Kỷ niệm 75 năm Ngày Tổng tuyển cử đầu tiên (6.1.1946 - 6.1.2021)

Kỷ niệm về “Tổ viết giúp cử tri”

- Thứ Ba, 05/01/2021, 06:05 - Chia sẻ
75 năm nhìn lại, tôi tự hào là lớp người sinh ra và lớn lên vào thời buổi hào hùng quật khởi nhất của dân tộc, được sống và chứng kiến cái ngày lịch sử vẻ vang của nền Dân chủ Cộng hòa non trẻ Việt Nam. Tôi khắc sâu niềm hạnh phúc lớn lao đã góp phần hết sức nhỏ bé vào sự nghiệp xây dựng nền lập pháp Nhà nước công nông đầu tiên trên đất nước ta.

Ngày 6 tháng Giêng năm 1946, theo lời dặn của các bác cán bộ Việt Minh xã, tôi thức dậy sớm và mặc bộ quần áo lành lặn, tay đeo lọ mực tím được pha sẵn từ chiều hôm trước, giắt cây bút lá tre vào túi, lòng hân hoan rạo rực, đi như chạy về nơi tổ chức bầu cử đại biểu Quốc hội. Địa điểm bỏ phiếu thật tưng bừng, dòng người từ các hướng kéo về. Ngôi nhà gỗ đơn sơ, nơi Việt Minh làng Kỳ Thọ (ngày nay là xã Hành Đức, huyện Nghĩa Hành, tỉnh Quảng Ngãi) tạm thời làm việc, cổng chào, băng rôn, khẩu hiệu và cờ đỏ sao vàng bay phấp phới. Trong sân, những dây cờ nheo chăng hình tháp trông rực rỡ và trang trọng. Bàn thờ Tổ quốc uy nghi, bên cạnh là thùng phiếu và những bộ bàn ghế ngăn nắp.

Chủ tịch Hồ Chí Minh kêu gọi toàn dân đi bầu cử

Chúng tôi - “Tổ viết giúp cử tri” - gồm bốn học sinh lớp Đồng ấu, được bác cán bộ Việt Minh nhắc lại một lần nữa về cách thức tiến hành công việc. Sau cùng bác cặn kẽ dặn: Nguyên tắc tổng tuyển cử là phổ thông đầu phiếu, trực tiếp và bí mật. Thế nhưng nhân dân ta 95% không biết chữ nên phải nhờ đến các cháu. “Trực tiếp và bí mật” ở đây vẫn được bảo đảm, chỉ cháu và cử tri đó biết thôi. Vậy các cháu phải thực hiện nghiêm túc, không được làm sai, sai là có tội với Tổ quốc, với nhân dân, các cháu có hiểu không? Mấy đứa chúng tôi gật đầu: Dạ!

Đến lúc cử tri đã tề tựu khá đông trước ngõ, lễ khai mạc được tiến hành nhanh chóng. Dân quân, du kích hướng dẫn cử tri xếp hàng lần lượt vào bỏ phiếu. Mỗi cử tri được Ban bầu cử phát cho một mảnh giấy trắng tinh bằng bàn tay, ai viết được thì vào bàn tự viết, ai không biết chữ thì vào bàn viết giúp. Tuy đã được hướng dẫn tỉ mỉ, nhưng bọn trẻ chúng tôi chưa hình dung được ‘bầu cử’ nghĩa là làm như thế nào. Thú thật, lúc đó tôi khá hồi hộp và run, liếc mắt nhìn các vị trong Ban bầu cử đang đứng nghiêm như tượng. Trong khi “bàn tự viết” thưa thớt bóng người thì 4 “bàn viết giúp” của mấy đứa chúng tôi liên tiếp người và người.

