Kỳ nghỉ lễ “đặc biệt”!

- Thứ Sáu, 03/09/2021, 13:50 - Chia sẻ
Đây là lần hiếm hoi tôi không về quê vào dịp nghỉ lễ 2.9, sau 27 năm “khăn gói” ra Hà Nội đi học. Bạn bè tôi, người thân quen của tôi cũng vậy. Nhiều người trong số họ cũng đã chọn cách tạm xa quê những ngày này để phòng, chống dịch theo cách riêng của mình.
TP.HCM: Bộ đội cùng cán bộ phường xã đi chợ hộ, trao quà tận nhà cho người dân - ảnh 1
Quân đội đưa quà cứu trợ đến nhà người dân ở phường 27, quận Bình Thạnh.  Nguồn: plo.vn

Thời điểm này, nhiều địa phương, trong đó có các tỉnh, thành phía Nam vẫn đang trong tình trạng nóng bởi dịch Covid -19. Số ca nhiễm vẫn tăng lên mỗi ngày, cùng với đó là hơn chục nghìn người đã tử vong do Covid-19. Nhiều doanh nghiệp đã phải tạm dừng hoạt động, nhiều người lao động đã mất việc làm… Những tác động của dịch về kinh tế - xã hội đã và đang hiển hiện ngay trước mắt.

Trước tình hình diễn biến phức tạp, Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần ban hành công điện về phòng, chống dịch Covid-19. Thủ tướng yêu cầu các địa phương đang thực hiện giãn cách theo Chỉ thị số 16/CT-TTg phải thực hiện nghiêm, nhất quán theo phương châm chỉ có thể thực hiện cao hơn, sớm hơn phù hợp theo tình hình thực tiễn tại địa phương, kiểm soát nghiêm ngặt và thực hiện ngay các biện pháp hỗ trợ cần thiết về đời sống, y tế để người dân an tâm “ai ở đâu ở đấy”…

Các địa phương cũng đã chủ động lên các phương án để phòng chống dịch. Với những địa phương có dịch phức tạp, biện pháp “ai ở đâu ở đấy” là một trong những biện pháp cứng rắn giúp kiểm soát dịch.

Vào dịp 2.9, khi dịch Covid-19 chưa xuất hiện, đây là dịp để tất cả chúng ta, những người xa quê đều muốn được trở về để được sống trong không khí ấm áp, quây quần bên người thân, gia đình. Nhưng năm nay, dịch Covid-19 đã làm đảo lộn tất cả. Có lẽ, đây là một kỳ nghỉ lễ đặc biệt. Đặc biệt bởi bến xe, bến tàu, sân bay đã không còn cảnh đông đúc, chen nhau chỉ người với người như trước. Thay vào đó là sự vắng lặng trên mỗi ngả đường ra vào thành phố, sân ga, bến tàu... Một kỳ nghỉ mà mỗi người đã tạm gác lại việc “trở về” của mình để góp phần chung tay phòng, chống dịch.

Sự góp sức cho phòng, chống dịch có thể là “ai ở đâu ở đó”, có thể là việc đi vào tâm dịch để phục vụ, hay những cuộc vi hành đột xuất để kiểm tra nắm bắt tình hình, để chỉ đạo sát, trúng và kịp thời hơn.

Khi khu vực mình sống trở thành vùng dịch, tôi và người dân khu vực phong tỏa đã tuân thủ rất nghiêm việc “ai ở đâu ở đó”. Bởi hơn ai hết, chúng tôi hiểu được, việc “ngồi im” của mình bây giờ cũng chính là đang góp phần để giúp lực lượng chức năng, giúp chính quyền khống chế được dịch tốt hơn.

