Quan tâm lao động phi chính thức từ những điều nhỏ nhất

- Thứ Bảy, 02/07/2022, 06:10 - Chia sẻ

Theo đánh giá của các chuyên gia, lao động phi chính thức đang phải đối mặt với nhiều thiệt thòi, bất lợi, đặc biệt là khó tiếp cận hệ thống an sinh xã hội. Do đó, chế độ hỗ trợ mua bảo hiểm cũng như đào tạo nghề với nhóm lao động này cần được chú ý hơn nữa; cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mức. 

Lao động phi chính thức chịu nhiều thiệt thòi

Tại Diễn đàn Kinh tế Việt Nam lần thứ 4 mới đây, ông Bùi Sỹ Lợi, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội cho biết, cả nước có 53,4% lao động phi chính thức làm công hưởng thù lao, tương ứng với 9,6 triệu người; có 32,1% (tương ứng 5,8 triệu người) là lao động tự làm và 11,8% (tương ứng 2,2 triệu người) là lao động gia đình.

Khoảng 97,9% người lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội.
Khoảng 97,9% người lao động phi chính thức không có bảo hiểm xã hội

Đáng chú ý, có đến 43,9% lao động phi chính thức được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương (32,1% là lao động tự làm và 11,8% là lao động gia đình không được trả lương). Trong khi đó, chỉ có 14% lao động chính thức được xếp vào nhóm này.

Đặc biệt, “nữ giới có xu hướng làm các công việc dễ bị tổn thương hơn nam giới; có 31,8% lao động phi chính thức nam giới được xếp vào nhóm lao động có việc làm dễ bị tổn thương, trong khi con số này ở nữ giới lên tới 59,6%”- TS. Bùi Sỹ Lợi nói.

Theo số liệu thống kê của BHXH Việt Nam, nếu tính cả số lao động trong khu vực nông nghiệp thì hiện nay tổng số lao động phi chính thức ở Việt Nam có thể lên tới 40 triệu người, chiếm khoảng 70% lực lượng lao động. Dù có nhiều đóng góp nhưng phần lớn lao động trong khu vực này lại có việc làm bấp bênh, thiếu ổn định, không có hợp đồng lao động, thời gian làm việc dài, thu nhập thấp… Tuy nhiên, đến nay, có tới 97,9% số lao động phi chính thức không có BHXH; chỉ có 0,2% được đóng BHXH bắt buộc, còn lại 1,9% đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện.

Những con số trên đã cho thấy, người lao động trong khu vực phi chính thức và gia đình họ hay phải chịu thiệt thòi vì ít được đề cập trong hệ thống pháp luật về lao động. Ví dụ, đối với yêu cầu về an toàn và sức khỏe liên quan tới điều kiện làm việc, họ không được nhận hỗ trợ từ các chương trình trợ cấp xã hội.

Cần thêm chính sách hỗ trợ lao động phi chính thức

Từ thực tế đó, để lấp đầy khoảng trống bảo hiểm xã hội trong khu vực phi chính thức, hiện thực hóa mục tiêu BHXH toàn dân, trước hết, nhiều chuyên gia cho rằng, cần tiếp tục sửa đổi, hoàn thiện Luật BHXH và các chính sách khác để tăng cường khả năng tiếp cận các chương trình an sinh xã hội cho lao động phi chính thức ở các ngành nghề.

Theo ông Lê Duy Bình, Chuyên gia Kinh tế, Giám đốc Economica Việt Nam, cách tiếp cận về lao động phi chính thức cần được thay đổi theo hướng áp dụng các biện pháp để người lao động tham gia BHXH và bảo vệ quyền của họ mà không cần áp dụng tiêu chí là phải có hợp đồng lao động. Hay nói cách khác là chính thức hóa lao động phi chính thức bằng biện pháp tham gia BHXH và bảo vệ quyền của người lao động mà không cần phải chuyển người lao động vào khu vực kinh tế chính thức.

“Cách tiếp cận của BHXH cần được đẩy mạnh theo hướng phục vụ người tham gia BHXH với các sản phẩm, chế độ lợi ích phù hợp hơn, hấp dẫn hơn và đa dạng hơn. Đổi mới tư duy, cách thức phục vụ, chế độ BHXH, sản phẩm và dịch vụ BHXH sẽ là nền tảng để mở rộng mức độ tham gia BHXH tự nguyện và bắt buộc. Điều này góp phần đóng góp cho việc mở rộng diện tham gia BHXH, nâng cao tính chính thức của những người lao động tự làm và giúp họ tham gia thị trường lao động với vị thế được bảo vệ tốt hơn bởi lưới an sinh xã hội” - ông Bình nói.

Tham mưu thêm về chăm lo cho lao động phi chính thức, TS. Bùi Sỹ Lợi cũng kiến nghị, cần có quy định hỗ trợ đào tạo kỹ năng nghề nghiệp cho lao động, hỗ trợ tài chính, giảm thuế cho các doanh nghiệp vừa, nhỏ và siêu nhỏ (Luật Việc làm); đẩy mạnh phát triển chương trình BHXH tự nguyện trong khu vực kinh tế phi chính thức (Luật BHXH). Ngoài ra, cần thiết lập và thực thi các quy định về đăng ký kinh doanh đơn giản, đồng bộ đối với tất cả doanh nghiệp tư nhân và ở cấp độ quốc gia. Khuyến khích khu vực phi chính thức chuyển đổi và tham gia vào các hoạt động kinh tế chính thức, góp phần tích cực đối với tăng trưởng kinh tế và cải thiện phúc lợi xã hội (Luật Doanh nghiệp).

Điểm nữa, theo ông Bùi Sỹ Lợi, cần phát triển các tổ chức tài chính và tài chính vi mô dành cho khu vực kinh tế phi chính thức. Đồng thời, cần có chính sách, cơ chế hỗ trợ để khu vực kinh tế phi chính thức phát triển đúng mức, giảm dần việc bỏ sót nghĩa vụ đóng thuế, tăng thu ngân sách nhà nước, bảo đảm công bằng xã hội và hạn chế tối đa các tiêu cực trong khu vực này.

Tùng Dương