Cử tri đầu tiên tôi viết giúp là một chú độ tuổi trung niên, trông dáng vẻ như thầy giáo. Tôi bối rối và thầm nghĩ, chú này muốn thử mình chăng. Chú tươi cười đưa lá phiếu trắng, tôi đọc nhanh danh sách ứng cử viên mà đã cố công học thuộc lòng từ hai hôm trước: Phạm Văn Đồng, Hà Văn Tính, Lâm Hữu Bá, Lê Hồng Long, Nguyễn Duân, Nguyễn Trí, Phạm Quang Lược và Hồ Thiết. Chú liền nói: Em nhắc lại! Tôi nhắc lại: - Phạm Văn Đồng, chú đáp ngay: Đồng ý! Tôi nắn nót viết Phạm Văn Đồng vào lá phiếu. Viết xong tôi đọc tiếp Hà Văn Tính, chú cũng nói ngay đồng ý, tôi viết tiếp Hà Văn Tính… cứ thế cho đến hết danh sách 8 ứng cử viên. Xong tôi đọc lại một lần nữa để chú nghe và giao tờ phiếu cho chú. Chú cầm lá phiếu đi thẳng đến bỏ vào thùng, không hề mở ra xem, lúc đó tôi mới tin chú không biết chữ thật!

Cứ thế chúng tôi làm việc cần mẫn, thận trọng, càng về sau càng nhanh hơn, không có gì để cử tri phiền lòng. Đến cử tri thứ 9 hay thứ 10 gì đấy là một phụ nữ hoạt bát, có vẻ từng trải. Tôi đọc tên 2 người đầu, cô đồng ý hết, đến ứng cử viên Lâm Hữu Bá thì cô ngần ngừ một lát rồi nhỏ nhẹ nói: Không! Tôi tỏ vẻ ngạc nhiên không dám nói ra và nghĩ: Đây thực sự là quyền tự do dân chủ của cử tri, mình phải giữ đúng nguyên tắc “bí mật”. Nghĩ vậy tôi nhắc nhỏ lại ba tiếng Lâm… Hữu… Bá…, cô nói dứt khoát ‘không’. Thế là biết ý cô rồi, tôi lần lượt đọc tiếp từng ứng cử viên còn lại, cô đồng ý hết. Như vậy, lá phiếu của cô chỉ bầu 7 người. Về sau thỉnh thoảng tôi gặp những trường hợp khác cũng bầu tương tự. 

Cử tri vào bỏ phiếu mỗi lúc nhanh hơn, ngoài ngõ đã vãn người và chúng tôi đứng đứa nào cũng toát mồ hôi. Gần trưa, một cụ già quắc thước, râu tóc pha sương, tay cầm hờ cây gậy trúc vào ngồi trước mặt tôi. Tôi lễ phép chào cụ rồi đọc một mạch danh sách ứng cử viên như những lần trước. Không ngờ nghe xong, cụ nổi nóng hỏi vặn lại: - Sao không có tên Bác Hồ? Tôi đã được học lỏm nguyên tắc tổng tuyển cử nên nhanh nhảu nói vài câu với cụ. Đại ý đây là danh sách ứng cử viên đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi. Bác Hồ ứng cử ở Hà Nội, nhân dân thủ đô đại diện cả nước sẽ bầu Bác Hồ. Nếu cụ đưa tên ngoài danh sách ứng cử viên vào phiếu bầu là phiếu sẽ không hợp lệ.

Ôi chao, thế là ông cụ đứng phắt dậy, chằm chằm nhìn tôi và quát to:

- Mày nói chi mà lạ vậy, tao bầu Bác Hồ Chí Minh mà sao không hợp lệ?

Tôi sợ xanh mặt, không biết nói sao thì các bác cán bộ trong Ban bầu cử chạy lại xin lỗi cụ và bảo tôi cứ viết đúng như lựa chọn của cụ. Lúc đó cụ mới tươi nét mặt, nở nụ cười mãn nguyện.

Khi ra về, cụ còn quay lại xoa đầu tôi một cách âu yếm và động viên:

- Cháu không có lỗi! Thôi đừng buồn, ông cũng không giận cháu đâu!

Đó là ngày Tổng tuyển cử đầu tiên trong lịch sử nước ta, ngày 6 tháng Giêng năm 1946, ở nơi xa xôi hẻo lánh quê tôi. Được biết, ứng cử viên Lâm Hữu Bá đã không trúng cử đại biểu Quốc hội Khóa I, Quảng Ngãi phải bầu bổ sung Ngô Mây. Việc có ứng cử viên không trúng cử là một điều rất đáng tiếc, song đó là minh chứng hùng hồn cho quyền làm chủ thực sự của nhân dân. Đặc biệt suốt đời tôi không bao giờ quên hình ảnh cụ già tỏ lòng yêu quý vô biên đối với Bác.

Phong Đăng