Chống buôn lậu và gian lận thương mại

Quyết liệt, đồng bộ, đồng lòng trách nhiệm của các bên

- Thứ Ba, 29/11/2022, 19:47 - Chia sẻ

Việc đấu tranh phòng, chống hàng giả, hàng lậu dù được triển khai quyết liệt nhưng vẫn gặp nhiều khó khăn cần sự đồng lòng của doanh nghiệp, người tiêu dùng, cơ quan chức năng để giải quyết triệt để.

Buôn lậu, hàng giả phức tạp với thủ đoạn tinh vi

Tại Toạ đàm “Chống buôn lậu và gian lận thương mại: Công tác phối hợp và chế tài xử phạt”chiều 29.11, Cục phó Cục Điều tra Chống buôn lậu, Tổng cục Hải quan Bùi Văn Hoàn cho biết, số vụ chống buôn lậu qua biên giới đến nay giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2021. Tuy nhiên, buôn lậu hàng giả ở trong nước vẫn diễn ra rất phức tạp. Doanh nghiệp lợi dụng chính sách ưu đãi và thông thoáng của Chính phủ, nhất là trong giai đoạn sau dịch Covid-19 đi sâu và len lỏi vào nội địa với nhiều thủ đoạn mới. Đối với hàng hoá xuất nhập khẩu, nhập hàng hoá giấu tên qua đường chuyển phát nhanh, đường hàng không; nhập nguyên liệu kinh doanh sản xuất và chuyển tiêu thụ nội địa, gây thất thu thuế nhà nước. Hay tình trạng nhập gia công, thay thế nhãn mác, làm giả xuất xứ rồi xuất đi nước thứ 3 ảnh hưởng đến thương hiệu Việt và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Đối mặt với tình trạng này, các doanh nghiệp làm ăn chân chính gặp nhiều khó khăn, thậm chí dẫn đến phá sản. Đến nay, Cục Điều tra chống buôn lậu đã bắt và xử lý 14.700 vụ vi phạm, tổng trị giá là hơn 5.100 tỷ, xử phạt và nộp ngân sách nhà nước 334 tỷ đồng, khởi tố 36 vụ, chuyển cơ quan khác khởi tố là 112 vụ.

Chia sẻ thực tế, Trưởng ban quản lý dự án Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông Dương Đức Duy cho biết, sản phẩm bóng đèn LED của công ty đang bị làm giả, làm nhái tràn lan trên thị trường. Qua tổng kết, các vi phạm này diễn ra với 2 hình thức là online dựa trên sự phát triển mạnh của công nghệ và offline hàng hoá vi phạm quyền sở hữu trí tuệ về nhãn mác, thương hiệu. Hàng giả các sản phẩm của công ty được chào bán trong các hệ thống phân phối với giá thấp, chế độ chiết khấu hấp dẫn, ảnh hưởng đến doanh thu của công ty và người tiêu dùng phải bỏ ra số tiền lớn nhưng không được sử dụng sản phẩm có giá trị, chất lượng tương đương. Theo ông Duy, với sự phát triển nhanh của công nghệ, hình thức vi phạm online đang diễn ra rất mạnh. Các đối tượng xây dựng website riêng, sử dụng hình ảnh của công ty nhưng khi giao hàng cho đại lý phân phối lại là sản phẩm khác, kém chất lượng. Ngoài ra, một số đối tượng tuyển đại lý bán hàng qua mạng xã hội, chào bán sản phẩm qua sàn thương mại điện tử…

