Giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử

Kịp thời, đúng luật, phân cấp cụ thể

- Thứ Bảy, 24/04/2021, 05:28 - Chia sẻ
Kinh nghiệm cho thấy, kể từ sau hội nghị hiệp thương lần thứ ba và khi danh sách chính thức ứng cử viên đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp được công bố, khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử sẽ gia tăng so với thời điểm trước đó. Kiểm tra công tác chuẩn bị bầu cử tại các địa phương, Đoàn công tác của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia đều nhấn mạnh yêu cầu phải thực hiện thật tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo, bảo đảm kịp thời, đúng pháp luật, phân cấp cụ thể, gắn với trách nhiệm người đứng đầu; đồng thời phải ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để can thiệp, phá hoại bầu cử.

10 ngày trước bầu cử, ngừng giải quyết khiếu nại, tố cáo về người ứng cử

Do tính chất và đặc điểm về thời gian tổ chức bầu cử nên việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong bầu cử không thực hiện theo các quy định của Luật Khiếu nại và Luật Tố cáo. Việc giải quyết các khiếu nại, tố cáo trong bầu cử chủ yếu nhằm mục đích bảo đảm cho các bước, các công đoạn trong quá trình tổ chức bầu cử được tiến hành đúng quy định của pháp luật; còn việc xem xét, xác định trách nhiệm cụ thể của các cá nhân, tổ chức có vi phạm vẫn thực hiện theo các quy định khác có liên quan của pháp luật (ví dụ như pháp luật về cán bộ, công chức, pháp luật về thanh tra, về khiếu nại, tố cáo, về hình sự…).

Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND (Luật Bầu cử) không dành một chương riêng để quy định về giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử mà quy định ở nhiều điều khoản khác nhau, tập trung vào: Danh sách cử tri, người ứng cử, lập danh sách người ứng cử, kiểm phiếukết quả bầu cử. Luật cũng quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục xem xét, giải quyết các khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử.

Đơn cử như quy định về khiếu nại, tố cáo về người ứng cử, lập danh sách người ứng cử, Điều 61, Luật Bầu cử nêu rõ: Công dân có quyền tố cáo về người ứng cử, khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về những sai sót trong việc lập danh sách những người ứng cử. Trong đó, các khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu Quốc hội, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu Quốc hội được gửi đến Ban Bầu cử đại biểu Quốc hội, Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, Hội đồng Bầu cử quốc gia. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban Bầu cử, Ủy ban Bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Hội đồng Bầu cử quốc gia. Quyết định của Hội đồng Bầu cử quốc gia là quyết định cuối cùng.  

Đối với khiếu nại, tố cáo, kiến nghị liên quan đến người ứng cử đại biểu HĐND, việc lập danh sách những người ứng cử đại biểu HĐND ở cấp nào thì được gửi tới Ban Bầu cử đại biểu HĐND ở cấp đó. Trường hợp người khiếu nại, tố cáo, kiến nghị không đồng ý với kết quả giải quyết của Ban Bầu cử thì có quyền khiếu nại đến Ủy ban Bầu cử ở cấp tương ứng. Quyết định của Ủy ban Bầu cử là quyết định cuối cùng. Ban Bầu cử, Ủy ban Bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia phải ghi vào sổ và giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị nhận được theo thẩm quyền.

Cũng theo quy định của Luật Bầu cử, trong thời hạn 10 ngày trước ngày bầu cử, Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử, Ban Bầu cử ngừng việc xem xét, giải quyết mọi khiếu nại, tố cáo, kiến nghị về người ứng cử và việc lập danh sách những người ứng cử. Trong trường hợp những khiếu nại, tố cáo đã rõ ràng, có đủ cơ sở kết luận người ứng cử không đáp ứng đủ tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND thì Hội đồng Bầu cử quốc gia (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Ủy ban Bầu cử ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) quyết định xóa tên người đó trong danh sách chính thức những người ứng cử trước ngày bầu cử và thông báo cho cử tri biết.

