“Kính thiên văn cần cho… nhà lãnh đạo”
Nhà thiên văn học người Mỹ gốc Việt nổi tiếng, tác giả của những cuốn sách giàu chất thơ về vũ trụ, có thể làm say lòng bất cứ “kẻ ngoại đạo” nào như: Giai điệu bí ẩn, Hỗn độn và hài hòa, Từ điển yêu thích bầu trời và các vì sao… sở hữu thần thái của một tiên ông: nhân từ, sáng suốt… Một cuộc trò chuyện thú vị cùng ông, nhân dịp ông về nước tham gia “Gặp gỡ Việt Nam” lần thứ XII - sự kiện thu hút các nhà khoa học thành danh trên thế giới đến Việt Nam, đặc biệt là các tài năng gốc Việt.
“Tôi luôn ráng làm mọi thứ song song”
- Khác với các cuốn trước, “Đối mặt với vũ trụ” - cuốn sách mới nhất vừa xuất bản tại Việt Nam của ông có số trang mỏng hơn hẳn. Phải chăng đã đến lúc ông “cạn vốn”, trước những chuyện kể tưởng như vô tận về vũ trụ?
“Lãnh đạo đưa ra đường hướng, và đám đông đi theo. Nhưng lãnh đạo kiệt xuất hay không lại phụ thuộc vào trí tuệ của đám đông đã lựa chọn họ. Những lựa chọn có hiểu biết sẽ có lợi cho lịch sử!” GS. Trịnh Xuân Thuận |
- Vũ trụ thì không bao giờ hết chuyện cả, vì vẫn còn biết bao nhiêu câu hỏi về nó mà chúng ta chưa tìm được câu trả lời. Cuốn sách lần này ngoài những bài viết của tôi (chiếm khoảng 1/3), còn có sự góp mặt của 8 người khác, thuộc nhiều lĩnh vực chuyên môn khác như: triết học, sinh học, vật lý, hội họa, nhiếp ảnh, văn học… Bắt đầu từ câu chuyện về vũ trụ, sự hình thành và vẻ đẹp của nó, cuốn sách chất chứa những trăn trở của nhóm tác giả về cách chúng ta đang đối mặt với vũ trụ, ứng xử trước thiên nhiên thiếu hài hòa ra sao, hậu quả to lớn thế nào, trong khi chúng ta chỉ là những hạt cát vô cùng bé nhỏ trong vũ trụ…
- Sống ở Mỹ, vì sao ông lại luôn viết sách bằng tiếng Pháp?
- Vì tiếng Pháp là thứ tiếng mà tôi được làm quen với nó từ lúc tấm bé, đã lớn lên cùng nó và thấm đẫm vẻ đẹp của nó thông qua những tác phẩm văn học Pháp. Trong khi tiếng Anh thì tận đến năm 18 tuổi, khi qua Mỹ du học, tôi mới bắt đầu làm quen và sau này là để viết các báo cáo khoa học. Chính vì mong muốn đưa thiên văn học đến gần mọi người mà tôi đã chọn tiếng Pháp - ngôn ngữ của văn chương để dễ dàng chia sẻ và kết nối với độc giả hơn, những người chỉ đơn giản muốn hiểu vũ trụ không qua con đường học thuật.
- Không dễ gì chuyển tải những kiến thức khoa học bằng ngôn ngữ văn chương, lại là giữa lịch trình bận rộn của một nhà khoa học. Vậy động lực viết của ông đến từ đâu?
- Tôi luôn ráng làm mọi thứ song song. Thời gian biểu trong tuần của tôi thường được chia theo tỷ lệ này: 30% dành cho giảng dạy (Trịnh Xuân Thuận là GS ngành vật lý thiên văn tại trường ĐH Virginia, Mỹ và là GS thỉnh giảng tại Viện Đại học Paris VII, Pháp - PV), 50% làm khảo cứu và 20% viết sách. Tháng 9 này, tôi sẽ cho ra mắt một cuốn sách mới tại Pháp, nói về sự vô định, mối liên kết giữa vũ trụ và đạo Lão, đạo Phật… Như bạn cũng biết đấy, ngoài thiên văn học ra thì tôi cũng rất quan tâm đến triết học, tôn giáo (GS. Trịnh Xuân Thuận còn là một Phật tử, từng viết các cuốn liên quan như: “Cái vô hạn trong lòng bàn tay”, “Lượng tử và hoa sen”, “Vũ trụ và hoa sen”… - PV), và nói chung là tất cả những gì tác động sâu sắc đến môi trường sống của con người…
![]() Nhà thiên văn học Trịnh Xuân Thuận |
“Những lựa chọn có hiểu biết sẽ có lợi cho lịch sử”
- Rời Việt Nam qua Thụy Sĩ du học năm 1966, khi đất nước còn giặc giã, ông nghĩ sao về cơ hội của những bạn trẻ Việt hiện nay, dưới thời bình?
