HĐND thành phố Hà Nội

Kịp thời hỗ trợ người dân trước đại dịch

- Thứ Bảy, 28/08/2021, 06:53 - Chia sẻ
Ngay từ khi Hà Nội bùng phát dịch Covid-19, HĐND thành phố đã ban hành nhiều chính sách thiết thực, hiệu quả liên quan đến công tác phòng chống dịch. Đặc biệt, trước những yêu cầu, đòi hỏi cấp bách thực tiễn đặt ra, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành kịp thời 3 nghị quyết liên quan đến một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch Covid.

Quyết sách kịp thời

Theo Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn, từ đầu năm 2021 đến nay, HĐND thành phố đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, Thành ủy triển khai nhiều nội dung quan trọng gắn với thực hiện “mục tiêu kép”, nhất là ban hành những quyết sách kịp thời đáp ứng yêu cầu cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn.

Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện Thường Tín.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn kiểm tra công tác phòng, chống dịch trên địa bàn huyện Thường Tín.
Ảnh: P.Long

Theo đó, ngay sau khi có chủ trương của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại Nghị quyết số 268/NQ-UBTVQH ngày 6.8.2021 và Nghị quyết số 86/NQ-CP ngày 6.8.2021 của Chính phủ về các giải pháp cấp bách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, Thường trực HĐND thành phố đã chủ động phối hợp cùng UBND thành phố rà soát, xem xét, đề xuất bổ sung các cơ chế, chính sách đặc thù trong phòng chống dịch Covid-19, kịp thời báo cáo Thường trực Thành ủy thống nhất chỉ đạo. Ngày 13.8, Thường trực HĐND thành phố đã ban hành đồng thời 3 nghị quyết về một số chính sách đặc thù hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng, gặp khó khăn do đại dịch, hỗ trợ giá nước sạch sinh hoạt… với tổng số tiền hỗ trợ trên 500 tỷ đồng, đồng thời đồng ý bố trí thêm 500 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn vay giúp khắc phục khó khăn do đại dịch.

Với sự khẩn trương, quyết liệt, đến thời điểm hiện tại, nhiều quận, huyện trên địa bàn đã hoàn thành chi trả kinh phí cho 3 nhóm đối tượng là: Hộ nghèo, hộ cận nghèo; đối tượng bảo trợ xã hội; người có công với cách mạng, thương binh, thân nhân người có công. Điển hình như tại quận Hai Bà Trưng, 18/18 phường trên địa bàn đang khẩn trương hoàn thành chi trả kinh phí 5,4 tỷ đồng hỗ trợ cho khoảng 5.400 người có công và đối tượng bảo trợ xã hội theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND của Thường trực HĐND thành phố. Hay tại huyện Thanh Oai, mặc dù đối tượng thuộc diện được xét duyệt theo Nghị quyết của Thường trực HĐND thành phố là hơn 11.000 người nhưng đến nay cơ bản các trường hợp trên đều đã nhận được trợ cấp theo quy định.

Đáng chú ý, để số tiền trợ cấp đến tay người dân sớm nhất, nhiều quận, huyện đã triển khai nhiều cách làm sáng tạo. Đơn cử như huyện Thanh Trì đã linh hoạt thực hiện việc chi trả tại nhà. Chỉ người dân ở khu vực "vùng xanh" mới mời đến nhà văn hóa nhận kinh phí hỗ trợ. Việc hỗ trợ cũng được chia theo giờ và bảo đảm an toàn theo đúng quy định 5K.

"Cùng với chi trả kinh phí hỗ trợ 3 nhóm đối tượng, các địa phương cũng đang triển khai tiếp nhận hồ sơ 5 nhóm khác theo Nghị quyết số 15/NQ-HĐND, song song với thực hiện Nghị quyết và quyết định của Chính phủ", Chủ tịch HĐND thành phố thông tin thêm.

Gỡ khó cho công tác phòng, chống dịch

Trong bối cảnh diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, Thường trực HĐND thành phố cũng đã có những chỉ đạo, điều hòa các chương trình, nội dung giám sát theo hướng tinh gọn, chất lượng, gắn với thực tiễn, giảm số lượng đầu mối giám sát trực tiếp, tăng cường kết hợp “một chuyến đi nhiều địa điểm”… Theo Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Phùng Thị Hồng Hà, đến nay, các chương trình, nội dung giám sát của HĐND thành phố đều đúng trọng tâm, trọng điểm, sát thực tiễn. Các báo cáo kết quả giám sát, khảo sát được công bố công khai, gửi tới các tổ chức, đơn vị chịu giám sát và gửi báo cáo Thường trực Thành ủy, đồng thời được đăng trên Trang thông tin điện tử của HĐND thành phố để cử tri và Nhân dân theo dõi, giám sát.

Đặc biệt, để việc hỗ trợ các đối tượng khó khăn do đại dịch được thực hiện nghiêm túc, “đúng người, đúng đối tượng”, Thường trực HĐND thành phố đã quyết định thành lập Đoàn giám sát tình hình thực hiện một số Nghị quyết do HĐND, Thường trực HĐND thành phố ban hành và Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ, Quyết định số 23/2021/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, sẽ được triển khai từ cuối tháng 8 và đầu tháng 9. Qua đó, tổng hợp những hạn chế, khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện các nghị quyết, nhất là tại các địa phương, cơ sở. Đồng thời, xác định nguyên nhân của hạn chế, vướng mắc, trách nhiệm của các cấp, các ngành, các tổ chức liên quan.

Ngoài ra, từ nay đến hết năm 2021, HĐND thành phố sẽ tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động để đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Theo đó, tùy tình hình thực tế để tổ chức Kỳ họp thứ 2; hoàn thành xây dựng Đề án nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các cấp thành phố nhiệm kỳ 2021 - 2026; lựa chọn nội dung và chuẩn bị tổ chức tốt phiên giải trình của Thường trực HĐND thành phố; tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng chương trình giám sát, khảo sát các tháng cuối năm. Trong đó, điểm nhấn quan trọng là tổ chức giám sát chuyên đề việc thực hiện Nghị quyết số 11/2012/NQ-HĐND (ngày 13.7.2012) về “Quy hoạch phát triển văn hóa Hà Nội đến năm 2020, định hướng đến năm 2030” trên địa bàn TP Hà Nội.

"Mặc dù ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, nhưng HĐND thành phố sẽ bám sát thực tiễn, tiếp tục nâng cao hiệu quả hoạt động để thực hiện tốt vai trò cơ quan dân cử, đáp ứng ngày càng tốt hơn mong đợi của cử tri”, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND thành phố Hà Nội khẳng định.

PHI LONG