Nếu không có Nghị quyết số 30 doanh nghiệp khó có thể phục hồi

- Chủ Nhật, 08/01/2023, 06:31 - Chia sẻ

Nhìn lại 18 tháng thực hiện Nghị quyết số 30/2021/QH15 (Nghị quyết) Kỳ họp thứ Nhất của Quốc hội Khóa XV về các chính sách phòng, chống dịch bệnh Covid-19, các doanh nghiệp đều bày tỏ, Nghị quyết thực sự là một trong những chính sách rất kịp thời và sáng suốt. Nếu không có Nghị quyết doanh nghiệp sẽ khó có thể phục hồi.

Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Delta, Trần Đức Nghĩa
Chúng tôi biết ơn Nghị quyết số 30 của Quốc hội

Nhìn lại năm 2020 - 2021 khi phải vật lộn trong những làn sóng đại dịch Covid-19, điều chúng tôi - những doanh nghiệp vận tải, logistics muốn bày tỏ chính là sự biết ơn đối với Quốc hội, Chính phủ, đặc biệt là Nghị quyết số 30 của Quốc hội.

Giám đốc Công ty cổ phần Quốc tế Delta, Trần Đức Nghĩa

Bởi lẽ, chỉ tính riêng năm 2021, chúng tôi gặp khó khăn chưa bao giờ lớn như thế và cũng không thể đong đếm được. Báo cáo tài chính cho thấy, riêng chi phí xét nghiệm Covid-19 cho 170 lái xe lên tới 2 tỷ đồng. Song, những chi phí gián tiếp còn lớn hơn rất nhiều.

Cụ thể, theo yêu cầu, các lái xe phải có xét nghiệm PCR hiệu lực trong 48 - 72 giờ. Tuy nhiên, để có được xét nghiệm đó cần ít nhất 12 tiếng. Nhiều trường hợp lái xe đang di chuyển phải dừng lại giữa đường để đi xét nghiệm PCR do giấy xét nghiệm hết hiệu lực. Doanh nghiệp phải chi trả toàn bộ chi phí cố định cho xe, lương cho tài xế mà không báo cáo tài chính nào liệt kê hết.

Rất may, trong hoàn cảnh đó, Quốc hội và Chính phủ đã có những quyết sách rất tốt, kịp thời, điển hình là Nghị quyết số 30 của Quốc hội. Theo đó, Quốc hội đã tạo điều kiện để Chính phủ, Thủ tướng chủ động, linh hoạt trong chỉ đạo điều hành công tác phòng, chống dịch bệnh. Gần 3 tháng sau, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 128/NQ-CP về thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Đây là bước tiến lớn khi chúng ta chuyển từ chống dịch bị động (khoanh vùng, truy vết) sang thế hoàn toàn chủ động (tăng cường tiêm vaccine). Nhờ đó, hoạt động sản xuất kinh doanh dần khôi phục, tạo đà cho các doanh nghiệp vận tải, logistics được hồi sinh, phát triển.

Tôi cho rằng, nếu không có Nghị quyết số 30, chúng ta khó có thể nhanh chóng kiểm soát dịch bệnh, sớm khôi phục sản xuất kinh doanh. Do vậy, có thể nói, Nghị quyết số 30 rất sáng suốt, kịp thời, thể hiện Quốc hội đã luôn hành động, đồng hành cùng Chính phủ, đồng hành cùng cộng đồng doanh nghiệp vượt qua đại dịch.

Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Trần Văn Lĩnh
Tăng niềm tin cho doanh nghiệp

Trong khi tình hình dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc Nghị quyết số 30 ra đời cho thấy sự thay đổi nhận thức một cách kịp thời, linh hoạt của Chính phủ, Quốc hội chuyển đổi phương thức chống dịch sang sống chung với dịch bệnh. Cùng với đó là chính sách ngoại giao vaccine vô cùng khôn khéo.

