Đấu thầu qua mạng “cất cánh”, tiết kiệm 1.700 tỷ đồng chi phí hành chính

- Thứ Tư, 10/02/2021, 07:12 - Chia sẻ

Đấu thầu qua mạng vừa có một năm “cất cánh” khi tỷ lệ gói thầu đấu thầu rộng rãi, chào hàng cạnh tranh qua mạng tăng gấp hơn 2 lần so với năm 2019 và vượt xa mục tiêu Chính phủ giao. Bước tiến vượt bậc này góp phần đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công, nâng cao tính minh bạch và hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, đồng thời giúp bên mời thầu, nhà thầu tiết kiệm 1.725 tỷ đồng chi phí hành chính.

Lần đầu tiên vượt lộ trình

​​​Năm 2020, Cục Quản lý đấu thầu được vinh danh ở hạng mục “Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc” của giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam - Vietnam Digital Awards 2020 với sản phẩm “Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia”. Việc 2 năm liên tiếp vượt qua hàng chục đơn vị giành giải thưởng này chứng tỏ Hệ thống đã được ứng dụng hiệu quả và mang lại nhiều lợi ích thiết thực.

Theo số liệu của Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, kết thúc năm 2020 có 38 nghìn bên mời thầu và 115 nghìn nhà thầu được phê duyệt tham gia vào Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia (sau đây gọi tắt là Hệ thống). Tỷ lệ gói thầu áp dụng đấu thầu qua mạng đạt 86,6% về số lượng (98,1 nghìn gói thầu) và 54,6% về tổng giá trị (303 nghìn tỷ đồng).

“Kết quả này vượt xa chỉ tiêu Chính phủ giao tại Nghị quyết 01/NQ-CP và vượt chỉ tiêu lộ trình quy định tại Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT. Cụ thể, Nghị quyết 01 và Thông tư 11 yêu cầu năm 2020 tỷ lệ gói thầu qua mạng phải đạt 60% về số lượng và 25% về giá trị”, ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia cho biết.

Để cảm nhận rõ nhất sự bứt tốc ngoạn mục của đấu thầu qua mạng phải nhìn vào kết quả của năm trước đó và so sánh. Hết năm 2019, số lượng gói thầu qua mạng mới đạt 34,2%, giá trị gói thầu là 20,8%. Đối chiếu với kết quả năm nay có thể thấy đấu thầu qua mạng đã tăng trưởng gấp hơn 2 lần.

Đáng chú ý, đấu thầu qua mạng được các nhà tài trợ đánh giá cao. Hầu hết các gói đấu thầu rộng rãi trong nước của Ngân hàng Phát triển châu Á và Ngân hàng Thế giới đều áp dụng đấu thầu qua mạng cho các gói đấu thầu rộng rãi trong nước. Đặc biệt, theo yêu cầu của Ngân hàng Phát triển châu Á, từ ngày 1.1.2021, tất cả các dự án tại Việt Nam do đơn vị này tài trợ phải thực hiện đấu thầu qua mạng cho toàn bộ các gói thầu mua sắm hàng hóa và xây lắp đấu thầu cạnh tranh rộng rãi trong nước.

Bên cạnh đó, Tập đoàn Điện lực Việt Nam cũng có chủ trương áp dụng đấu thầu qua mạng với hầu hết các gói thầu thuộc Tập đoàn, thậm chí cả các gói không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật Đấu thầu.

Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia 2 năm liên tiếp được tôn vinh ở Giải thưởng Chuyển đổi số Việt Nam

Tiết kiệm hơn 1.700 tỷ đồng

Đấu thầu qua mạng mang lại nhiều lợi ích cho cả Nhà nước, chủ đầu tư, bên mời thầu và nhà thầu.

Lợi ích có thể lượng hóa là thời gian, chi phí tiết kiệm được khi áp dụng hình thức này. “Tính chung cả năm 2020, đấu thầu qua mạng giúp tiết kiệm hơn 1.700 tỷ đồng chi phí hành chính”, ông Phạm Thy Hùng cho biết.

Cụ thể, thời gian lựa chọn nhà thầu qua mạng so với đấu thầu truyền thống trung bình tiết kiệm được 6 ngày, quy đổi theo chi phí tiền lương/ngày công là trên 500 tỷ đồng.

Năm 2020, trên Hệ thống có 98 nghìn thông báo mời thầu điện tử. Theo khảo sát, các doanh nghiệp khi tham gia đấu thầu qua mạng tiết kiệm được 5 triệu đồng chi phí hành chính (bao gồm chi phí mua hồ sơ mời thầu, chi phí đi lại, in ấn, nhân công) so với đấu thầu truyền thống. Số lượng nhà thầu trung bình tham dự một gói thầu điện tử là 2,5 nhà thầu/gói. Như vậy, số chi phí hành chính mà doanh nghiệp tiết kiệm được khoảng 1.225 tỷ đồng.

