Kỳ vọng vùng đất chín rồng...

- Thứ Tư, 10/02/2021, 06:40 - Chia sẻ
Từng được xem là vùng đất trù phú nhất nước với vựa lúa, vựa cá tôm bao la nhưng trong nhiều năm gần đây, đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang có nguy cơ tan rã trước thách thức của biến đổi khí hậu và phải đối mặt với nguy cơ chậm phát triển bởi phải gánh sứ mệnh bảo đảm an ninh lương thực cho đất nước. Vùng đất chín rồng sẽ làm gì để vượt qua các thách thức và phát triển bền vững? Bên thềm Xuân cũng là điểm khởi đầu của một nhiệm kỳ mới, Báo Đại biểu Nhân dân trò chuyện với Bí thư một số tỉnh, thành ở ĐBSCL về các giải pháp đột phá để phát triển kinh tế, nâng cao đời sống người dân và đóng góp cho sự phát triển chung của đất nước.

Bí thư Tỉnh ủy An Giang Võ Thị Ánh Xuân:  
Tập trung xây dựng thương hiệu nông sản

Một trong những mục tiêu phát triển của An Giang được xác định rõ trongNghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XI nhiệm kỳ 2020 - 2025, đó là phấn đấu đến năm 2025 kinh tế An Giang thuộc nhóm đầu khu vực ĐBSCL và đạt mức trung bình cả nước, đến năm 2030 đạt mức trên trung bình cả nước.

Để đạt mục tiêu này, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đồng bộ, quyết liệt 3 khâu đột phá. Một là đầu tư kết cấu hạ tầng, đặc biệt là kết cấu hạ tầng giao thông phục vụ phát triển công nghiệp và du lịch. Hai là, nâng cao năng lực, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, cải thiện hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị. Ba là, cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo nhằm phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp trên địa bàn.

Một trong những giải pháp quan trọng mà Đảng bộ tỉnh An Giang sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện là chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang phát triển kinh tế nông nghiệp; đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng trong nông nghiệp, tập trung xây dựng thương hiệu nông sản, nâng cao chất lượng, giá trị, sức cạnh tranh, mở rộng thị trường tiêu thụ các loại nông sản hàng hóa của An Giang. Tỉnh sẽ tăng cường hỗ trợ các doanh nghiệp, các địa phương xây dựng thương hiệu cho các loại nông sản chủ lực, tập trung vào ba nhóm sản phẩm là gạo - nếp, thủy sản và trái cây, gắn với thực hiện Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP).

Cùng với đó, An Giang sẽ tập trung phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, trong đó ưu tiên phát triển công nghiệp chế biến nông sản có hàm lượng khoa học công nghệ cao, công nghiệp bảo quản, nhằm tăng giá trị các sản phẩm chủ lực; thực hiện hiệu quả chương trình hỗ trợ kêu gọi đầu tư phát triển hạ tầng công nghiệp, hoàn thiện kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp để thu hút đầu tư. Phấn đấu đến năm 2025, phần lớn các sản phẩm nông nghiệp của tỉnh đều qua chế biến trước khi ra thị trường.

Tỉnh đồng thời chú trọng phát triển mạnh các loại hình dịch vụ du lịch, tín dụng, y tế, dịch vụ đô thị; đẩy mạnh phát triển thương mại điện tử và có lộ trình phát triển kinh tế số; phát triển các trung tâm trung chuyển hàng hóa, các loại hình dịch vụ logistics. Tỉnh cũng sẽ phát huy tối đa vai trò của các cửa khẩu quốc tế trên địa bàn tỉnh để kết nối ĐBSCL với các tỉnh, thành của nước bạn Campuchia và ngược lại; đẩy mạnh giao thương, phát triển kinh tế biên giới.

Để huy động tốt các nguồn lực đầu tư phát triển kinh tế - xã hội, song song với việc tiếp tục xây dựng, bổ sung, hoàn thiện các cơ chế, chính sách thu hút đầu tư, tập trung vào các ngành kinh tế mũi nhọn; tỉnh chú trọng kiến tạo môi trường đầu tư, kinh doanh bình đẳng, an toàn, minh bạch, tạo điều kiện hình thành các doanh nghiệp lớn dẫn dắt, liên kết mạng lưới sản xuất, chuỗi giá trị, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, nông nghiệp, du lịch.