Chủ tịch HĐQT CTCP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước, Trần Văn Lĩnh

Kết quả quan trọng nhất của Nghị quyết số 30 là đã tạo tiền đề ổn định kinh tế, chính trị, có ý nghĩa quyết định. Giúp đất nước bước vào thời kỳ “bình thường hóa” trong đời sống, sản xuất, tăng niềm tin của nhân dân. Nhân dân, doanh nghiệp đánh giá cao nỗ lực của Chính phủ, Quốc hội, đã thể hiện vai trò đúng đắn của mình, luôn năng động, linh hoạt, vì dân, không bảo thủ giữ nguyên những chính sách nặng nề mà đã chuyển đổi hết sức kịp thời. Nền kinh tế cũng có nền tảng tăng trưởng tốt, củng cố niềm tin cho doanh nghiệp trong và ngoài nước, Việt Nam dần là địa chỉ uy tín để dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu. Trong năm 2022, nền kinh tế Việt Nam đã có bước phát triển tốt.

Chỉ hơi đáng tiếc là khi triển khai các chính sách, cũng có những bộ, ban ngành chưa chuyển đổi kịp nên đã bỏ lỡ những thời cơ lớn. Ngay như báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra những hạn chế như khâu thực hiện chưa tốt. Đơn cử như ngành du lịch, rõ ràng chúng ta có thể làm tốt hơn, vì chúng ta có lợi thế mở cửa trước, dịch bệnh được kiểm soát nhưng kết quả lại về sau. Trong khi Thái Lan mở cửa sau nhưng vì có những cởi mở về chính sách miễn thị thực đã đem lại kết quả vô cùng tốt. Nếu như kịp thời cởi trói chính sách visa có lẽ nền kinh tế của chúng ta trong năm 2022 sẽ phát triển vượt bậc.

Có lẽ cần phải có sự thống nhất, đồng bộ trong việc thực hiện các chính sách từ các bộ, ngành. Về phía Quốc hội cũng cần tăng cường kiểm tra, giám sát để việc triển khai được hiệu quả nhất.

Giám đốc điều hành Economica Vietnam, Lê Duy Bình
Thể hiện tính chủ động, bám sát thực tiễn của Quốc hội

Nghị quyết số 30 là một sáng kiến đặc biệt, thể hiện sự chủ động, linh hoạt của Quốc hội về cách thức lập pháp, điều mà trước đây chưa từng có tiền lệ, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh lúc đó cũng đang rất căng thẳng. Việc ban hành Nghị quyết đã được nhân dân đồng tình, ủng hộ, có sự lan tỏa, tích cực trên nhiều lĩnh vực và đời sống xã hội.

Giám đốc điều hành Economica Vietnam, TS. Lê Duy Bình

Giá trị lớn nhất mà Nghị quyết mang lại là đã tạo ra hành lang pháp lý vững chắc cho hành động của Chính phủ, Thủ tướng, các bộ, ngành. Thông qua Nghị quyết đã có những sự hỗ trợ trực tiếp cho cộng đồng doanh nghiệp, cho người dân, cho người lao động. Những cái đó đúng vai trò của Quốc hội, tạo ra nguồn lực trong bối cảnh rất khó khăn. Công tác giám sát thực hiện cũng rất tốt. Nhờ đó, năm 2022 nền kinh tế của Việt Nam cũng phát triển rất tốt, tỷ lệ các doanh nghiệp quay trở lại thị trường lớn, sản xuất kinh doanh dần phục hồi, lao động có việc làm ổn định...

Bài học kinh nghiệm lớn nhất cần được rút ra sau thời gian thực hiện Nghị quyết số 30 là trong những trường hợp đặc biệt, phức tạp như vậy cơ quan thực thi pháp luật cần có quyền lực như thế nào. Nền kinh tế còn phải đối mặt với nhiều khó khăn như thiên tai, dịch bệnh thì việc xác định những giải pháp cũng cần rõ ràng. Từ góc độ của Chính phủ, Quốc hội, các cơ quan cần xác định trách nhiệm, có những biện pháp dự phòng để sử dụng trong trường hợp khó khăn, từ đó chủ động hơn trong mọi vấn đề.

Trúc Oanh