“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro”

- Thứ Bảy, 03/06/2023, 06:49 - Chia sẻ

Tại Tọa đàm “Bảo vệ quyền lợi của người mua bảo hiểm” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức chiều 2.6, các đại biểu cho rằng, những vụ việc lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ thời gian qua đã ảnh hưởng đến toàn bộ thị trường bảo hiểm và niềm tin trong xã hội về bảo hiểm. Do đó, cần triển khai đồng bộ các giải pháp để thị trường phát triển ổn định, với mục tiêu “dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro”.

Lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ tác động tiêu cực tới toàn thị trường

Bà Phạm Thu Phương, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, thời gian qua, ngành bảo hiểm đã đóng góp rất tích cực cho phát triển kinh tế - xã hội với tốc độ tăng trưởng bình quân 20%/năm. Tuy nhiên, chất lượng phát triển còn hạn chế, chưa tương xứng với tốc độ tăng trưởng.

“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro” -0
Phó Cục trưởng Cục Quản lý và Giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính Phạm Thu Phương phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp

Cụ thể, đã phát sinh những vấn đề về chất lượng hoạt động tư vấn, chăm sóc, giải quyết quyền lợi cho khách hàng. Đặc biệt, kênh phân phối bảo hiểm qua ngân hàng vốn có ưu điểm lớn trong việc tiết giảm chi phí cho người dân, song có tình trạng nhân viên ngân hàng mời chào, lôi kéo, tư vấn không đầy đủ, thậm chí ép buộc khách hàng phải mua sản phẩm bảo hiểm mới cho vay vốn (trong khi hành vi ép buộc khách hàng đã bị cấm).

Điều đáng nói, những vụ việc lùm xùm của bảo hiểm nhân thọ đã tác động tiêu cực tới toàn bộ thị trường. Ông Đỗ Minh Hoàng, Quyền Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) xác nhận, sau hơn 2 năm chịu tác động của dịch bệnh, doanh nghiệp đã rất trông chờ vào sự khởi sắc trong năm nay. Tuy nhiên, từ tháng 2.2023, Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm cùng Ngân hàng Nhà nước liên tục có văn bản yêu cầu các doanh nghiệp liên quan rà soát, báo cáo; Ngân hàng Agribank cũng tiến hành kiểm tra khiến ABIC phải tập trung nguồn lực cho các hoạt động này. Bởi thế, dù thuần túy kinh doanh sản phẩm bảo hiểm phi nhân thọ song 5 tháng đầu năm nay, ABIC chịu mức tăng trưởng âm so với năm 2022.

“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro” -0
Quang cảnh tọa đàm ngày 2.6. Ảnh: Trần Hiệp

Lý giải những hạn chế của thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua, bà Phương cho rằng mặc dù pháp luật đã quy định rõ nghĩa vụ của doanh nghiệp cũng như đại lý bảo hiểm song chất lượng một số đại lý chưa cao, tư vấn chưa đầy đủ, khách quan, nhất là sản phẩm bảo hiểm liên kết đầu tư - nguyên nhân chính dẫn đến bức xúc trong dư luận thời gian qua. Một số doanh nghiệp bảo hiểm chưa chú trọng công tác đào tạo đại lý, hoặc tập trung vào kỹ năng bán hàng mà chưa chú trọng kiến thức chuyên môn cho đại lý. Thêm vào đó, công tác giải quyết khiếu nại chưa kịp thời, thỏa đáng đã nên gây bức xúc cho người dân.

Chính những hạn chế trên khiến thị trường bảo hiểm nhân thọ đi ngược lại bản chất nhân văn của mình, làm suy giảm lòng tin của người tham gia bảo hiểm và cần phải chấn chỉnh lại, bà Phương phát biểu.

Chia sẻ với ý kiến trên, ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế cho rằng, Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 có hiệu lực từ ngày 1.1.2023 đã có nhiều quy định để phát triển lành mạnh thị trường bảo hiểm, như phải tư vấn trung thực, đầy đủ, không lừa dối khách hàng… Nguyên nhân chính là do thực thi pháp luật chứ không phải do chất lượng quy định, ông Hiếu nhấn mạnh.

