Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội Khóa XIV:

Kịp thời bổ sung nguồn để bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao

- Thứ Sáu, 07/06/2019, 19:40 - Chia sẻ
Tiếp tục chương trình làm việc chiều 7.6, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu, QH thảo luận ở hội trường về việc sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13 ngày 24.11.2014 của QH về việc thi hành Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.

Thảo luận về nội dung này, các ĐBQH tán thành với việc cần thiết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81 nhằm kịp thời bổ sung nguồn Thẩm phán cao cấp để đề nghị bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao, bảo đảm hoạt động bình thường của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao và bảo đảm điều kiện để kiện toàn lãnh đạo Tòa án Nhân dân Tối cao.


Ảnh: Lâm Hiển

Theo quy định của Luật, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có 17 thành viên. Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao do QH phê chuẩn phải có đủ các tiêu chuẩn, điều kiện theo quy định của Luật, trong đó, phải có tối thiểu 5 năm là Thẩm phán cao cấp. Trong khi đó, Thẩm phán cao cấp là ngạch Thẩm phán mới được quy định từ năm 2015 sau khi Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 có hiệu lực thi hành.

Hiện nay, Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao có 16 thành viên, bao gồm: Chánh án, 4 Phó Chánh án, 11 Thẩm phán. Năm 2019 có 1 thành viên đã nghỉ hưu, đến năm 2020 sẽ có 4 thành viên nghỉ hưu, năm 2021 sẽ có 3 thành viên nghỉ hưu; đến năm 2022, phần lớn Hội đồng Thẩm phán này sẽ nghỉ hưu.

Vì thế, ĐBQH Nguyễn Duy Hữu (Đắk Lắk) cho rằng, quy định như trên thực sự khắt khe đối với nguồn bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án các cấp không chỉ riêng Tòa án tối cao. Theo đại biểu, để được làm thẩm phán phải mất 5 năm công tác, đi học 6 tháng, sau đó trải qua kỳ thi tuyển chọn thẩm phán quốc gia, sau đó trình với Chủ tịch Nước, thời gian đó ít nhất phải 6-7 năm. Để lên đến thẩm phán cao cấp thì ít nhất phải 20 năm cộng với hai mươi mấy năm tuổi đời nữa là hơn 40 tuổi. Theo đại biểu đó là “đội ngũ siêu Việt, chứ còn tuần tự như chúng ta tôi rất khó”.

Đồng tình với việc cần thiết phải sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 81/2014/QH13, ĐBQH Nguyễn Đức Sáu (TP Hồ Chí Minh) cho rằng, tới đây một số thẩm phán khác là thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao nghỉ hưu. Như vậy, về nguồn thẩm phán nếu theo Điều 69, Luật Tổ chức Tòa án nhân dân thì phải là Thẩm phán Tòa án nhân dân cấp cao 5 năm mới được bổ nhiệm là thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao. Điều này, sẽ gây trở ngại, khó khăn cho việc bổ sung thành viên của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân Tối cao. Nếu Nghị quyết 81 không sửa thì không thể bổ sung thêm một thành viên. Theo tài liệu, hồ sơ thì Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương đã nghỉ hưu từ ngày 1.3, việc thiếu một thành viên là Chánh án Tòa án Quân sự Trung ương tham gia Hội đồng Thẩm phán Tòa án tối cao sẽ ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động của ngành Tòa án, đặc biệt là Tòa án Quân sự, ĐB Nguyễn Đức Sáu nói.

Làm rõ những vấn đề ĐBQH quan tâm, Chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, theo quy định của Luật, Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải có đủ 2/3 thành viên thì mới hoạt động được. Trong khi đó, đến năm 2020 trong thành viên của Hội đồng thẩm phán sẽ có 8 người nghỉ hưu, nếu không bổ sung kịp thời thì Hội đồng thẩm phán sẽ không làm việc được. Do đó, rất cần thiết phải bổ sung trong khi nguồn đã hết, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nói.

Hà An