Đưa đất nước phát triển trên “đường ray” khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo

Bài 1: Nhìn lại kết quả thực hiện Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ

- Thứ Hai, 05/06/2023, 06:07 - Chia sẻ

Việt Nam đã đạt nhiều kết quả trong việc tiếp cận kiến thức khoa học, công nghệ của thế giới và hòa nhập vào các chuỗi giá trị toàn cầu. Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tiễn phát triển khoa học, công nghệ và đổi mới, sáng tạo (KH-CN và ĐMST) còn nhiều khó khăn, vướng mắc, cần những giải pháp đồng bộ để KH-CN và ĐMST tạo sự phát triển vượt bậc, đóng góp mang tính đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Để đạt được mục tiêu trở thành nước phát triển, có thu nhập cao vào năm 2045, Việt Nam cần đầu tư phát triển KH-CN và ĐMST mạnh mẽ hơn nữa trong giai đoạn tới.

Ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong đầu tư, đổi mới, ứng dụng KH-CN
Ngày càng nhiều doanh nghiệp tư nhân tiên phong trong đầu tư, đổi mới, ứng dụng KH - CN

Thời gian qua, Việt Nam đã ghi nhận nhiều thành tựu đáng kể về kinh tế, luôn nằm trong top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, từ 6 - 7%, năm 2022 đạt 8.02%. Góp phần quan trọng vào thành tựu đó không thể không nhắc đến vai trò của KHCN và ĐMST nhằm nâng cao năng suất lao động, phát triển bền vững. Đây cũng là 1 trong 8 mục tiêu đạt được của Chiến lược phát triển KHCN giai đoạn 2011 - 2020 được Thủ tướng Chính phủ ban hành năm 2012.

Tăng năng suất lao động trên nền tảng ứng dụng KH-CN

Trong mấy năm trở lại đây, Việt Nam luôn nằm trong top những quốc gia có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao, thu nhập bình quân đầu người hiện đạt khoảng 2.800 USD/người. Chỉ số đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng giai đoạn 2016 - 2020 tăng lên 45,2%, tính chung 10 năm 2011 - 2020 đạt 39,0% (vượt mục tiêu 35%). Tỉ trọng giá trị xuất khẩu sản phẩm công nghệ cao trong tổng giá trị xuất khẩu hàng hóa tăng từ 19% năm 2010 lên khoảng 50% năm 2020. Tốc độ tăng năng suất lao động bình quân giai đoạn 2016 - 2020 là 5,8%/năm (cao hơn mức 4,3%/năm của giai đoạn 2011 - 2015). Chỉ số ĐMST liên tục tăng, dẫn đầu nhóm quốc gia có cùng mức thu nhập và đứng thứ 3 ASEAN, xếp thứ 42/131 quốc gia.

Tốc độ tăng trưởng bình quân công bố quốc tế của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 là 25,68%/năm. Khoa học xã hội đã đóng góp tích cực và cung cấp luận cứ cho việc hoạch định đường lối, chủ trương, chính sách và định hướng phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Một số lĩnh vực khoa học tự nhiên đạt trình độ tiên tiến của khu vực và thế giới. Đặc biệt, đầu tư cho KH-CN, nhất là đầu tư của doanh nghiệp đánh dấu sự chuyển biến mạnh mẽ. Nếu như trước đây kinh phí hoạt động KH-CN chủ yếu dựa vào ngân sách nhà nước (khoảng 70%), thì đến nay, đầu tư cho KH-CN từ ngân sách và doanh nghiệp đã tương đối cân bằng (52% và 48%). Nhiều doanh nghiệp tư nhân đã tiên phong trong đầu tư, đổi mới, ứng dụng KH-CN.

Có được những kết quả đó nhờ việc triển khai tích cực, đúng hướng Chiến lược phát triển KH-CN giai đoạn 2011 - 2020. Đặc biệt, qua thực tế đã khẳng định một số định hướng chiến lược phát triển KH-CN phù hợp với Việt Nam như: KH-CN phải đóng vai trò chủ đạo, là lực lượng sản xuất trực tiếp, động lực chính của tăng trưởng kinh tế; phát triển mạnh mẽ KH-CN để tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh để phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững; đổi mới cơ bản, toàn diện và đồng bộ tổ chức, cơ chế quản lý và cơ chế hoạt động KH và CN...