Cũng theo ông Hiếu, để xảy ra tình trạng thị trường bảo hiểm có sự lộn xộn thời gian qua có trách nhiệm không chỉ của Bộ Tài chính mà cả các cơ quan như ngân hàng, đại lý, doanh nghiệp bảo hiểm. Song, cũng có một phần từ phía khách hàng đã không tìm hiểu kỹ. Nếu như khách hàng không có ý thức tự bảo vệ mình thì đôi khi can thiệp chính sách lại ngày càng méo mó, ông Hiếu khuyến cáo.

Sớm ban hành Nghị định hướng dẫn

Luật Kinh doanh bảo hiểm năm 2022 với các quy định mang tính toàn diện được kỳ vọng sẽ tạo động lực cho thị trường phát triển. Tuy nhiên, theo ông Phan Đức Hiếu, Chính phủ cần sớm ban hành Nghị định hướng dẫn thi hành Luật.

“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro” -0
Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu chia sẻ tại tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp

Nhấn mạnh cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống các văn bản pháp lý chặt chẽ, rõ ràng, đồng bộ, thống nhất, bà Trần Hồng Nguyên, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật lưu ý, phải bảo đảm tốt nhất công khai, minh bạch, bình đẳng quyền lợi giữa các bên, tăng tính hiệu quả trong quản lý nhà nước. Đồng thời, cần tăng cường giám sát và xử lý vi phạm của cơ quan chức năng - điều kiện không thể thiếu để các hoạt động kinh doanh bảo hiểm phát triển ổn định và bảo vệ được người tham gia mua bảo hiểm.

Cùng với đó, cơ quan quản lý cần hoàn thiện quy định về chuẩn hóa chương trình đào tạo đại lý bảo hiểm, kiểm soát chặt chẽ công tác đào tạo, thi cấp chứng chỉ đại lý bảo hiểm. Bộ Tài chính cần xem xét lại và kiểm soát quá trình thực thi việc triển khai ký các hợp đồng bảo hiểm hiện nay theo hướng mẫu hợp đồng bảo hiểm đơn giản, ngắn gọn, dễ hiểu, dễ tiếp cận đối với người tham gia bảo hiểm.

Ngân hàng Nhà nước cần tăng cường quản lý, chấn chỉnh ngân hàng thương mại trong việc phân phối sản phẩm bảo hiểm. Trường hợp cần thiết, cần phối hợp Bộ Tài chính tiến hành thanh tra, giám sát các doanh nghiệp, ngân hàng có liên quan.

Về phía doanh nghiệp, cần đào tạo tư vấn viên để phục vụ khách hàng tốt nhất. Không chỉ doanh nghiệp bảo hiểm mà ngân hàng thương mại cũng nên có sự phối hợp để đào tạo nhân sự. Đồng thời, nên phân định rõ trách nhiệm giữa doanh nghiệp bảo hiểm và ngân hàng thương mại.

Về phía người tham gia bảo hiểm, theo quy định, có 21 ngày để cân nhắc trước kể từ ngày nhận hợp đồng bảo hiểm. Do đó, cần tận dụng tốt thời gian này để tìm hiểu, tham khảo thật kỹ trước khi ký vào hợp đồng.

“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro” -0
Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Trần Hiệp

Với quan điểm “dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro”, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, cả bên bán và bên mua phải chuẩn bị tâm thế, kiến thức, thái độ, kỹ năng nhất định để tham gia vào quan hệ kinh tế này. Cùng với đó, cần tăng cường công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về lĩnh vực bảo hiểm; tăng cường ứng dụng công nghệ cao trong quản lý hoạt động này.

Một lưu ý nữa được ông Nhưỡng chỉ ra là cần phân định rõ vấn đề nào chuyển lực lượng công an giải quyết và vấn đề nào không, để tránh hình sự hóa quan hệ kinh tế.

Khi thực hiện đồng bộ các giải pháp trên, các đại biểu tin tưởng, thị trường bảo hiểm sẽ phát triển ổn định, lành mạnh!

