Kỳ họp thứ Bảy, QH Khóa XIII

- Thứ Năm, 05/06/2014, 20:16 - Chia sẻ
* Dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi): Nên giữ mô hình tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện như hiện nay * Nghe Tờ trình, Báo cáo và Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town M * Dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh: Phải siết chặt phạm vi, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp nhà nước

Sáng 5.6, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH thảo luận ở Hội trường về dự án Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi).

Cơ bản đồng tình với nội dung dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi) trình QH tại Kỳ họp lần này, các ĐBQH cho rằng, dự thảo Luật được xây dựng trên cơ sở Hiến pháp mới, thống nhất với các luật hiện hành, phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam đã ký kết, tham gia; đã thể chế hóa đầy đủ, đúng đắn, toàn diện các chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về cải cách tư pháp. Dự thảo Luật bảo đảm kế thừa truyền thống, kinh nghiệm của cơ quan công tố, kiểm sát của Nhà nước ta hơn 60 năm qua; khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong thực tiễn thi hành Hiến pháp và Luật hiện hành. Tuy nhiên, so với thực tế thì một số quy định của dự thảo Luật cần được cân nhắc kỹ hơn.

Về mô hình tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hay khu vực, nhiều ĐBQH tán thành với phương án 1 của dự thảo Luật và cho rằng tổ chức mô hình Viện kiểm sát nhân dân khu vực là cần thiết, bảo đảm đồng bộ với mô hình tổ chức Tòa án nhân dân sơ thẩm khu vực, tăng cường tính độc lập của Viện kiểm sát nhân dân trong thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp; tập trung đầu tư cơ sở vật chất, đội ngũ cán bộ, tránh dàn trải, bình quân, lãng phí. Tuy nhiên, một số ý kiến khác lại cho rằng, nên giữ mô hình Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện như hiện nay là phù hợp với thực tế. Bởi lẽ trong điều kiện tổ chức bộ máy của cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án vẫn giữ nguyên như hiện nay thì việc đổi mới mô hình Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện thành Viện kiểm sát nhân dân khu vực sẽ gây khó khăn và ảnh hưởng lớn đến việc thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Viện kiểm sát nhân dân. Kéo theo đó là giới hạn địa lý sẽ mở rộng thêm, gây khó khăn, tốn kém đối với nhân dân khi có nhu cầu làm việc với tòa án, viện kiểm sát trong khi điều kiện kinh tế của nhiều nơi còn hạn chế, nhất là nhân dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng miền núi, biên giới, hải đảo. Thực tế cũng cho thấy, hoạt động của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện hiện nay không có gì vướng mắc khi vẫn có khoảng 2/3 khối lượng công việc của Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện có liên quan đến cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cấp huyện. ĐB Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) cho rằng, việc tổ chức Viện kiểm sát nhân dân cấp huyện như hiện nay sẽ bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ với các tổ chức cơ quan điều tra, cơ quan thi hành án cùng cấp; bảo đảm thực hiện hiệu quả nguyên tắc phân công và kiểm soát giữa các cơ quan trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp.

Buổi chiều, QH làm việc ở hội trường, nghe Chủ tịch Nước Trương Tấn Sang trình bày Tờ trình về việc gia nhập Công ước về quyền lợi quốc tế đối với trang thiết bị lưu động và Nghị định thư về các vấn đề cụ thể đối với trang thiết bị tàu bay (Công ước và Nghị định thư Cape Town); Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Đinh La Thăng, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, báo cáo về Công ước và Nghị định thư Cape Town; Ủy viên UBTVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Trần Văn Hằng trình bày Báo cáo thẩm tra về việc gia nhập Công ước và Nghị định thư Cape Town.

Tiếp đó, dưới sự điều khiển của Phó chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân, QH đã cho ý kiến về dự án Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh.

 Nhiều ĐBQH tán thành với các nội dung của dự thảo và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế. Về phạm vi đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp theo các hình thức đầu tư được quy định tại Điều 10, Điều 13, Điều 16 và Điều 19 dự thảo Luật, nhiều ĐBQH cho rằng cần xác định rõ hơn những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước được đầu tư, đặc biệt lĩnh vực độc quyền Nhà nước, cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội... (Điều 10), trong đó hạn chế tối đa việc thành lập doanh nghiệp mới; những ngành, lĩnh vực cần duy trì doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ (Điều 13); những ngành, lĩnh vực mà Nhà nước cần tiếp tục duy trì tỷ lệ cổ phần, vốn góp tại doanh nghiệp (Điều 16); nguyên tắc để mua lại một phần vốn hoặc toàn bộ doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác khi Nhà nước điều chỉnh cơ cấu kinh tế, trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh hoặc cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội (Điều 19). ĐB Nguyễn Lâm Thành (Lạng Sơn) cho rằng, Điều 10 dự thảo Luật quy định 5 nhóm lĩnh vực là đúng, nhưng chưa cụ thể và sát với tình hình thực tế. Ví dụ, tại khoản a quy định về doanh nghiệp cung ứng sản phẩm dịch vụ công ích là trái với chủ trương xã hội hóa loại hình dịch vụ công theo định hướng xây dựng nền hành chính mới. Theo ĐB Nguyễn Lâm Thành, chỉ nên giới hạn thành lập doanh nghiệp nhà nước trong các lĩnh vực các thành phần kinh tế khác không làm, hoặc ít làm, hoặc ở khu vực có điều kiện khó khăn, đặc biệt khó khăn chỉ có doanh nghiệp nhà nước mới đảm nhận được. Còn theo ĐB Phùng Đức Tiến (Hà Nam), mục tiêu của dự án Luật là tăng cường quản lý và hiệu quả sử dụng tài sản của nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp, hạn chế sự thất thoát lãng phí, vì thế dự thảo Luật phải siết chặt phạm vi, lĩnh vực hoạt động của các doanh nghiệp. Tuy nhiên, những lĩnh vực đầu tư được nêu trong dự thảo còn chung chung, thiếu cụ thể. Quy định như vậy không những không siết chặt mà còn tạo kẽ hở để chạy đua đầu tư. Ví dụ, Điều 10 quy định lĩnh vực quá rộng, không khác nhiều so với những quy định hiện hành, trong đó có những lĩnh vực chưa chắc Nhà nước đầu tư vào đã có hiệu quả cao hơn các thành phần kinh tế khác. Hay Điều 13 dự thảo Luật quy định việc đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho các doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả nhưng vốn điều lệ không bảo đảm nhiệm vụ hoạt động sản xuất kinh doanh chính đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt về nhiệm vụ, ngành nghề kinh doanh. ĐB Phùng Đức Tiến đặt câu hỏi: vậy tiêu chuẩn nào để xác định doanh nghiệp đang hoạt động có hiệu quả? Mọi doanh nghiệp nhà nước đều đứng trước yêu cầu hoạt động có hiệu quả, vậy phải chăng sẽ có thời điểm Nhà nước đầu tư bổ sung vốn điều lệ cho tất cả các doanh nghiệp nhà nước? Như vậy có đi ngược với định hướng phát triển kinh tế nhà nước trong giai đoạn tới hay không?

N. Điệp - T. Thành