KH-CN tham gia phát triển các ngành, lĩnh vực

Ở lĩnh vực nông nghiệp, KH-CN đóng góp trên 30% giá trị gia tăng trong sản xuất nông nghiệp, 38% trong sản xuất giống cây trồng, vật nuôi. Theo Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Phùng Đức Tiến, những đóng góp của KH-CN trong lĩnh vực nông nghiệp rất lớn, giúp nâng giá trị gia tăng của nhiều sản phẩm nông nghiệp, mang lại lợi nhuận cao hơn. Đơn cử như vải thiều Lục Ngạn, Bắc Giang xuất khẩu sang thị trường Nhật Bản, Pháp, CH Czech, Australia, Mỹ, Đức..; xoài Cát Chu Đồng Tháp đã bắt đầu xuất khẩu sang thị trường một số nước EU; gạo thơm chất lượng cao ở Sóc Trăng, An Giang... xuất khẩu số lượng lớn, giá trị cao…

Lĩnh vực công nghiệp, giá trị sản phẩm công nghệ cao, ứng dụng công nghệ tăng từ 26% năm 2010 lên trên 40% năm 2019. Việt Nam đã làm chủ công nghệ, chế tạo thành công nhiều thiết bị, dây chuyền sản xuất, chủng loại vật liệu mới với tỉ lệ nội địa hóa cao, phục vụ phát triển ngành cơ khí chế tạo, năng lượng, công nghiệp hỗ trợ, nông nghiệp… Một số sản phẩm có thể kể đến như: thiết bị nâng hạ tải trọng lớn, giàn khoan dầu khí, ô tô khách, dây chuyền khai thác chế biến than, các thiết bị chính trong dây chuyền sản xuất xi măng công suất lớn, hệ thống lọc bụi tĩnh điện công suất lớn cho các nhà máy nhiệt điện, hóa chất, dây chuyền xử lý chất thải rắn, bơm công suất lớn, thiết bị cơ khí thủy công, máy biến áp lực 500kV công suất đến 900MVA…

Trong lĩnh vực giao thông vận tải, có thể kể đến một số kết quả nổi bật như công nghệ xây dựng cầu bê tông cốt thép như công nghệ đúc hẫng cân bằng cho nhịp dài đến 150m (cầu Hàm Luông), công nghệ đúc đẩy, công nghệ đẩy đà giáo (MSS) thích hợp cho các chiều dài vượt nhịp từ 40 -70m, công nghệ lắp ghép từng nhịp (SBS) tại vị trí kết cấu cầu dẫn phía An Hải thuộc dự án xây dựng đường ô tô Tân Vũ - Lạch Huyện...

Lĩnh vực y tế, Việt Nam đã làm chủ được nhiều công nghệ, kỹ thuật tiên tiến trong chẩn đoán và điều trị như phẫu thuật nội soi; X-quang can thiệp, lọc máu hiện đại trong cấp cứu, điều trị bệnh nhân nặng và ứng phó với một số dịch bệnh nguy hiểm; kỹ thuật ghép tạng, thận, gan, tụy, tụy - thận, tim, phổi... mở ra cơ hội sống cho hàng ngàn người bệnh. Bên cạnh đó, các lĩnh vực công nghệ cao, công nghệ thông tin, an ninh quốc phòng, tài chính ngân hàng cũng cho những kết quả nghiên cứu mang lại đóng góp lớn kinh tế - xã hội.

Cần từng bước tháo gỡ các điểm nghẽn về chính sách

Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là hệ thống pháp luật chưa đồng bộ, trong đó chưa có sự thống nhất quy định pháp luật về tài chính, đầu tư với quy định pháp luật về KH-CN. Cơ chế quản lý hoạt động KH-CN tuy đã có nhiều nỗ lực đổi mới nhưng tư duy chưa chấp nhận rủi ro và độ trễ trong nghiên cứu khoa học còn phổ biến.

Bên cạnh đó, còn tồn tại một số vấn đề trái với quy luật phát triển khách quan của KH-CN; trái với thông lệ và thực tiễn pháp lý của các nước phát triển cùng ngưỡng về trình độ công nghệ ở Việt Nam hiện nay, tạo ra các điểm nghẽn trong việc đưa kết quả nghiên cứu vào sản xuất, kinh doanh.

Ngoài ra, chính sách, pháp luật về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công, tài sản công, thuế để khuyến khích, thúc đẩy hoạt động nghiên cứu, phát triển công nghệ, đổi mới công nghệ, thu hút các dự án đầu tư sử dụng công nghệ tiên tiến, công nghệ cao, có tác động lan tỏa đến doanh nghiệp trong nước còn chưa đồng bộ, thống nhất với pháp luật KH-CN. Phần lớn các doanh nghiệp vừa và nhỏ nên chưa quan tâm đầu tư cho ứng dụng, đổi mới, nghiên cứu và phát triển công nghệ; thị trường KH-CN phát triển còn chậm, còn ít các tổ chức trung gian có uy tín, kinh nghiệm trong hoạt động kết nối cung - cầu. Chưa khuyến khích, nuôi dưỡng và phát triển được nhiều các phát minh, sáng chế trở thành sản phẩm cuối cùng và thương mại hóa…

HOÀNG LINH - NHẬT ANH