26 Đoàn công tác của Chính phủ đã giải quyết ngay 300/1.000 kiến nghị

- Thứ Bảy, 03/06/2023, 18:12 - Chia sẻ

Trong 5 tháng đầu năm, 26 Đoàn công tác do các Thanh viên Chính phủ chủ trì làm việc trực tiếp với 63 tỉnh, thành đã tiếp nhận hơn 1.000 kiến nghị, trong đó, giải quyết ngay 300 kiến nghị.

“Nền kinh tế có nhiều điểm sáng”

Phát biểu tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.2023 chiều 3.6, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ, cho biết: Trong 5 tháng đầu năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành 25 Nghị định, 101 Nghị quyết, 15 quyết định quy phạm pháp luật, 618 quyết định cá biệt, 36 công điện, 17 chỉ thị.

Đã giải quyết ngay 300/1.000 kiến nghị trong 5 tháng đầu năm -0
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn phát biểu tại họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5.2023. Ảnh: VGP/Quang Thương

Đặc biệt, lần đầu tiên Chính phủ tổ chức 26 Đoàn công tác do các thành viên Chính phủ chủ trì làm việc trực tiếp với 63 tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, đã tiếp nhận hơn 1.000 kiến nghị, trong đó, giải quyết ngay 300 kiến nghị và tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo giải quyết các kiến nghị còn lại.

Công tác chỉ đạo, điều hành tập trung vào 9 nhóm vấn đề. Cụ thể: Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, đôn đốc các dự án, công trình trọng điểm quốc gia; giảm lãi suất điều hành mặt bằng lãi suất cho vay, tăng khả năng tiếp cận tín dụng, cho phép các tổ chức tín dụng cơ cấu lại nợ, giãn nợ, mua lại trái phiếu doanh nghiệp; gia hạn thời hạn nộp thuế tiền thuê đất, thuê đất, giảm thuế VAT.

Đồng thời, tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp; đẩy mạnh cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; xử lý vướng mắc về mua sắm thuốc, trang bị vật tư y tế; tổ chức các hội nghị triển khai chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết của Bộ Chính trị về 6 vùng kinh tế trọng điểm; tổ chức các hội nghị trực tuyến toàn quốc về quy hoạch, chuyển đổi số, du lịch, ngoại giao kinh tế…; tiếp tục xử lý từng bước dứt điểm các vấn đề tồn đọng kéo dài.

Bộ trưởng Trần Văn Sơn thông tin thêm, thảo luận tại phiên họp Chính phủ ngày 3.6, các thành viên Chính phủ, lãnh đạo các địa phương thống nhất nhận định, trong điều kiện khó khăn do tác các động của tình hình thế giới, song dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp và thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đứng đầu là đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng; sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng; sự đồng hành của Quốc hội và sự vào cuộc, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của các cơ quan trong hệ thống chính trị; sự đồng tình, ủng hộ của người dân, doanh nghiệp... tình hình kinh tế - xã hội nước ta trong tháng 5 tiếp tục được duy trì ổn định, chuyển biến tích cực so với tháng trước.

Tính chung 5 tháng, tình hình kinh tế - xã hội có nhiều điểm sáng. Lạm phát được kiểm soát. CPI bình quân 5 tháng tăng 3,55% so với cùng kỳ năm trước. Thu đủ chi, thu ngân sách nhà nước ước đạt 769,6 nghìn tỷ đồng, bằng 47,5% dự toán. Xuất đủ nhập, xuất siêu 9,8 tỷ USD. Xuất khẩu gần 3,9 triệu tấn gạo, trị giá gần 2,1 tỷ USD, tăng 40,8% về lượng và tăng 52% về giá trị. An ninh lương thực, năng lượng được bảo đảm. Thị trường tiền tệ cơ bản ổn định, lãi suất điều hành giảm 3 lần liên tiếp, lãi suất cho vay được điều chỉnh giảm…

Kiên quyết xử lý cán bộ sợ sai

Dù vậy, nền kinh tế còn không ít khó khăn, thách thức phải đối mặt, cần xử lý, như: Ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro; lạm phát có xu hướng giảm nhưng vẫn chịu nhiều sức ép; doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp tục gặp khó khăn, nhất là về khả năng tiếp cận vốn, đơn hàng sụt giảm; mặt bằng lãi suất cho vay dù đã giảm, nhưng vẫn ở mức cao…

26 Đoàn công tác của Chính phủ đã giải quyết ngay 300/1.000 kiến nghị -0
Toàn cảnh họp báo. Ảnh: Đan Thanh

Trong bối cảnh đó, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn cho biết, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần ưu tiên thực hiện hiện quả hơn nữa mục tiêu tăng trưởng, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh, phát triển thị trường, tận dụng tốt các cơ hội và tạo không gian phát triển mới. Tập trung đẩy mạnh 3 động lực tăng trưởng (đẩy mạnh kích cầu tiêu dùng; quyết liệt đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công; tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, tận dụng tốt các FTA để thúc đẩy xuất khẩu).

Cùng với đó, tiếp tục thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp đồng bộ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm. Bảo đảm thanh khoản hệ thống các tổ chức tín dụng; kiểm soát chặt chẽ chất lượng tín dụng, hạn chế nợ xấu phát sinh. Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước, bảo đảm thu đúng, thu đủ, thu kịp thời; triệt để tiết kiệm chi, nhất là chi thường xuyên.

Thực hiện tốt công tác lập, thẩm định, phê duyệt các quy hoạch, bảo đảm tiến độ, chất lượng. Đẩy nhanh các dự án công nghiệp có quy mô lớn, khuyến khích doanh nghiệp tham gia sâu hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu; mở rộng đầu ra cho sản phẩm công nghiệp. Phát triển thị trường vốn, khoa học công nghệ, lao động... an toàn, lành mạnh, bền vững, phục vụ hiệu quả cho phát triển đất nước.

Tiếp tục tập trung tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản; rà soát, tháo gỡ vướng mắc liên quan đến phòng cháy, chữa cháy. Triển khai thực hiện tốt Quy hoạch điện VIII, xử lý dứt điểm những vấn đề tồn tại của Quy hoạch điện VII; bảo đảm không để thiếu điện.

Tập trung đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực thực hiện; tăng cường kỷ cương, kỷ luật, khắc phục triệt để tình trạng né tránh, đùn đẩy trách nhiệm trong thực thi công vụ… Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính là kiên quyết xử lý cán bộ sợ sai, sợ trách nhiệm trong thực thi công vụ, đồng thời bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn nhấn mạnh.

Đan Thanh
#