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Sóc Trăng Lâm Văn Mẫn:
Khai thác hiệu quả thế mạnh vùng ven biển

Mục tiêu của Sóc Trăng trong nhiệm kỳ 2020 - 2025 là Đẩy mạnh phát triển kinh tế gắn với giải quyết tốt các vấn đề xã hội, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường; đưa tỉnh Sóc Trăng phát triển nhanh, bền vững. Phấn đấu đến năm 2030, thu nhập bình quân đầu người bằng bình quân khu vực ĐBSCL”.

Tỉnh ủy sẽ tập trung lãnh đạo, chỉ đạo việc rà soát, sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách hỗ trợ đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn; phát triển kinh tế hợp tác; phát triển năng lượng tái tạo; phát triển hạ tầng các khu, cụm công nghiệp. Trong đó, chú trọng triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng gắn với xây dựng nông thôn mới; xây dựng, triển khai các chính sách, chương trình, đề án hỗ trợ phát triển nông nghiệp theo hướng liên kết, sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng các quy trình sản xuất sạch, an toàn, gắn với bao tiêu, chế biến, xuất khẩu; chuyển đổi diện tích đất sản xuất kém hiệu quả sang nuôi trồng các loại cây trồng, vật nuôi khác có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện sinh thái từng vùng, thích ứng với biến đổi khí hậu.

Tiếp tục cơ cấu lại sản xuất theo hướng tập trung vào các ngành hàng chủ lực là thủy sản, lúa đặc sản, cây ăn trái; từng bước hình thành các vùng sản xuất nông sản hàng hóa tập trung, áp dụng tiêu chuẩn sản xuất sạch, ứng dụng công nghệ cao theo nhu cầu thị trường, gắn với xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý, liên kết tiêu thụ, chế biến, xuất khẩu. Đẩy mạnh chuyển đổi diện tích sản xuất kém hiệu quả sang các loại cây, con có giá trị kinh tế; phát triển diện tích lúa đặc sản, lúa chất lượng cao các loại, phấn đấu đến cuối nhiệm kỳ nâng tỷ lệ sản lượng lúa đặc sản, lúa chất lượng cao chiếm trên 80% tổng sản lượng lúa cả tỉnh.

Là tỉnh ven biển, Sóc Trăng sẽ tăng cường đầu tư và tiếp tục khai thác có hiệu quả những tiềm năng, thế mạnh vùng ven biển để phát triển tổng hợp kinh tế biển. Trong đó, chú trọng phát triển nuôi thủy, hải sản theo hướng công nghiệp, ứng dụng công nghệ cao gắn với chế biến, xuất khẩu; khai thác gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, bảo vệ môi trường; phát triển năng lượng tái tạo, thương mại, dịch vụ và du lịch biển.

Tỉnh chú trọng xây dựng và thực hiện hiệu quả các cơ chế, chính sách nhằm tăng cường xã hội hóa các nguồn lực, đa dạng hóa các hình thức đầu tư, đẩy nhanh phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, nhà đầu tư và nhân dân, để người dân và doanh nghiệp an tâm  đầu tư phát triển sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy kinh tế - xã hội của tỉnh phát triển nhanh, bền vững.

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh:
Thúc đẩy liên kết vùng, xứng tầm là trung tâm vùng

Đại hội Đảng bộ TP Cần Thơ lần thứ XIV xác định 3 khâu đột phá trọng tâm phải tập trung thực hiện trong nhiệm kỳ 2020 - 2025. Một là phát triển nhanh nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Hai là huy động mọi nguồn lực đầu tư, thu hút đầu tư từ các doanh nghiệp lớn có tính dẫn dắt, doanh nghiệp có chuỗi cung ứng toàn quốc và quốc tế, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ có tính  kết nối nội vùng và liên vùng, liên vận quốc tế. Ba là tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính; tận dụng cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, tăng cường ứng dụng thành tựu khoa học - công nghệ trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu…

Theo đó, thành phố sẽ tập trung lãnh đạo thực hiện một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm.

Cụ thể là sớm hoàn thành việc xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả Quy hoạch thành phố Cần Thơ đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, phù hợp với quy hoạch cấp quốc gia và quy hoạch vùng ĐBSCL. Trong đó, chú trọng quy hoạch đô thị theo hướng đô thị sông nước sinh thái, văn minh và hiện đại; đầu tư xây dựng phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng đô thị để Cần Thơ thật sự là đô thị hạt nhân của vùng ĐBSCL, có khả năng chống chịu với biến đổi khí hậu; thí điểm xây dựng đô thị thông minh và mô hình quản trị đô thị mới ở một số quận.