- Sống trong thái bình là rất tốt rồi. Từ lúc sinh ra, lớn lên và tận cho đến khi rời đi, tôi chưa bao giờ được nhìn thấy đất nước ta thái bình cả. Các bạn trẻ hiện nay được lớn lên trong hòa bình là một điều kiện vô cùng thuận lợi. Nhưng tôi vẫn cho rằng, về giáo dục, Chính phủ cần đầu tư mạnh hơn để có những ngôi trường đẳng cấp hơn, có thể sánh ngang với khu vực. Phải có những ngôi trường chất lượng cao, các trung tâm khảo cứu sau đại học để tạo tiền đề cho những đam mê có điều kiện thực hiện. Sự nỗ lực của từng cá nhân rất quan trọng, nhưng dù thế nào, họ cũng cần một môi trường tốt. Bản thân tôi từ trẻ luôn ước mong gặp được những thầy giáo giỏi nhất về lĩnh vực mình đang theo đuổi. Và tôi đã đi tìm điều ấy. Đó là lý do tôi phải ra đi.
- Thần tượng thời trẻ của ông là ai?
- Cho tận đến giờ, tôi nghĩ, đó vẫn là Albert Einstein. Con đường của ông ấy đã là nguồn cảm hứng bất tận cho con đường đi của tôi. Tôi kính trọng Einstein không chỉ vì ông ấy có một bộ óc siêu phàm mà còn có một trái tim biết đau đời. Trong nhiều quyết định để đời, ông ấy đã luôn đặt vấn đề sinh mệnh quần chúng lên trước, và tôi nghĩ đó là tiền đề để ông ấy trở thành một nhà khoa học phi thường và là tác giả của những phát minh có thể làm thay đổi cả vũ trụ.
- Ông cho rằng lịch sử được kiến tạo bởi những cá nhân kiệt xuất, hay là những đám đông?
- Chắc là phải có cả hai, trong đó lãnh đạo đưa ra đường hướng, và đám đông đi theo. Nhưng lãnh đạo kiệt xuất hay không lại phụ thuộc vào trí tuệ của đám đông đã lựa chọn họ. Những lựa chọn có hiểu biết sẽ có lợi cho lịch sử.
- Vũ trụ đã được hình thành trên cơ chế: “Cái đơn giản tạo ra cái phức tạp, cái vô cùng bé đã sinh nở ra cái vô cùng lớn” - như ông cho biết, trong cuốn “Nguồn gốc”. Ông nghĩ, chúng ta có thể học được gì từ vũ trụ?
- Sự kiên nhẫn, và ý chí, hẳn rồi! Rằng, một bức tường dù có cao lớn đến đâu, thì cũng đều phải bắt đầu từ những viên gạch nhỏ, và cũng từ đó, mới có được những tòa lâu đài. Con đường tôi đi là sự cần mẫn của một cuộc đời. Chẳng có con đường nào là thẳng mãi, nhưng thế đứng của mình thì luôn phải thẳng.
- Các thiên hà thì luôn chuyển động không ngừng, còn Phật giáo thì luôn khuyên chúng ta nên tĩnh tâm. Theo ông, trạng thái nào cần thiết cho con người hơn?
- Hai điều đó thật ra không hề mâu thuẫn, nếu như không muốn nói còn là điểm gặp thú vị giữa vũ trụ học và Phật giáo. Chính đạo Phật cũng đã chỉ ra sự vô thường (không đứng yên, luôn thay đổi) của vạn vật. Nhưng cũng chính bởi cái gì cũng “động” thế mà con người ta lại càng cần phải “tĩnh”. “Tĩnh trong động” chính là trạng thái giúp chúng ta có được cái nhìn xuyên suốt và thấu đáo trước những lẽ vô thường của đời sống và trong chính bản thân mỗi người.
- Bằng những chiếc kính viễn vọng, thiên văn học đã níu bầu trời sao về gần với loài người. Ông nghĩ, cặp kính ấy, ngoài việc riêng dành cho những nhà chuyên môn như ông, thì còn cần cho ai khác?
- Khi bạn nhìn đời bằng con mắt lãng mạn, thì bạn sẽ dễ dàng vượt qua những khó khăn và khó chịu trong đời sống hơn. Trên ý nghĩa đó thì tôi tin là cặp kính đó cần thiết với tất cả mọi người. Nhưng cần nhất, thì hẳn là cho các nhà lãnh đạo, vì hơn hết, kính thiên văn luôn giúp chúng ta nhìn được xa hơn. Có nhìn xa thì mới không đưa ra những quyết định vội vàng...
- Xin cảm ơn ông!