Chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện
Theo Báo cáo GII 2023, Việt Nam duy trì vị trí thứ 2 trong nhóm các quốc gia thu nhập trung bình thấp. Trong khu vực ASEAN, Việt Nam xếp sau Singapore (xếp hạng 5), Malaysia (xếp hạng 36) và Thái Lan (xếp hạng 43).
Theo WIPO, Việt Nam là 1 trong 7 quốc gia thu nhập trung bình đạt được nhiều tiến bộ nhất về ĐMST trong thập kỷ qua (gồm Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines, Indonesia và Cộng hòa Hồi giáo Iran). Đồng thời cũng là một trong ba quốc gia giữ kỷ lục có thành tích vượt trội so với mức độ phát triển trong 13 năm liên tiếp (gồm Ấn Độ, Cộng hòa Moldova và Việt Nam).
Năm 2023, chỉ số GII có một số thay đổi về các chỉ số thành phần, nguồn dữ liệu và cách tính chỉ số thành phần. Trong đó, có chỉ số mới về startups như “Giá trị của các doanh nghiệp kỳ lân” (Việt Nam được xếp hạng 33). Chi nghiên cứu và phát triển (R&D) của Việt Nam xếp hạng 66, không có sự cải thiện so với các năm trước. Tuy nhiên, chi R&D của top 3 doanh nghiệp lớn có sự cải thiện đáng kể, xếp hạng 29, tăng 9 bậc so với năm 2022. Giá trị các thương vụ đầu tư mạo hiểm dù còn nhỏ nhưng cũng đã có sự cải thiện lớn so với năm 2022, xếp hạng 60, tăng 17 bậc so với 2022. Các doanh nghiệp liên tục đầu tư để thực hiện quản lý chất lượng theo ISO, theo đó, chỉ số về giá trị ISO 9001/PPP$GDP đã tăng 15 bậc so với năm 2022, từ vị trí 65 lên 50 năm 2023.
Theo Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Bùi Thế Duy, kết quả trên cho thấy nỗ lực phục hồi của Việt Nam sau đại dịch Covid-19 đã được ghi nhận. Việc cải thiện thứ hạng GII năm 2023 cũng như từ năm 2017 đến nay là nhờ có những chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ cũng như sự vào cuộc của nhiều bộ, ngành, địa phương trong việc chủ động phát hiện nguyên nhân, hạn chế, có kế hoạch, giải pháp cải thiện các chỉ số thành phần theo phân công của Chính phủ.
Còn nhiều dư địa phát triển
Mới đây, Tại Hội thảo giới thiệu Chỉ số GII 2023 và kết quả của Việt Nam tổ chức tại Geneva (Thụy Sĩ), các chuyên gia đã trao đổi về kết quả GII và có những đề xuất, khuyến nghị chính sách, hành động cụ thể để cải thiện chỉ số GII cho Việt Nam. Ông Marco M. Aleman, Trưởng cơ quan hệ sinh thái ĐMST và sở hữu trí tuệ, Trợ lý, Đặc phái viên Tổng Giám đốc WIPO cho rằng, sự cải thiện về kết quả xếp hạng năm nay của Việt Nam nên được xem là một cơ hội để tiếp tục thiết lập những định hướng ưu tiên và chiến lược cho những năm tới. “Việt Nam xếp thứ 2 trong số các quốc gia thuộc nhóm thu nhập trung bình thấp; là quốc gia giữ kỷ lục về hiệu suất ĐM - ST trên mức kỳ vọng so với mức độ phát triển nền kinh tế trong vòng 13 năm liên tiếp. Chỉ có 2 nền kinh tế khác trên toàn cầu đạt được hiệu suất vượt trội như vậy”, ông Marco M. Aleman nhấn mạnh.
GII là một bộ công cụ đánh giá năng lực ĐM - ST quốc gia có uy tín trên thế giới, phản ánh mô hình phát triển kinh tế - xã hội dựa trên KH - CN và ĐM - ST của các quốc gia. Qua đó, các quốc gia thấy được bức tranh tổng thể cũng như các điểm mạnh, điểm yếu của mình. Từ năm 2017 đến nay, chỉ số GII của Việt Nam liên tục được cải thiện, tăng từ vị trí 59 (năm 2016) lên 42 (năm 2019 và 2020), 44 năm 2021, 48 năm 2022 và 46 năm 2023.
Việt Nam nằm trong số ít các nền kinh tế trên thế giới đã xây dựng thành công bộ chỉ số ĐM - ST cấp địa phương của riêng mình dựa trên GII, cùng với sự hỗ trợ của WIPO và đang dần trở thành một ví dụ tham khảo và truyền cảm hứng cho các quốc gia khác. Ông Marco M. Aleman khuyến nghị, Việt Nam cần tìm hiểu kỹ Báo cáo năm nay để hiểu sâu hơn về kết quả của nền kinh tế của Việt Nam trong mối tương quan với thế giới, nhóm các nước thu nhập tương đồng hoặc trong khu vực; tận dụng tối đa những công cụ, thước đo mới này để làm gia tăng năng lực của GII...
Ông Sacha Wunsch - Vincent, Chuyên gia cao cấp của WIPO, đồng tác giả Báo cáo GII cho rằng, Việt Nam là một trong số những nền kinh tế thu nhập trung bình có tiềm năng quan trọng trong chuyển đổi bối cảnh ĐMST toàn cầu. Việt Nam cũng nằm trong nhóm ít các nền kinh tế có thu nhập trung bình trong top 65 GII đã tăng hạng nhanh nhất trong bảng xếp hạng GII của thập kỷ qua. Ông Sacha Wunsch - Vincent chia sẻ, Việt Nam còn nhiều cơ hội phát triển ĐM - ST, cần tập trung vào một số vấn đề như: đầu tư cho R&D; đánh giá hiện trạng các doanh nghiệp khởi nghiệp; nghiên cứu khả năng tập trung vào các ngành mới; kết nối R&D giữa các viện - trường - doanh nghiệp; tập trung hợp tác về sở hữu trí tuệ...