Đan Thanh

Bà TRẦN HỒNG NGUYÊN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật:
Phản ứng chính sách còn chậm

Những lùm xùm của thị trường bảo hiểm nhân thọ thời gian qua là rất đáng tiếc, ngoài mong đợi khi chúng ta xây dựng chính sách. Bài học lớn cho cả cơ quan quản lý, doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng lẫn người mua bảo hiểm là đều chưa quan tâm làm tròn trách nhiệm của mình.

“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro” -0

Thực tế, Bộ Tài chính cũng như Ngân hàng Nhà nước không phải là không có phản ứng khi có sự việc xảy ra. Minh chứng là ngay từ tháng 2.2023, Bộ Tài chính đã ban hành công văn chấn chỉnh các doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại nghiêm túc tuân thủ pháp luật. Tuy nhiên, phản ứng vẫn còn chậm. Do đó, các cơ quan quản lý nhà nước, đặc biệt là những đơn vị trực tiếp phụ trách lĩnh vực bảo hiểm cần bám sát thực tế hơn, nâng cao tính dự báo, khi sự việc xảy ra phải có những biện pháp xử lý kịp thời, không để tình trạng trở nên phức tạp, dư luận bắt đầu quan tâm, nhiều người đề cập mới phản ứng về chính sách.

Ông LƯU BÌNH NHƯỠNG, Phó Trưởng Ban Dân nguyện:
Cần thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội

Thực tế thời gian qua cho thấy, bảo hiểm là một trong những lĩnh vực dự phòng và chống rủi ro nhưng bây giờ lại là rủi ro.

“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro” -0

Trong Báo cáo số 469 ngày 17.5.2023 của Ban Dân nguyện có nêu ý kiến: Vấn đề giao kết và thực hiện một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ không minh bạch, thiếu rõ ràng, khả năng gây rủi ro và thiệt hại cho người mua bảo hiểm.

Ngày 18.5.2023, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức ra Thông báo Kết luận. Nội dung 3.1 trong Thông báo Kết luận là: Bộ Tài chính chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan tăng cường hoạt động thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ có hoạt động kinh doanh bảo hiểm liên kết với các ngân hàng thương mại, tăng cường kiểm tra giám sát về việc triển khai một số sản phẩm bảo hiểm nhân thọ, để bảo đảm tính minh bạch của thị trường bảo hiểm và quyền lợi của người tham gia bảo hiểm. Đây là vấn đề cần thực hiện nghiêm túc theo chỉ đạo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ông PHAN ĐỨC HIẾU, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế:
Áp dụng nguyên tắc quản lý rủi ro để bảo vệ người mua bảo hiểm

Những sự cố vừa qua là cơ hội để thị trường bảo hiểm tự sàng lọc, tự phân loại, vươn lên và bứt phá.

“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro” -0

Để bảo vệ quyền lợi người mua bảo hiểm, chống tình trạng người tư vấn/đại lý bảo hiểm cố tình thông tin sai lệch, cần có phương pháp kiểm tra phù hợp, khoa học, kịp thời. Nên áp dụng nguyên tắc kiểm tra ngẫu nhiên, hoặc theo nguyên tắc quản lý rủi ro. Chẳng hạn, nếu thấy số lượng hợp đồng của một doanh nghiệp bảo hiểm nào đó tăng bất thường thì nên tập trung kiểm tra thay vì kiểm tra đồng loạt. Cùng với đó, phải xử lý thật nghiêm nếu phát hiện sai phạm. Đồng thời, cần phát huy vai trò của Hiệp hội Doanh nghiệp bảo hiểm trong việc sàng lọc hội viên. Kinh nghiệm ở một số nước cho thấy, người dân chỉ mua bảo hiểm của doanh nghiệp là thành viên của hiệp hội.

Bà PHẠM THU PHƯƠNG, Phó Cục trưởng Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm:
Sẽ mở rộng thanh tra, kiểm tra thị trường bảo hiểm

Mục tiêu bảo vệ người tham gia bảo hiểm luôn được đặt lên hàng đầu, từ thiết kế chính sách đến thanh, kiểm tra...

