Vận tải hàng siêu trường, siêu trọng gặp khó vì thủ tục

- Thứ Ba, 06/06/2023, 16:03 - Chia sẻ

Hiện, nhiều Sở Giao thông Vận tải chưa xem xét cấp giấy phép khiến phần lớn đơn vị vận tải hàng siêu trường, siêu trọng chưa thể hoạt động, gây ách tắc nhu cầu vận tải.

“Phần lớn đơn vị vận tải siêu trường, siêu trọng chưa thể hoạt động”

Ngày 6.6, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam có văn bản số 60/CV-HHVT gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhằm cập nhật và cung cấp thông tin về những vướng mắc, bất cập của quy định pháp lý và thực thi ảnh hướng tới hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

Theo Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam, hoạt động vận tải hàng siêu trường, siêu trọng trên đường bộ, trong đó có loại tổ hợp xe sơ mi rơ mooc quá khổ giới hạn, là hoạt động tất yếu trong điều kiện đang thực hiện công nghiệp hóa - hiện đại hóa và đẩy mạnh xây dựng kết cấu hạ tầng hiện nay. Hoạt động vận tải này được cấp giấy phép lưu hành trong khoảng 25 năm qua, hoạt động ổn định cho đến cuối năm ngoái.

Từ tháng 11.2022 đến nay, Cục Đường bộ Việt Nam liên tiếp ra các công văn hướng dẫn về cấp giấy phép lưu hành vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng, như: Công văn số 707/CĐBVN-QLBTKCHTGT ngày 1.11.2022; Công văn số 386/CĐBVNQLBTKCHTGT ngày 17.1.2023; Công văn 1364/CĐBVN-QLBTKCHTGT ngày 8.3.2023; Công văn số 1787/CĐBVN-QLBTKCHTGT ngày 24.3.2023. Trong đó, có một số nội dung không phù hợp với Thông tư số 46/2015/TTBGTVT (Thông tư số 46) và Công văn hướng dẫn số 8146/TCĐBVN-ATGT ngày 19.12.2017 (Công văn số 8146) gây nên lúng túng, bị động trong việc cấp Giấy phép lưu hành xe của các Khu Quản lý đường bộ, các Sở Giao thông Vận tải.

“Từ đầu tháng 3.2023, một số Khu Quản lý đường bộ và Sở Giao thông Vận tải đã dừng cấp Giấy phép lưu hành xe cho tổ hợp xe sơ mi rơ mooc quá khổ chuyên dùng chở ô tô từ nơi sản xuất lắp ráp, các cảng biển đến các đại lý tiêu thụ trong cả nước”, Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết.

Trước tình hình đó, Hiệp hội đã có Công văn số 30/CV-HHVT ngày 6.4.2023 về việc tháo gỡ vướng mắc ách tắc trong việc cấp giấy phép lưu hành xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và xe quá khổ chở ô tô, xe máy gửi Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải. Bộ đã có văn bản chỉ đạo Cục Đường bộ Việt Nam tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các doanh nghiệp.

Tuy nhiên, hiện mới chỉ tháo gỡ cấp giấy phép lưu hành cho loại xe quá khổ lưu thông trên đường bộ mang tính hình thức (nội dung giấy phép lưu hành cấp cho xe nhưng không cho chở hàng, do đó nguy cơ phát sinh nhiều hệ lụy trên đường).

“Đến nay, Cục Đường bộ Việt Nam đã tổ chức một số cuộc họp, nhưng việc cấp giấy phép lưu hành cho phương tiện vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng vẫn còn nhiều vướng mắc. Nhiều Sở Giao thông Vận tải vẫn chưa xem xét cấp giấy phép. Phần lớn các đơn vị vận tải hàng siêu trường, siêu trọng vẫn chưa hoạt động được và nhu cầu vận tải vẫn bị ách tắc”, ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam xác nhận.

