Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia

Hệ thống hạ tầng giao thông cần được quy hoạch theo chức năng

- Thứ Ba, 09/08/2022, 05:42 - Chia sẻ

Hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông theo Quy hoạch tổng thể quốc gia cần được quy hoạch theo chức năng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; quy mô kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền và hiệu quả đầu tư.

Mục tiêu thiếu thực tế, không khả thi

Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 (Quy hoạch tổng thể quốc gia) xác định: Phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại, phù hợp với xu thế phát triển khoa học, công nghệ, phát triển hạ tầng thông minh; ưu tiên phát triển hạ tầng trọng yếu về giao thông, năng lượng, hạ tầng ứng phó với thiên tai, thích ứng với biến đổi khí hậu, hạ tầng các đô thị lớn và hạ tầng số, tạo nền tảng phát triển kinh tế số, xã hội số. Đây là quan điểm phù hợp với trình độ phát triển kinh tế - xã hội tại Việt Nam đang trên đường phát triển công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tiến tới văn minh, hiện đại. Đồng thời, đây cũng là định hướng đúng đắn mà nhiều quốc gia đã lựa chọn và áp dụng thành công, cũng chính là con đường ngắn nhất và phù hợp nhất để xây dựng nước Việt Nam giàu mạnh.

Hệ thống hạ tầng giao thông cần được quy hoạch theo chức năng. Nguồn ITN
Hệ thống hạ tầng giao thông cần được quy hoạch theo chức năng. Nguồn ITN

Riêng với mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông, dự thảo Quy hoạch xác định mục tiêu đến năm 2030, hệ thống giao thông cơ bản đáp ứng nhu cầu vận tải của xã hội…

Từng có hơn 40 năm công tác trong ngành giao thông vận tải, tôi cho rằng, mục tiêu này là thiếu tính thực tế, không khả thi. Bởi lẽ, nhu cầu vận tải của xã hội ngày một tăng cao. Do đó, mục tiêu này nên điều chỉnh là: Cơ bản hoàn thành mạng lưới đường ô tô cao tốc kết nối các trung tâm kinh tế, các hành lang kinh tế chính. Đến năm 2030, phấn đấu xây dựng và hoàn thành 5.000km đường ô tô cao tốc trên cả nước, tạo khung hành lang vận tải cho hệ thống cơ sở hạ tầng đường bộ Việt Nam; cơ bản hình thành hệ thống đường bộ theo chức năng trên phạm vi toàn quốc và tại các thành phố lớn cũng như các vùng, địa phương, góp phần đáp ứng nhu cầu vận tải và nhu cầu đi lại phục vụ đời sống dân sinh.

Phân loại theo chức năng thay vì quản lý hành chính

Về phương hướng phát triển và phân bố không gian, dự thảo nêu 5 phương thức vận tải, gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội, đường biển, đường hàng không.

Thực tế cho thấy, hệ thống cơ sở hạ tầng giao thông đường bộ và tổng sản lượng vận tải đường bộ đã có sự bứt phá theo định hướng phát triển. Theo số liệu tổng hợp, hiện nay, vận tải ô tô đảm nhiệm trên 90% tổng khối lượng vận chuyển hành khách và trên 70% tổng khối lượng vận chuyển hàng hóa. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu vận tải và đời sống dân sinh. Vì thế, tình trạng ùn tắc giao thông diễn ra trầm trọng từ hàng chục năm nay chưa giải quyết được.

 Một trong những yếu tố quan trọng nhất, có tính quyết định đến sự nghiệp vận tải và giải quyết ùn tắc giao thông, là cần phải xây dựng hệ thống đường bộ theo chức năng, có khả năng đáp ứng nhu cầu vận tải và dân sinh. Do đó, hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông cần phải được quy hoạch theo chức năng, bảo đảm đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; quy mô kinh tế, nhu cầu phát triển vùng, miền và hiệu quả đầu tư. Đồng thời, cần xem xét đến các yếu tố khác để hướng tới sự cân đối hài hòa liên quan đến các yếu tố địa lý, dân cư và lịch sử, văn hóa…