Theo Phó cục trưởng Cục Nghiệp vụ, Tổng cục Quản lý thị trường Nguyễn Đức Lê một trong những nguyên nhân của thực trạng hàng giả, hàng nhái vẫn tồn tại phức tạp, tinh vi, đó là do lợi nhuận của hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là rất lớn. Bên cạnh đó, vấn đề dịch bệnh và đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu gây khan hiếm hàng hóa, các đối tượng lợi dụng nguồn cung hàng thật bị hạn chế, đơn vị sản xuất bị ảnh hưởng thì các đối tượng đã đưa ra các sản phẩm hàng giả ngày càng nhiều hơn. Ngoài ra, ý thức của người tiêu dùng chưa cao, vẫn còn hiện tượng người tiêu dùng chưa nhận thức hết tác hại của việc mua, sử dụng hàng gủa, hàng nhái, do ham rẻ. Cùng với đó, theo Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ, sự vào cuộc của doanh nghiệp, các cơ quan chức năng liên quan có lúc, có nơi chưa cao, chưa đồng bộ, xuyên suốt.

Cơ chế xử phạt chưa đủ răn đe

Tổng cục Quản lý thị trường đặt mục tiêu đến năm 2025, không để hàng giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ có thể bày bán: Trung tâm thương mại, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi… Đến năm 2025 100% các làng nghề không được phép sản xuất, bán công khai các sản phẩm hàng giả, hàng nhái. Bên cạnh đó, các tuyến phố du lịch tuyệt đối xóa bỏ bán hàng giả, hàng nhái. Không để Việt Nam trong mắt bạn bè quốc tế là nơi ngang nhiên bán hàng giả, hàng nhập lậu, hàng xâm phạm sở hữu trí tuệ. Phó Cục trưởng Cục Nghiệp vụ Nguyễn Đức Lê khẳng định, việc đấu tranh chống hàng giả, hàng lậu là rất khó khăn, nếu doanh nghiệp, người tiêu dùng, các tổ chức quốc, cơ quan chức năng không thống nhất, đồng lòng phối hợp thì việc đấu tranh còn nhiều khó khăn.

Chia sẻ về giải pháp tại các quốc gia trên thế giới trong công tác chống buôn lậu và gian lận thương mại, ông Adrian Clarke - Quản lý Đối ngoại Công ty JTI Việt Nam cho biết, các quốc gia như Đài Loan có hình thức tuyên truyền, giáo dục cho người tiêu dùng về hệ luỵ với hàng nhái hàng giả với chính sức khoẻ của họ. Cũng như tác động tiêu cực tới hệ thống bán lẻ của các doanh nghiệp cũng như chính các nhà sản xuất chân chính. Đây là cách thức tốt để người tiêu dùng hiểu được sản phẩm bất hợp pháp, những tác động tiêu cực khi họ sử dụng chính những sản phẩm đó, hệ luỵ tổn hại tới toàn xã hội, cũng như chế tài xử phạt nếu họ vi phạm. Hay tại Anh cũng có những chương trình hiệu quả hướng tới những người bán lẻ và cả người tiêu dùng, cả trên phương tiện trực tiếp và trực tuyến. Đặc biệt, tạo điều kiện dễ dàng để người dân có thể trình báo cho người dân khi nghi ngờ có hành vi này. Đồng thời, có chương trình giáo dục thay đổi nhận thức và khuyến khích trình báo với người tiêu dùng, đưa luật pháp vào cuộc sống. Tuy nhiên, để làm được như vậy cần chế tài nghiêm khắc - ông Adrian Clarke nhấn mạnh.

Dưới góc độ doanh nghiệp, Trưởng ban quản lý dự án Công ty CP Bóng đèn phích nước Rạng Đông đề xuất cần cần bổ sung hình phạt nặng để răn đe với các đối tượng vi phạm, hiện nay cơ chế xử phạt hành chính theo giá trị sản phẩm còn nhẹ, chưa đủ răn đe. Đồng thời, cần hình thành cơ chế quản lý giám sát đảm bảo quyền lợi doanh nghiệp một cách minh bạch, an toàn, có chế tài rõ ràng chứ hiện nay chưa có biện pháp giảm thiểu hàng hoá vi phạm trên sàn thương mại.

Vũ Quang