Điều 61, Luật Bầu cử cũng nêu rõ: Hội đồng Bầu cử quốc gia, Ủy ban Bầu cử ở tỉnh, Ủy ban Bầu cử ở huyện, Ủy ban Bầu cử ở xã chuyển toàn bộ hồ sơ về khiếu nại, tố cáo chưa được giải quyết đến Ủy ban Thường vụ Quốc hội (đối với bầu cử đại biểu Quốc hội) hoặc Thường trực HĐND khóa mới ở cấp tương ứng (đối với bầu cử đại biểu HĐND) để tiếp tục xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.

Phát huy “tai mắt” của Nhân dân

Kết quả kiểm tra, giám sát của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Hội đồng Bầu cử quốc gia tại các địa phương trong suốt thời gian qua cho thấy, công tác triển khai thực hiện các quy định pháp luật về bầu cử nói chung và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử nói riêng, đã được các địa phương thực hiện nghiêm túc, đúng quy định của pháp luật, đúng hướng dẫn của Hội đồng Bầu cử quốc gia và các cơ quan Trung ương. Bên cạnh đó, trong quá trình chuẩn bị nhân sự để giới thiệu, lựa chọn cán bộ tham gia cấp ủy, các cấp trường hợp nào có đơn phản ánh, tố cáo đều đã được cơ quan có thẩm quyền thẩm tra, kết luận. Vì vậy, các nhân sự là cán bộ chủ chốt của các cơ quan, tổ chức được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp lần này đa phần đều đã được thẩm tra, rà soát kỹ về tiêu chuẩn. Điều này đã góp phần hạn chế rất nhiều các vụ, việc khiếu nại, tố cáo liên quan đến bầu cử.

Tuy nhiên, với tính chất là sự kiện chính trị quan trọng của đất nước, ngày hội của toàn dân, các công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử được thực hiện bởi nhiều cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức xã hội và cá nhân khác. TS. Nguyễn Ngọc Bích, Trường Đại học Luật Hà Nội cho rằng, không thể tránh khỏi có những sai sót hoặc có thể bị cá nhân, tổ chức lợi dụng để thực hiện hành vi trái pháp luật nhằm vụ lợi. Việc xem xét, giải quyết kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân liên quan đến cuộc bầu cử sẽ góp phần động viên cử tri tham gia “giám sát” hoạt động bầu cử, từ “tai mắt” của Nhân dân sẽ giúp cơ quan nhà nước, tổ chức phụ trách công tác bầu cử kịp thời phát hiện, xử lý kịp thời những sai sót, vi phạm trong hoạt động bầu cử, góp phần tổ chức thành công cuộc bầu cử. Đồng thời, các cơ quan Nhà nước cũng cần hết sức cảnh giác trước việc một số cá nhân, tổ chức có thể lợi dụng quyền khiếu nại, tố cáo để hoạt động chống phá cuộc bầu cử.

Thời gian đến ngày tổ chức bầu cử 23.5 không còn nhiều nhưng khối lượng công việc chuẩn bị cho cuộc bầu cử vẫn còn rất lớn. Trong đó, khiếu nại, tố cáo liên quan đến cuộc bầu cử dự kiến sẽ gia tăng so với giai đoạn trước. Vì thế, ở các địa phương, như Phó Chủ tịch Quốc hội, Đại tướng Đỗ Bá Tỵ đã nhấn mạnh, phải làm thật tốt công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo kịp thời, đúng pháp luật các khiếu nại, tố cáo của công dân trước, trong và sau bầu cử; đồng thời, ngăn chặn mọi hành vi lợi dụng dân chủ, lợi dụng khiếu nại, tố cáo để can thiệp, phá hoại bầu cử. Việc giải quyết khiếu nại, tố cáo cần có sự phân cấp cụ thể cho từng cấp, gắn với trách nhiệm của người đứng đầu, gắn giải quyết khiếu nại, tố cáo với đối thoại, bám sát quy định của pháp luật, thấu tình, đạt lý; phân loại, nắm chắc các đối tượng để giải quyết phù hợp, bảo đảm cuộc bầu cử diễn ra tốt đẹp.

Việt Hương