Hiện, chúng ta phân loại đường bộ và đường sắt theo mô hình quản lý hành chính kiểu Trung Quốc (đường cao tốc do các nhà đầu tư quản lý, quốc lộ do Bộ Giao thông Vận tải quản lý…). Trong khi Mỹ và các nước châu Âu cũng như đa số các nước phân loại theo chức năng: các tuyến hành lang vận tải gồm từ 4 làn xe trở lên, tốc độ từ 80km/h, phù hợp xe tải nặng, container; các tuyến đường gom dưới 4 làn xe, dành cho xe tải, xe khách hàng vừa và hạng nhẹ; các tuyến đường địa phương từ 1 - 2 làn xe, chủ yếu dành cho xe khách hạng nhẹ. Trên cơ sở phân loại theo chức năng, các nhà quản lý sẽ đặt tên cho các tuyến đường để chủ yếu giao trách nhiệm quản lý, sửa chữa, bảo trì.

Chỉ nên vạch ra phương hướng

Dự thảo Quy hoạch tổng thể quốc gia xác định, với đường bộ, tập trung xây dựng các tuyến trực đường bộ Bắc - Nam (hoàn thành cao tốc Bắc - Nam phía Đông, đường Hồ Chí Minh trong giai đoạn đến 2030, đường bộ cao tốc Bắc Nam phía Tây trong giai đoạn đến 2050); ưu tiên đầu tư xây dựng, hoàn thành các tuyến cao tốc kết nối liên vùng, các tuyến cao tốc gắn với hình thành các hành lang kinh tế Đông - Tây như Điện Biên - Sơn La - Hòa Bình - Hà Nội, Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột, Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng… Tương tự, về đường sắt cũng được dự thảo nêu từng tuyến đường cụ thể.

Về mặt quy hoạch định hướng, theo tôi, chỉ nên vạch ra phương hướng phát triển và sơ đồ phân bổ không gian, không nên đi vào từng tuyến cụ thể. Việc quy hoạch mà nêu tên cụ thể các tuyến đường bộ và đường ô tô cao tốc cần xây dựng đến năm 2050 thực chất là cách nhìn hiện tại, thiếu tầm nhìn tổng quan, có tính định hướng chiến lược được thể hiện qua sơ đồ. Việc đặt tên các tuyến đường là công việc sau này.

Một điểm cần lưu ý nữa là, Thủ tướng đã ban hành Quyết định số 1454/QĐ-TTg ngày 1.9.2021 về việc phê duyệt Quy hoạch phát triển mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Về cơ bản, quy hoạch đã định hướng không gian phát triển kinh tế - xã hội đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế của các hành lang kinh tế Bắc - Nam, hành lang kinh tế Đông - Tây; các vùng và đô thị động lực. Tuy nhiên, quy hoạch này được lập chủ yếu cho loại phương tiện ô tô.

Trong khi đó, tất cả các loại phương tiện xe 2 bánh tuy không có chức năng vận tải có sức chở lớn và cự ly dài như ô tô nhưng lại có chức năng lưu hành phục vụ dân sinh trên những cung đường cự ly ngắn, sức chở nhỏ. Hiện, số lượng xe 2 bánh gấp 15 lần so với ô tô, với trên 66 triệu xe máy, trên 30 triệu xe đạp thì lại không được nhắc đến và không được đưa vào quy hoạch mạng lưới đường dành riêng nào. Do sự thiếu quan tâm và thiếu quy hoạch mạng lưới đường dành riêng cho xe 2 bánh đã khiến phương tiện này trở thành nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông, gây ô nhiễm môi trường và ảnh hưởng đến cảnh quan đô thị.

Từ thực tế đó, cần bổ sung Quy hoạch tổng thể mạng lưới đường bộ Việt Nam thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 gồm 2 nhánh là quy hoạch mạng lưới đường bộ cho xe ô tô và mạng lưới đường bộ cho xe 2 bánh là rất cần thiết, để góp phần hoàn chỉnh Quy hoạch tổng thể quốc gia.

PGS.TS. DOÃN MINH TÂM - Nghiên cứu viên cao cấp chuyên ngành giao thông