Để xứng tầm với vai trò là trung tâm của vùng ÐBSCL, Cần Thơ sẽ tập trung phát triển công nghiệp chế biến, nhất là chế biến nông sản, thủy sản, công nghiệp phụ trợ có giá trị gia tăng cao, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, dịch vụ có giá trị gia tăng cao - đặc biệt là dịch vụ logistics tập trung với quy mô cấp vùng, cung cấp đầu vào, đầu ra cho chuỗi giá trị hàng hóa và dịch vụ của toàn vùng. Song song đó, phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn; quan tâm khai thác du lịch sông nước, du lịch bằng đường thủy theo dòng Mekong.

Trong nông nghiệp, thành phố sẽ có cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mạnh hơn vào nông nghiệp để phát triển nền nông nghiệp thành phố theo hướng có giá trị gia tăng cao, nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ. Việc triển khai thực hiện có hiệu quả Chương trình tổng thể “Phát triển nông nghiệp xanh, sạch, thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu đến năm 2030” sẽ gắn với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu nhằm thu hẹp khoảng cách chênh lệch về thu nhập và điều kiện sống giữa nông thôn với thành thị.

Để tăng cường trách nhiệm của mình trong thúc đẩy liên kết vùng, thời gian tới, thành phố sẽ chủ động phối hợp, liên kết với các tỉnh ĐBSCL và các tỉnh, thành trong Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam trong các hoạt động xúc tiến đầu tư và thương mại, huy động và phân bổ nguồn lực, xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; giáo dục - đào tạo, tạo việc làm nghiên cứu khoa học, chuyển giao công nghệ; xây dựng các chương trình, các tuyến du lịch liên tỉnh, liên vùng; tăng cường hỗ trợ, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng tham gia liên kết vùng để nâng cao hiệu quả hội nhập quốc tế.

Bí thư Tỉnh ủy Cà Mau Nguyễn Tiến Hải:
Huy động mọi nguồn lực xây dựng hạ tầng đồng bộ

Năm 2020 qua đi với đầy khó khăn, thách thức như tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, thiên tai, hạn hán, ngập lụt, sạt lở đất... Trong bối cảnh đó, Đảng bộ, chính quyền, toàn dân, toàn quân và cộng đồng doanh nghiệp tỉnh Cà Mau phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực vượt bậc, với quyết tâm cao đã đạt được nhiều kết quả quan trọng, khá toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh. Đặc biệt, tỉnh đã tổ chức thành công đại hội đảng bộ các cấp, Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI, nhiệm kỳ 2020 - 2025, hướng đến Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, để lại nhiều dấu ấn, tình cảm tốt đẹp trong cán bộ, đảng viên và nhân dân toàn tỉnh.

Nhiệm kỳ 2020 - 2025, Đảng bộ tỉnh Cà Mau xác định mục tiêu: Phát triển kinh tế nhanh và bền vững trên cơ sở khai thác hiệu quả các lĩnh vực thế mạnh như kinh tế biển, thủy sản, lâm nghiệp, năng lượng tái tạo, dịch vụ, du lịch… Huy động mọi nguồn lực đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ. Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe nhân dân. Thực hiện tốt chính sách xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo người có công, hỗ trợ người nghèo, bảo vệ người lao động. Bảo đảm quốc phòng, an ninh và trật tự an toàn xã hội. Phát huy quyền làm chủ của nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, khơi dậy khát vọng dân tộc, thực hiện có hiệu quả các phong trào thi đua yêu nước, góp phần xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.

Để thực hiện thắng lợi mục tiêu đó, Đảng bộ tỉnh sẽ tập trung thực hiện 3 khâu đột phá chiến lược. Đó là:

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp. Trọng tâm là tạo chuyển biến mạnh mẽ trong cải cách thủ tục hành chính, xây dựng chính quyền điện tử, xây dựng nền kinh tế số, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; sắp xếp kiện toàn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, nâng cao trách nhiệm, thái độ phục vụ nhân dân của cán bộ, công chức, viên chức.

Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của tỉnh; tập trung đào tạo nguồn nhân lực nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức  bảo đảm tính kế thừa, có đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ trong giai đoạn mới.

Huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiệu quả. Trong đó, ưu tiên xây dựng hạ tầng giao thông đi trước một bước để tạo động lực thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội. Tập trung đầu tư phát triển đô thị động lực TP Cà Mau, thị trấn Năm Căn, thị trấn Sông Đốc. Tăng cường xúc tiến đầu tư, ưu tiên mời gọi các nhà đầu tư chiến lược, có tiềm lực tài chính mạnh đầu tư vào các ngành, lĩnh vực mà Cà Mau có tiềm năng, lợi thế để tạo sự đột phá trong phát triển.

Vũ Châu ghi