Một lợi ích khác tuy khó lượng hóa nhưng hết sức có ý nghĩa, đó là đấu thầu qua mạng là công cụ hữu hiệu trong việc bảo đảm các tiêu chí cạnh tranh, công bằng, minh bạch và phòng, chống tham nhũng, đẩy lùi vi phạm, tiêu cực. Toàn bộ quy trình đấu thầu không có sự tiếp xúc trực tiếp giữa bên mời thầu và nhà thầu, do vậy bảo đảm cạnh tranh bình đẳng và hạn chế tối đa vấn nạn thông thầu, dàn xếp “quân xanh quân đỏ”. Ngoài ra, đấu thầu qua mạng còn giúp giảm tình trạng kiến nghị, kiện cáo trong công tác này.

Giải mã sự bứt tốc ngoạn mục

Sự tăng trưởng ngoạn mục của đấu thầu qua mạng chỉ có thể giải thích là do lợi ích của phương thức này và cơ quan quản lý nhà nước về đấu thầu, các bộ, ngành, địa phương rất quyết tâm triển khai. 

Trong đó, quyết tâm của cơ quan quản lý thể hiện rõ nhất ở việc hành lang pháp lý cho đấu thầu qua mạng ngày càng được hoàn thiện và Hệ thống đã triển khai nhiều tiện ích cho bên mời thầu, nhà thầu.

Giới chuyên gia cho rằng, bên mời thầu “hết cửa” ngăn chặn, gây khó dễ khi nhà thầu tiếp cận hồ sơ mời thầu/hồ sơ yêu cầu bởi Thông tư 11/2019/TT-BKHĐT có hiệu lực từ ngày 1.2.2020 đã đưa ra các quy định nhằm bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch trong đấu thầu, tạo cơ sở pháp lý trong việc đăng tải thông tin về đấu thầu...

Bên cạnh đó, Thông tư 05/2020/TT-BKHĐT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 04/2017/TT-BKHĐT quy định chi tiết về lựa chọn nhà thầu qua Hệ thống có hiệu lực từ ngày 1.9.2020 góp phần cải cách thủ tục hành chính, giảm thiểu các tiêu cực trong đấu thầu, tạo nhiều thuận lợi cho chủ đầu tư và các nhà thầu.

Cũng trong năm qua, Trung tâm Đấu thầu qua mạng Quốc gia đã có những bước cải tiến lớn trong Hệ thống nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho bên mời thầu, nhà thầu. Ví dụ, bên mời thầu, nhà thầu có thể nộp hồ sơ đăng ký trực tiếp trên Hệ thống; cho phép nhà thầu kê khai dữ liệu về năng lực, kinh nghiệm khi tham gia đấu thầu qua mạng; mở rộng phạm vi áp dụng đối với gói thầu dịch vụ phi tư vấn một giai đoạn hai túi hồ sơ; nâng cấp phần mềm cung cấp thông tin đấu thầu trên thiết bị di động.

Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Cục Quản lý đấu thầu) tăng cường theo dõi, giám sát việc áp dụng đấu thầu qua mạng qua đó kịp thời phát hiện và xử lý các “chiêu trò” của bên mời thầu, nhà thầu. Từ ngày 9.12.2020, Hệ thống triển khai thêm một tính năng mới. Theo đó, hồ sơ thiết kế là nội dung bắt buộc mà bên mời thầu phải đăng tải khi công khai hồ sơ mời thầu gói thầu xây lắp để tránh bên mời thầu công khai thông tin kiểu “nửa vời”.

Đôn đốc triển khai, tăng cường giám sát

Theo ông Phạm Thy Hùng, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia, kết quả đạt được trong năm 2020 tạo nền tảng vô cùng quan trọng để xây dựng và đưa vào vận hành hiệu quả Hệ thống mạng đấu thầu quốc gia tổng thể theo phương thức đối tác công - tư (PPP) trong năm 2021. “Chúng tôi sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các văn bản quy phạm pháp luật đáp ứng cho Hệ thống mới và bảo đảm tiệm cận thông lệ quốc tế. Cụ thể là Thông tư quy định chi tiết đấu thầu qua mạng và Thông tư quy định chi tiết thu chi phí lựa chọn nhà thầu qua mạng”, ông Hùng cho biết.

Bên cạnh đó, Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia sẽ phối hợp với các cấp có thẩm quyền, chủ đầu tư cần đôn đốc triển khai đấu thầu qua mạng đồng thời tăng cường kiểm tra, giám sát quá trình triển khai đấu thầu qua mạng. “Đặc biệt, chúng tôi sẽ giám sát chặt chẽ những gói thầu chỉ có 1 nhà thầu tham gia. Nếu phát hiện vi phạm không bảo đảm cạnh tranh trong đấu thầu, sẽ đề xuất với các cơ quan có thẩm quyền biện pháp xử lý nghiêm”, Giám đốc Trung tâm Đấu thầu qua mạng quốc gia khẳng định.

Tỷ lệ tiết kiệm cao nhất đạt 78%

Năm 2020, tỷ lệ tiết kiệm cao nhất thuộc về một gói thầu tư vấn với 78%. Kế đó, tỷ lệ tiết kiệm cao nhất ở gói thầu hàng hóa là 76%. Trong lĩnh vực phí tư vấn, tỷ lệ tiết kiệm cao nhất là 70%. Ở lĩnh vực xây lắp, gói thầu có tỷ lệ tiết kiệm cao nhất là 62%. Đối với gói thầu hỗn hợp, tỷ lệ tiết kiệm cao nhất là 34%.

Hà Lan