Vận tải hàng siêu trường, siêu trọng gặp khó vì thủ tục -0
Ảnh minh họa/ITN

Nguy cơ đứt gãy chuỗi vận tải hàng siêu trường, siêu trọng

Việc ách tắc trong vận tải hàng siêu trường, siêu trọng đã gây thiệt hại kinh tế rất lớn cho xã hội, doanh nghiệp, ngân sách nhà nước. Cụ thể, các doanh nghiệp vận tải bị đình trệ hoặc dừng hoạt động, bị phạt hợp đồng vận chuyển đã ký, gây thiệt hại về kinh tế cho cả hai bên; chậm tiến độ và gây nguy cơ đứt gãy đứt gãy chuỗi vận tải cấu kiện, thiết bị là hàng siêu trường, siêu trọng phục vụ các công trình, dự án lớn, dự án trọng điểm quốc gia, phục vụ an ninh quốc phòng. Đồng thời, phá vỡ tiến độ công trình, dự án, gây thiệt hại về kinh tế cho doanh nghiệp, xã hội và nhà nước.

Thực tế, một số doanh nghiệp vận tải hàng siêu trường, siêu trọng đã đầu tư phương tiện, thiết bị hiện đại đáp ứng vận chuyển những loại hàng có kích thước, khối lượng lớn nhưng không nhận được hợp đồng vận chuyển vì không thể xin được giấy phép lưu hành. Trong khi đó, một số doanh nghiệp vận tải nhỏ, sử dụng loại phương tiện không phù hợp, không đáp ứng quy định giới hạn về tải trọng đường bộ khi chở hàng siêu trường, siêu trọng và không có giấy phép lưu hành xe nhưng dùng nhiều chiêu thức lách luật khi lưu thông trên đường, vượt ra ngoài sự quản lý của cơ quan quản lý đường bộ thì nhận được hợp đồng vận chuyển với giá rất rẻ. Tình trạng này làm công trình cầu, đường bộ bị hư hỏng, xuống cấp, gây thiệt hại rất lớn về kinh tế và nguy cơ tai nạn giao thông rất cao.

Điểm đáng chú ý, theo báo cáo từ các doanh nghiệp vận tải, giai đoạn 2023 – 2024, nước bạn Lào đang triển khai một số dự án điện gió có công suất rất lớn. Các cấu kiện, thiết bị điện gió được vận chuyển bằng đường biển, dự kiến về một số cảng biển của Việt Nam (Cảng Hòn La – Quảng Bình, Cảng Quy Nhơn – Bình Định…), sau đó vận chuyển bằng đường bộ qua Việt Nam sang Lào. Do thông tin về tình trạng quản lý vận tải hàng siêu trường, siêu trọng của Việt Nam và việc xin cấp giấy phép lưu hành xe vận chuyển trên đường bộ của Việt Nam đang rất khó khăn, nên chủ đầu tư các dự án trên đã chuyển sang các cảng biển của Thái Lan, sau đó vận chuyển đường bộ từ Thái Lan sang Lào.

Xem xét sửa đổi, bãi bỏ 4 công văn của Cục Đường bộ

Từ thực tế hiện nay, các doanh nghiệp vận tải hàng siêu trường, siêu trọng kiến nghị cơ quan quản lý được phân cấp sớm tiếp tục cấp Giấy phép lưu hành xe vận chuyển hàng siêu trường, siêu trọng và tổ hợp xe quá khổ chở ô tô theo quy định tại Thông tư 46/2015 và Công văn số 8146.

Xem xét sửa đổi hoặc bãi bỏ 4 Công văn của Cục Đường bộ Việt Nam từ tháng 11.2022 đến nay có nội dung không phù hợp, làm tăng thủ tục hành chính, siết chặt đến mức khó thực hiện hoặc không thể thực hiện được, không phù hợp với quy định tại Thông tư 46 và Công văn số 8146.

Cùng với đó, các doanh nghiệp đề nghị khi sửa đổi Thông tư số 46 phải phù hợp thực tiễn, tăng cường ứng dụng khoa học, công nghệ; không gây khó khăn, cản trở và phải đáp ứng hoạt động vận tải hàng siêu trường, siêu trọng lưu hành xe quá khổ giới hạn, xe quá tải trọng trên đường bộ. Tất cả nhằm mục đích phát triển kinh tế đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh và công tác quản lý an toàn giao thông, an toàn công trình đường bộ.

Minh Châu
#