Cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin tài chính, ngân sách

- Thứ Hai, 05/12/2022, 05:57 - Chia sẻ

Chiến lược phát triển Kho bạc Nhà nước (KBNN) đến năm 2030 đặt mục tiêu Báo cáo tài chính nhà nước phải cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính, ngân sách nhà nước để phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp và người dân. Hệ thống KBNN đã và đang nỗ lực để đạt mục tiêu này.

Thuyết minh đầy đủ, rõ ràng

Hệ thống KBNN thực hiện nhiệm vụ tổng hợp, lập Báo cáo tài chính nhà nước (BCTCNN) từ năm 2019. Từ đó đến nay, các đơn vị đã triển khai nhiều giải pháp nhằm bảo đảm tiến độ và chất lượng của Báo cáo.

Công chức KBNN Khánh Hòa lập Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021
Công chức Kho bạc Nhà nước Khánh Hòa lập Báo cáo tài chính nhà nước năm 2021

Cùng với việc công bố danh sách các đơn vị thuộc đối tượng lập BCTCNN và danh sách cán bộ hỗ trợ nghiệp vụ, kỹ thuật, KBNN Khánh Hòa quy định rõ thời hạn gửi Báo cáo. Đồng thời, mở rộng kênh thông tin để trao đổi giữa kho bạc với cơ quan tài chính, các ban, ngành, địa phương; giữa người cung cấp thông tin và người tiếp nhận thông tin trao đổi các vướng mắc để có BCTCNN đầy đủ, chính xác, kịp thời.

Trên cơ sở số liệu thu thập được, KBNN Khánh Hòa đã phân tích, thuyết minh đầy đủ, rõ ràng, chính xác các số liệu trên nhiều khía cạnh. Cụ thể như tình hình tài sản và nguồn hình thành tài sản nhà nước của tỉnh tại thời điểm cuối năm, để phản ánh quy mô tài sản khu vực nhà nước của tỉnh và được hình thành từ những nguồn nào. Cùng với đó là kết quả hoạt động tài chính nhà nước của năm; báo cáo lưu chuyển tiền tệ trình bày cụ thể các luồng tiền thực thu vào, thực chi ra trong năm tài chính và số dư tiền (và tương đương tiền) của Nhà nước (ngân sách và ngoài ngân sách) tại thời điểm kết thúc năm tài chính. Từ đó biết được nguồn tiền của khu vực Nhà nước được hình thành từ đâu, chi tiêu vào những việc gì?…

Khi hoàn thành dự thảo Báo cáo, KBNN Khánh Hòa xin ý kiến góp ý của các đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện. Các cơ quan, đơn vị, địa phương đều thống nhất số liệu và thuyết minh, phân tích, lãnh đạo KBNN Khánh Hòa cho biết.

Tương tự, KBNN Lạng Sơn thường xuyên phối hợp chặt chẽ với các đơn vị dự toán cấp I trên địa bàn tỉnh trong công tác tổng hợp, lập BCTCNN. Nhờ đó, mặc dù số liệu năm 2021 có phạm vi rất rộng nhưng KBNN Lạng Sơn tổng hợp đầy đủ, phân tích chi tiết từng chỉ tiêu từ báo cáo cung cấp thông tin của 539 đơn vị; phản ánh toàn bộ thông tin tài chính nhà nước có nguồn gốc từ ngân sách tỉnh hoặc do tỉnh quản lý. Báo cáo tỉnh đã được trình UBND tỉnh tại kỳ họp tháng 11 và sẽ được báo cáo HĐND tỉnh tại kỳ họp tháng 12 này.

Làm tốt công tác đào tạo và truyền thông

Tuy vậy, thực tế quá trình tổng hợp, lập BCTCNN gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng cả tiến độ và chất lượng của Báo cáo.

Theo phản ánh của nhiều đơn vị kho bạc, thông tin về tình hình tài chính nhà nước hiện nay được theo dõi trên các ứng dụng khác nhau, tại các đơn vị khác nhau, theo quy định của chế độ kế toán áp dụng cho từng đơn vị tương ứng với nội dung mà đơn vị được giao quản lý hoặc sử dụng. Bên cạnh đó, các đơn vị trực thuộc của những đơn vị tổng hợp báo cáo không sử dụng chung 1 phần mềm kế toán dẫn đến khi tổng hợp chung thành báo cáo tổng không tương thích. Việc đối chiếu chỉ tiêu tổng với chỉ tiêu tương ứng của các đơn vị cấp dưới trực thuộc khó khăn nên KBNN phải làm thủ công nhiều trong khi nhân lực hạn chế. Thông tin về quyền sử dụng đất trong tài sản vô hình của các đơn vị còn chưa tính được chính xác; thông tin về quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, tài sản kết cấu hạ tầng,… vẫn chưa thu thập đầy đủ.

Lãnh đạo KBNN Lạng Sơn cho biết, năm 2022, các trường học chuyển thành đơn vị dự toán cấp I. Theo đó, 600 trường học trên địa bàn tỉnh đều phải lập BCTCNN gửi đến KBNN. Số đơn vị phải lập BTCTNN tăng mạnh; không ít đơn vị có sai sót trong quá trình tổng hợp, báo cáo số liệu phải trả đi trả lại là áp lực lớn với đội ngũ kế toán và cán bộ làm công tác tài chính của KBNN Lạng Sơn. Bên cạnh đó, hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về phương thức xác định giá trị của tài sản cố định đặc thù, bao gồm cổ vật, hiện vật trưng bày trong bảo tàng, lăng tẩm, di tích lịch sử - văn hóa nên chưa tổng hợp được.

Chiến lược phát triển KBNN đến năm 2030 đặt mục tiêu BCTCNN phải cung cấp đầy đủ, kịp thời và chính xác thông tin về tài chính - ngân sách nhà nước phù hợp với chuẩn mực kế toán công để phục vụ tốt công tác quản lý, điều hành, giải trình của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương và công tác kiểm tra, giám sát của Quốc hội, HĐND các cấp và người dân. Cùng với đó, rút ngắn thời gian lập và trình BCTCNN với mục tiêu đến năm 2030, thời gian lập và trình tối đa không quá 6 tháng kể từ ngày kết thúc năm tài chính - ngân sách.

Để đạt mục tiêu này, lãnh đạo KBNN Khánh Hòa cho rằng, trước tiên phải bảo đảm tốt các thông tin, dữ liệu tài chính đầu vào. Muốn vậy, cần làm tốt công tác đào tạo và truyền thông. Đào tạo để cán bộ kế toán của các đơn vị và đội ngũ cán bộ lập BCTCNN trong toàn hệ thống KBNN nhanh chóng làm chủ được số liệu tài chính, thực hiện thành thạo công việc của mình. Công tác truyền thông cần thực hiện thường xuyên, liên tục để nâng cao nhận thức, hiểu biết của các tổ chức, cá nhân liên quan về vai trò, lợi ích của BCTCNN nhằm tạo sự ủng hộ của các cấp lãnh đạo, quản lý trong việc khai thác, sử dụng thông tin tài chính nhà nước.

Vy Hương