Số hóa nghề cá để hỗ trợ gỡ thẻ vàng IUU

- Thứ Sáu, 18/11/2022, 06:55 - Chia sẻ

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, số hóa nghề cá sẽ hỗ trợ gỡ thẻ vàng IUU và hướng tới phát triển bền vững. 

Nỗ lực hơn để gỡ thẻ vàng IUU

Tổng Thư ký VASEP Trương Đình Hòe cho biết, chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) không còn là yêu cầu riêng của EU mà đang dần trở thành yêu cầu của các thị trường lớn khác. Ví dụ  từ tháng 12 tới, Nhật Bản sẽ áp dụng giấy chứng nhận, xác nhận theo quy định IUU với các loài thủy sản xuất khẩu vào thị trường này.

Vì vậy, nhiệm vụ gỡ thẻ vàng IUU càng trở nên cấp bách. Chính quyền và ngư dân 28 tỉnh, thành phố ven biển đang rất nỗ lực thực hiện những khuyến cáo Đoàn kiểm tra của Ủy ban châu Âu (EC) đưa ra sau chuyến kiểm tra tháng 10 vừa qua với hy vọng sớm gỡ được thẻ vàng, thúc đẩy xuất khẩu bền vững.  

Một số địa phương như Cà Mau, Kiên Giang, Bến Tre, Tiền Giang, Quảng Ninh, Bình Thuận... đã tăng cường xử phạt hành vi khai thác IUU, nhất là vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Các tỉnh Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Định, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng có tỷ lệ tàu lắp thiết bị định vị  giám sát hành trình (VMS) đạt trên 95%.

Chi cục Thủy sản Hà Tĩnh cho biết, một năm trước, số tàu cá được cấp, gia hạn giấy phép khai thác thủy sản theo quy định chỉ đạt gần 25%, đến nay đã tăng lên 78,36%, cao hơn trung bình cả nước (trên 52%). Tỉnh cũng đã có 105/114 tàu cá (chiều dài từ 15m trở lên) đang hoạt khai thác thủy sản vùng khơi đã lắp đặt VMS, còn 9 tàu hiện hư hỏng không hoạt động khai thác hải sản trên biển và đã có cam kết sẽ lắp đặt thiết bị VMS trước khi hoạt động trở lại. Đây là nỗ lực không ngừng của địa phương, mong muốn chung tay với cả nước gỡ thẻ vàng IUU.

Tại cuộc họp giao ban Cục Kiểm ngư thường kỳ tháng 11.2022, Cục trưởng Cục Kiểm ngư Nguyễn Quang Hùng cho biết, 10 tháng năm 2022 đã tăng cường tuần tra, kiểm tra, kiểm soát xử lý vi phạm pháp luật về thủy sản trên biển. Những tháng cuối năm, Cục yêu cầu 2 Chi cục Kiểm ngư vùng triển khai tuần tra, kiểm tra, kiểm soát trên biển theo đúng kế hoạch. Tăng cường xử lý vi phạm, ghi chép chi tiết tình hình hoạt động của tàu cá trên biển, nhất là tàu cá nước ngoài hoạt động trên vùng biển Việt Nam. Các Chi cục vùng cần truy vết tàu cá vi phạm và báo cáo đầy đủ thông tin, dữ liệu cho Tổng cục Thủy sản để có biện pháp ngăn chặn phù hợp.

Số hóa nghề cá sẽ góp phần gỡ thẻ vàng IUU
Số hóa nghề cá sẽ góp phần gỡ thẻ vàng IUU
Nguồn: ITN

Số hóa giúp quản lý đồng bộ, minh bạch

Bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, địa phương và ngư dân, VASEP cho rằng, để gỡ thẻ vàng IUU, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cần đầu tư cơ sở hạ tầng cho các cảng cá, quan trọng là đẩy mạnh số hóa hệ thống nghề cá.

Theo Chủ tịch HĐQT Công ty CP Thủy sản và Thương mại Thuận Phước Trần Văn Lĩnh, hiệu quả quản lý và kiểm soát sẽ cao hơn khi các dữ liệu nghề cá được số hóa. Trong ngắn hạn, số hóa hệ thống nghề cá góp phần tích cực vào việc gỡ thẻ vàng IUU; còn về dài hạn, áp dụng số hóa sẽ quản lý tốt các quy hoạch về tài nguyên biển, hệ sinh thái, các giống loài, bộ nghề khai thác đánh bắt, khu vực, mùa khai thác, sản lượng…

Tuy nhiên, quá trình số hóa cần nguồn tài chính lớn. Ngoài ra, số lượng tàu cá nhiều nhưng lại nhỏ và khá thô sơ, chưa nhiều loại tàu có thể đáp ứng được các thiết bị với tiêu chuẩn cao. Nhận thức và kỹ thuật của ngư dân chưa được đào tạo bài bản cũng là khó khăn khi muốn số hóa nghề cá.

 “Số hóa cần sự nỗ lực lớn, không chỉ đơn giản là kiểm tra tọa độ, mức độ khai thác mà còn phải điều tra tài nguyên, qua đó có đầy đủ số liệu tổng quát tài nguyên để có mức độ khai thác hợp lý, bảo vệ được nguồn tài nguyên lâu dài, hệ sinh thái biển bền vững. Việc này cần sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các Bộ: Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, và cả Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc tuyên truyền, nâng cao nhận thức của ngư dân”, ông Lĩnh nhấn mạnh.  

Theo Chủ tịch Hội Nuôi biển Việt Nam, TS. Nguyễn Hữu Dũng, số hóa nghề cá tất nhiên là xu hướng tất yếu, tuy nhiên cần nhìn nhận thực tế của ngành để có hướng đi hiệu quả. Việc không gỡ được thẻ vàng là do ngư dân khi đánh bắt ở vùng biển nước ta không có nguồn lợi hải sản, nên buộc phải sang những vùng khác dẫn đến tình trạng vi phạm ở vùng biển nước ngoài. Muốn giải quyết được vấn đề này trước tiên phải bảo đảm được đời sống an sinh của ngư dân, bảo đảm nguồn lợi hải sản của biển bằng cách phát triển tốt nghề nuôi biển. Làm tốt được khâu này thì việc số hóa nghề cá sẽ thuận lợi, phù hợp với thực tiễn hơn.

Hạnh Nhung