Là người thuộc diện “ai ở đâu ở đấy”, những ngày qua, tôi thầm cảm ơn, cảm ơn rất nhiều những người vẫn bám trụ tuyến đầu để chống dịch. Liệu rằng, họ có nhớ bố, mẹ, vợ, chồng, con, người thân yêu của mình không? Chắc hẳn là có, nhất là những ngày nghỉ lễ để đoàn viên này. Nhưng họ đã hy sinh niềm vui ấy, lựa chọn một nhiệm vụ cao cả cho mình, đó là đi để góp một phần nhỏ bé giúp người dân vùng dịch.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu địa phương hỗ trợ sách giáo khoa cho học sinh ảnh 1
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam thăm hỏi người ở trọ tại phường 14, quận Gò Vấp. TP. Hồ Chí Minh sáng 2.9. Nguồn:sggp.org.vn

Ngày nghỉ lễ, nhưng sáng qua, 2.9, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam và Thượng tướng Võ Minh Lương, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Tổ trưởng Tổ Công tác đặc biệt của Chính phủ thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 vẫn xuống kiểm tra công tác phòng, chống dịch Covid-19 và gặp gỡ một số người dân đang sinh sống trong các nhà trọ ở Phường 14, quận Gò Vấp, TP. Hồ Chí Minh. Theo phản ánh, người dân làm nghề may mặc tự do hiện nay ở phường không thuộc 5 đối tượng được hỗ trợ đợt này theo chủ trương của Thành phố. Do đó, khi dịch xảy ra, cuộc sống của họ rất khó khăn. Trước thực tế này, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam yêu cầu quận Gò Vấp và các phường trên địa bàn rà soát các đối tượng đang gặp khó khăn, nếu không nằm trong diện được hỗ trợ theo chủ trương thành phố hiện nay thì phải kịp thời báo cáo, đề nghị cấp trên bổ sung, tránh bỏ sót.

Dù chưa nhận được hỗ trợ kịp thời, nhưng với sự chỉ đạo của Phó Thủ tướng, người dân khó khăn khu vực này có thêm niềm hy vọng vì chính sách an sinh có thể sẽ tới được với mình trong một ngày không xa!

Và cũng ngày hôm qua, thay vì nghỉ lễ, vẫn diễn ra hội nghị sơ kết 15 ngày ra quân thần tốc truy vết, khoanh vùng, kiểm soát dịch, Ban Chỉ đạo phòng chống dịch Covid-19 quận 7 và huyện Củ Chi đã công bố cơ bản kiểm soát được dịch Covid-19 trên địa bàn theo các tiêu chí của Bộ Y tế.

Việc công bố “cơ bản kiểm soát được dịch” của hai địa phương này là tin vui không chỉ với người dân, chính quyền TP. Hồ Chí Minh mà còn là niềm vui chung của các lực lượng tham gia phòng, chống dịch, của người dân cả nước. Không vui sao được, khi TP. Hồ Chí Minh là một trong điểm nóng của dịch trong những ngày qua. Cả nước đã và đang dốc sức để hỗ trợ cho thành phố. Những lực lượng y tế, quân đội, công an, đội ngũ tình nguyện viên đã để lại sau lưng niềm vui bên gia đình kỳ nghỉ lễ để tiếp sức cho thành phố trong cuộc chiến với dịch lần này. Những hy sinh thầm lặng của họ đã được đền đáp, dù còn khiêm tốn. Đây là niềm vui, là thành quả bước đầu của lực lượng phòng, chống dịch và chính quyền thành phố.

Để chiến thắng được Covid-19, sự chỉ đạo thống nhất, kịp thời của các cấp, Nhân dân đồng lòng, đẩy mạnh việc người dân tiếp cận vaccine rất quan trọng. Do đó, trong chặng đường chống dịch phía trước, chúng ta vẫn phải bảo đảm được các yêu cầu này.  

Trong những ngày lễ, “ai ở đâu ở đấy”, các lực lượng chức năng vẫn “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để rà soát đối tượng thuộc diện khó khăn, cung cấp nhu yếu phẩm, tư vấn chăm sóc y tế cho người dân khi nhiễm bệnh. Đặc biệt, với tinh thần làm việc không nghỉ lễ của lãnh đạo trung ương và lãnh đạo địa phương cho thấy sự đồng sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị cho cuộc chiến này. Và tin rằng, con số “kiểm soát được dịch” sẽ sớm được tăng lên ở nhiều địa phương sau kỳ nghỉ lễ đặc biệt này.

Song Hà