Kỷ luật “sắt” để chống dịch

- Chủ Nhật, 08/08/2021, 07:17 - Chia sẻ

Mỗi ngày, gần chục nghìn ca bệnh được công bố và số người chết vì mắc Covid-19 lên đến con số hàng trăm cho thấy dịch đang diễn biến vô cùng khốc liệt. Chúng ta sẽ khó thắng trong trận chiến này nếu từng cán bộ, từng người dân, từng đơn vị không giữ được kỷ luật "sắt" trong phòng, chống dịch.

Thời gian qua, người dân trên cả nước, nhất là ở những địa phương đang thực hiện Chỉ thị 16, đã cơ bản tuân thủ yêu cầu của chính quyền, thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K. Tuy vậy cá biệt vẫn có những trường hợp vi phạm, làm dịch lây lan, gây vất vả cho lực lượng chống dịch và tốn kém ngân sách của địa phương.

Ví dụ, vài ngày trước một thanh niên từ Bình Dương đến chơi 4 ngày nhà bạn phường Mũi Né (TP. Phan Thiết) nhưng không khai báo y tế nhằm trốn quy định cách ly tập trung 14 ngày của tỉnh. Khi người này về lại Bình Dương và được phát hiện là F0 thì gia đình người bạn ở Mũi Né đã có 2 người bị lây nhiễm khiến chính quyền địa phương phải vất vả điều tra truy vết, phong tỏa nhiều nơi. Hơn nữa, do 1 trong 2 ca nhiễm thường xuyên đi chợ Mũi Né nên Ban chỉ đạo phòng chống dịch phường Mũi Né đã phải tổ chức xét nghiệm nhanh cho gần 1.000 người dân. Giá xét nghiệm nhanh khoảng 200 nghìn đồng, có nghĩa ngân sách mất 200 triệu đồng. Đó là chưa kể chi phí lo cách ly tập trung cho rất nhiều người bị “vạ lây”.

Không chỉ người dân, thậm chí có cả cán bộ lãnh đạo vi phạm quy định phòng, chống dịch. Đó là chuyện Giám đốc Sở Du lịch và Phó Cục trưởng Cục Thuế Bình Định cùng đi đánh golf (và tiếp xúc với F0) trong khi tỉnh đã dừng hoạt động du lịch, thể thao và đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15 của Thủ tướng. Trong khi cuộc chiến chống dịch nhận được sự ủng hộ, đồng hành của đa số người dân, việc 2 vị cán bộ này không thực hiện mà còn vi phạm các quy định phòng chống dịch là không thể chấp nhận.

Những gì đang diễn ra trên thế giới và ngay ở nước ta cho thấy, với biến thể mới của Covid-19 thì bất cứ sự chủ quan, lơ là nào trong tư tưởng cũng như trong hành động sẽ tạo ra hệ quả là các ca nhiễm và bùng phát dịch bệnh chỉ trong vài ngày. Khả năng thoát ra khỏi sự đe dọa của đại dịch Covid-19 là rất mong manh nếu người phòng chống cứ ra sức phòng chống; người chủ quan cứ nghĩ “dịch nó chừa mình ra”; người thiếu ý thức cứ thản nhiên vi phạm quy định phòng chống dịch…

Phong tỏa, giãn cách là quyết định chẳng đặng đừng của chính quyền nhằm mục đích duy nhất là bảo vệ tính mạng, sức khỏe của người dân. Cái gì cũng có hai mặt! Khi phong tỏa, giãn cách, người dân được an toàn hơn nhưng cuộc sống mưu sinh cũng khó khăn hơn. Bên cạnh những trường hợp vi phạm quy định phòng chống dịch vì thiếu ý thức và vô trách nhiệm, cũng có không ít người hiểu và muốn tuân thủ nhưng “đành lòng” vi phạm bởi “đói thì đầu gối phải bò”.

Không giữ vững kỷ luật thì không thể chống dịch! Vì vậy, để giúp người dân tuân thủ nghiêm các biện pháp phòng dịch, trước hết, chính quyền phải lo cho người dân “đủ ăn đủ mặc”. Trong Công điện ngày 5.8 vừa qua, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã yêu cầu các địa phương sử dụng mọi nguồn lực, kể cả ngân sách địa phương, để cung cấp miễn phí lương thực, thực phẩm thiết yếu cho người dân gặp khó khăn và đáp ứng nhu cầu chăm sóc y tế, sức khỏe cho họ mọi lúc, mọi nơi khi cần.

Cùng với việc không để bất kỳ ai bị thiếu ăn, thiếu mặc, bất cứ hành vi vi phạm quy định phòng chống dịch nào của bất cứ ai, dù là dân thường hay quan chức, phải được xử phạt nhanh và nghiêm minh để người khác nhìn vào đó mà biết sợ.

Duy trì được kỷ luật “sắt” trong lúc này là đặc biệt quan trọng để chống dịch thành công!

Hà Lan