Doanh nghiệp gỗ vẫn khó khăn trong hoàn thuế

- Thứ Sáu, 02/06/2023, 06:04 - Chia sẻ

Tổng cục Thuế cho biết, chỉ còn 199 hồ sơ của các doanh nghiệp gỗ chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng, chiếm 4,18% trong tổng số doanh nghiệp đã được hoàn. Tuy nhiên, điều đáng nói là có những doanh nghiệp không nộp được hồ sơ, mong gì đến chuyện được hoàn thuế.

Một năm rưỡi mới xác minh được 10% chuỗi cung 

Tổng cục Thuế cho biết, tổng hợp nhanh kết quả giải quyết hồ sơ hoàn thuế giá trị gia tăng tại 63 tỉnh, thành phố từ ngày 1.1.2022 - 17.5.2023 đối với doanh nghiệp kinh doanh mặt hàng gỗ và sản phẩm từ gỗ cho thấy, cơ quan thuế đã giải quyết hoàn cho 4.760 hồ sơ, tương ứng số tiền 19.100 tỷ đồng. Số hồ sơ doanh nghiệp hủy đề nghị hoàn là 215 hồ sơ, tương ứng số tiền 1.514 tỷ đồng. Lý do là sau khi gửi hồ sơ đề nghị hoàn thuế, doanh nghiệp tự rà soát đối chiếu với quy định và nhận thấy hồ sơ bị thiếu, kê khai sai, cần điều chỉnh số liệu... nên cần thời gian để xem xét lại hồ sơ, sổ sách chứng từ.

Vướng mắc về truy xuất nguồn gốc khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng. Ảnh ITN
Vướng mắc về truy xuất nguồn gốc khiến nhiều doanh nghiệp ngành gỗ vẫn chưa được hoàn thuế giá trị gia tăng. Nguồn: ITN

Bên cạnh đó, có 44 hồ sơ bị cơ quan thuế từ chối đề nghị hoàn do doanh nghiệp nộp hồ sơ thiếu, sai mẫu, không đủ thủ tục... Còn 199 hồ sơ đề nghị hoàn chưa được cơ quan thuế giải quyết, tương ứng số tiền đề nghị hoàn 1.119 tỷ đồng, chiếm 4,18% so với tổng số hồ sơ đã được hoàn thuế (4.760 hồ sơ).

Tuy nhiên, điều đáng nói là có những doanh nghiệp gỗ không nộp được hồ sơ đề nghị hoàn thuế nên chưa được hoàn. Chi hội Gỗ dăm (Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam) có khoảng 600 doanh nghiệp thành viên. Đại diện Chi hội cho biết, nhiều doanh nghiệp thành viên gặp phải tình trạng này. 

Trao đổi với Báo Đại biểu Nhân dân trưa 1.6, chủ một doanh nghiệp xuất khẩu gỗ dăm cho biết hiện chưa được hoàn thuế số tiền lên tới hơn 300 tỷ đồng vì “có nộp được hồ sơ đâu mà hoàn"! Doanh nghiệp này phản ánh: mỗi lần nộp hồ sơ đề nghị hoàn thuế, Cục Thuế địa phương đều kêu lấy về. Lý do là khi nhận được hồ sơ của doanh nghiệp, cơ quan thuế không thể xác minh nguồn gốc gỗ đến tận người trồng rừng nên sẽ phải gửi hồ sơ sang cơ quan công an. Nếu chuyển hồ sơ sang công an, thời gian xác minh sẽ kéo dài. Có trường hợp 3 năm vẫn chưa xác minh xong, mọi hoạt động vì thế bị đình trệ, doanh nghiệp không thể làm ăn được. "Do đó, doanh nghiệp đành rút hồ sơ về, chờ chính sách thay đổi hoàn toàn để được nhận lại tiền hoàn thuế hoặc chấp nhận chờ phá sản nếu chính sách không đổi”, ông nói.

Phản ánh tới Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân (Ban IV, thuộc Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng), đại diện một doanh nghiệp cho biết, sau một năm rưỡi chuyển hồ sơ sang cơ quan công an, kết quả xác minh mới được 10%!