“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro” -0

Hiện, Cục đã đề xuất bổ sung văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022 (dự thảo nghị định và thông tư) nhằm cụ thể hóa hoạt động tư vấn của đại lý bảo hiểm, đặc biệt là quy định về bán bảo hiểm qua ngân hàng. Bên cạnh đó, cụ thể hóa trách nhiệm của doanh nghiệp trong kiểm tra, giám sát đại lý; minh bạch hóa thông tin hợp đồng; xây dựng bản tóm tắt hợp đồng bảo hiểm, nêu rõ thời hạn đóng phí cùng các thông tin quan trọng khác. Chúng tôi cũng đề xuất khống chế mức chi cho đại lý bảo hiểm.

Hiện, Bộ đang rà soát, trình Chính phủ nghị định bổ sung xử phạt hành chính trong kinh doanh bảo hiểm để phù hợp hơn với thực tế. Trong năm 2023, Cục sẽ tiếp tục mở rộng hoạt động thanh, kiểm tra thị trường bảo hiểm và sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện vi phạm.

Ông NGÔ TRUNG DŨNG, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam:
Muốn lấy lại niềm tin, doanh nghiệp phải cầu thị

Dù những chuyện vừa qua chỉ xuất phát từ một số ngân hàng và doanh nghiệp bảo hiểm song không có một ngân hàng hay công ty bảo hiểm nào có thể nằm ngoài cuộc. Đó là bài học lớn cho ngành bảo hiểm nhân thọ.

“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro” -0

Hiện, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp tự chấn chỉnh và rà soát nghiệp vụ của mình, kể cả với doanh nghiệp đang làm khá tốt.

Doanh nghiệp bảo hiểm muốn lấy lại niềm tin thị trường thì cần cầu thị. Quy định trong hợp đồng bảo hiểm được cho là dài dòng song cũng là để bảo đảm quyền lợi cho cả hai bên mua và bán. Dù vậy, doanh nghiệp vẫn cần rà soát để đơn giản hóa tối đa hợp đồng.

Ông ĐỖ MINH HOÀNG, Quyền Tổng Giám đốc Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC):
Luôn lấy khách hàng làm trung tâm

ABIC đang cung cấp 103 sản phẩm bảo hiểm cho khu vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn với hai mục tiêu. Thứ nhất là bảo vệ nguồn vốn nhà nước thông qua dòng vốn tín dụng vào ngành nông nghiệp. Thứ hai là khi người dân, người nông dân đến vay vốn Agribank mà không may có sự kiện bảo hiểm bị tổn thất về tài sản hoặc về tính mạng, sức khỏe thì đã có ABIC thay mặt để trả nợ gốc và lãi vay cho Agribank. Đồng thời người nông dân và người dân đó lại có điều kiện về hạn mức tín nhiệm để được tái vay vốn.

“Dứt khoát không để bảo hiểm trở thành gánh nặng rủi ro” -0

Để bảo đảm quyền lợi cho người mua bảo hiểm, chúng tôi xác định phải tập trung vào tất cả các khâu: trước, trong quá trình bán hàng và cả dịch vụ sau bán hàng. ABIC xác định hai yếu tố mang tính chất kim chỉ nam cơ bản. Thứ nhất, mọi hành vi của mình phải luôn lấy khách hàng làm trung tâm, phải coi trọng quyền, đặt quyền lợi tối ưu cho khách hàng. Thứ hai, tăng cường đào tạo đại lý; đẩy mạnh tuyên truyền về chương trình ưu đãi của gói tín dụng ABIC.

Chúng tôi cũng có quy chế hoạt động cụ thể cho các đại lý. Nhờ đó, suốt 16 năm hoạt động, chưa có một lùm xùm nào khiến hoạt động của doanh nghiệp bị chấn chỉnh. Hiện, hàng năm ABIC có khoảng 3,6 triệu đơn bảo hiểm cung cấp cho khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Trong đó 95% đã cấp giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử; 100% xuất hóa đơn điện tử.

Minh Châu 

#