bệnh Dịch tả lợn Châu Phi ngày càng diễn biến phức tạp, khó kiểm soát gây ảnh hưởng không nhỏ đến hoạt động sản xuất kinh doanh của người dân và thiệt hại cho nền kinh tế chung của cả nước. Với những thách thức đó, tôi cho rằng Chính phủ và các Bộ, ngành Trung ương sẽ cần phải nỗ lực hơn nữa để khắc phục, đồng thời đưa ra những chiến lược, giải pháp căn cơ để củng cố nền tảng vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng không ngừng trong những năm tiếp theo. ĐÀO CẢNH thực hiện |