Cục Thuế không thể truy xuất nguồn gốc đến tận người trồng rừng

Theo các doanh nghiệp gỗ, khó khăn chỉ xuất hiện kể từ sau khi Tổng cục Thuế ban hành Công văn số 2124/TCT-TTKT ngày 22.5.2020 yêu cầu xác minh, đối chiếu nguồn gốc mặt hàng gỗ dăm, gỗ thành phẩm nhằm bảo đảm việc giải quyết hoàn thuế. Trong hồ sơ để xác minh nguồn gốc hợp pháp khi hoàn thuế, cơ quan thuế yêu cầu ngoài hồ sơ theo quy định của Thông tư 27/2018/TT-BNNPTNT quy định về quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, chủ rừng phải cung cấp sổ đỏ diện tích khai thác; chứng minh thư nhân dân của chủ sở hữu; đơn xin khai thác được chính quyền địa phương xác nhận. Tuy nhiên, thực tế, một số diện tích rừng thiếu các bằng chứng pháp lý về nguồn gốc đất đai (không có sổ đỏ, tranh chấp…).

Thống kê của Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, cả nước có khoảng 2 triệu hecta rừng trồng của hơn 1 triệu hộ gia đình quản lý, trong đó có khoảng hơn 60% chưa được cấp sổ đỏ. Như vậy, mặc dù gỗ rừng trồng của người dân là hợp pháp nhưng do không có sổ đỏ nên sẽ không được hoàn thuế theo quy định, gây thiệt hại cho doanh nghiệp và chủ rừng; chưa kể, chuỗi cung rừng trồng có nhiều khâu nên cũng rất khó để xác minh.

“Không phải các Cục Thuế không làm, mà họ không đủ chức năng, quyền hạn để đi kiểm tra về truy xuất nguồn gốc đến tận người trồng rừng. Doanh nghiệp cũng không thể làm được vì phải mua qua nhiều khâu trung gian. Như vậy, ách tắc chính là từ văn bản của Tổng cục Thuế”, đại diện doanh nghiệp gỗ đang bị đọng hơn 300 tỷ đồng tiền thuế nói.

Chậm hoàn thuế, nhiều doanh nghiệp đã cạn kiệt nguồn vốn, hoạt động đình trệ và đang chờ phá sản. Chủ một doanh nghiệp xuất khẩu dăm gỗ khác tại Quảng Ninh cho biết đang bị đọng vốn hơn 130 tỷ đồng vì chưa được hoàn thuế. Lý do bởi doanh nghiệp này mua mặt hàng gỗ từ một doanh nghiệp (người nộp thuế) khác và không thể chứng minh được xuất xứ gỗ đến tận người trồng rừng. “Chúng tôi hầu như đã dừng hoạt động và chờ phá sản”, ông nói, đồng thời cho biết đây cũng là tình trạng chung của nhiều doanh nghiệp gỗ dăm hiện nay.

Trước khó khăn về hoàn thuế, các doanh nghiệp gỗ đã nhiều lần gửi kiến nghị lên cơ quan thuế song vẫn chưa được giải quyết triệt để. Mong muốn của các doanh nghiệp là Tổng cục Thuế thay đổi chính sách theo hướng hoàn thuế chỉ nên xác minh đến người nộp thuế chứ không phải đến tận người trồng rừng; và áp dụng đúng thời hạn giải quyết không quá 40 ngày kể từ ngày cơ quan thuế tiếp nhận hồ sơ.

Trong báo cáo gửi tới Thủ tướng mới đây, Ban IV cũng đề nghị đẩy nhanh việc hoàn thuế cho doanh nghiệp, tránh kéo dài như hiện nay. Trong đó, có thể xem xét một số giải pháp đặc biệt, như cho phép doanh nghiệp được hoàn thuế trong vòng 3 tháng sau khi hoàn thành xuất khẩu đơn hàng và kết hợp các biện pháp thanh tra, hậu kiểm để kiểm soát rủi ro, chống gian lận thuế nhằm tạo điều kiện cho số đông các doanh nghiệp tuân thủ tốt pháp luật.

Minh Châu