Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam:

Vượt qua tác động kép để giành thắng lợi kép

- Chủ Nhật, 14/02/2021, 08:22 - Chia sẻ

Trong bối cảnh năm 2020 đầy khó khăn, Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) là một trong số ít tập đoàn, tổng công ty nhà nước có chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đứng đầu, với lợi nhuận khoảng 3.000 tỷ đồng, nộp ngân sách 19.500 tỷ đồng, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động ở mức 12,8 triệu đồng/người/tháng. “Đây là tiền đề quan trọng để Tập đoàn vững bước vào nhiệm kỳ mới”, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch HĐTV TKV LÊ MINH CHUẨN cho biết.

“Tác động của đại dịch Covid-19 khiến đứt gãy cung cầu, nhiều ngành kinh tế gặp khó khăn, nhu cầu than cho nền kinh tế giảm, ảnh hưởng không nhỏ tới TKV. TKV hoàn toàn xử lý được vấn đề này, nhưng năm nay, chúng tôi chấp nhận tồn kho cao hơn bình thường vì 2 lý do. Một là vì phát triển kinh tế đất nước nên ngành vẫn duy trì sản xuất bình thường. Hai là vì người lao động, chúng tôi phải bảo đảm an sinh, xã hội cho hơn 96.000 người”.

---------

“Điều kiện làm việc của công nhân mỏ ngày nay được cải thiện rất nhiều. Cách đây 30 năm, công nhân vào lò phải tự lo ăn mặc, nước tắm, xà phòng…; nay họ được lo cho ăn uống theo hình thức buffet tự chọn, có xe máy lạnh đưa đón đi làm, được tắm nóng lạnh và có người giặt quần áo… Những khoản đó cộng lại cũng 5 - 6 triệu đồng/người/tháng. Như vậy nếu cộng tiền lương nữa là khoảng 20 triệu đồng/người/tháng”.

Chủ tịch HĐTV TKV LÊ MINH CHUẨN

Kịch bản sát, điều hành tốt…

- TKV phải đối phó với những khó khăn, thách thức nào trong năm qua, thưa ông?

- Đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng đến tất cả các thị trường của TKV, kể cả ở trong và ngoài nước. Các dự án đầu tư có yếu tố nước ngoài cũng bị chậm tiến độ do các chuyên gia, nhà thầu không sang được.

Trong nửa cuối năm, TKV vừa phòng chống dịch vừa phải vượt qua sự tác động nặng nề của mưa lũ liên tiếp tại các tỉnh miền Trung. Do mưa nhiều, lưu lượng nước lớn, ngành điện tăng tối đa huy động nguồn phát từ các nhà máy thủy điện, dẫn tới nhu cầu sử dụng than cho các nhà máy nhiệt điện than giảm mạnh.

Mặc dù vậy, các đơn vị trong Tập đoàn đã vượt qua “ảnh hưởng kép”, thực hiện thắng lợi mục tiêu kép - vừa chống dịch vừa bảo đảm sản xuất, kinh doanh.

- Mục tiêu kép TKV đạt được là gì, thưa ông?

- Đầu tiên phải kể đến việc toàn bộ 96.000 người lao động của TKV không ai nhiễm Covid-19. Thời điểm dịch bùng phát mạnh nhất, công nhân vẫn miệt mài làm việc dưới hầm lò với khoảng 50.000 người/ngày, trong khi trên thế giới nhiều nước phải đóng cửa hầm lò.

Bên cạnh đó, dù phải điều chỉnh lại kế hoạch sản xuất, song doanh thu của Tập đoàn vẫn đạt 123.425 tỷ đồng, nộp ngân sách tăng 2% đạt 19.500 tỷ đồng, lợi nhuận khoảng 3.000 tỷ đồng. Đặc biệt, Tập đoàn vẫn bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động bình quân đạt 12,8 triệu đồng/người/tháng, riêng sản xuất than cao hơn mức bình quân chung, đạt 13,8 triệu đồng/người/tháng.

Ngoài ra, chúng tôi cũng chia sẻ khó khăn với đất nước và nhân dân các địa phương thông qua nhiều hoạt động an sinh xã hội. Năm 2020, TKV đã chi 52 tỷ đồng cho công tác này, điển hình như: hỗ trợ 15 tỷ đồng để phòng chống dịch Covid-19; ủng hộ 20 tỷ đồng cho các tỉnh miền Trung khắc phục hậu quả mưa lũ; tiếp tục hỗ trợ cho các huyện nghèo theo chương trình Nghị quyết 30a của Chính phủ.

“2020 là năm rất thành công”

- Với tư cách “người trong cuộc”, ông cảm nhận như thế nào về kết quả này, nhất là trong bối cảnh năm 2020 đầy khó khăn?

- Có thể nói năm 2020 dù vô cùng khó khăn song lại là một năm rất thành công của TKV. Thành công này đến từ sự đoàn kết trong hệ thống, từ Tập đoàn đến các đơn vị; sự linh hoạt, quyết liệt, nhạy bén trong công tác chỉ đạo, điều hành của Ban lãnh đạo; sự nỗ lực vượt khó, tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ TKV.

Từ rất sớm, lãnh đạo Tập đoàn đã yêu cầu xây dựng phương án, kịch bản ứng phó với từng thời điểm diễn biến của dịch Covid-19. Chính kịch bản sát thực tế đã giúp Ban lãnh đạo điều hành tốt hoạt động sản xuất kinh doanh, giúp TKV đạt lợi nhuận kế hoạch và là một trong số ít các tập đoàn, tổng công ty nhà nước có các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh đứng đầu.

- Định hướng chiến lược quan trọng của tỉnh Quảng Ninh thời gian qua là đổi mới mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. TKV đã triển khai những giải pháp nào để hiện thực hóa mô hình tăng trưởng này, thưa ông?

- Từ khi thành lập vào năm 1994, TKV đã cam kết với lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sẽ thực hiện Đề án cải thiện môi trường của Vùng Than, đến năm 2020 cơ bản thực hiện xong.

Theo đó, trước hết TKV sắp xếp hạ tầng kỹ thuật: Di dời Nhà máy Tuyển than Hòn Gai ra khỏi khu đông dân cư; sắp xếp lại tuyến vận chuyển, giảm còn 6 cảng tại Đông Triều, Uông Bí, Hạ Long, Cẩm Phả thay vì hàng chục cảng như trước. Đồng thời, thực hiện băng tải hóa, đổi từ hình thức vận chuyển bằng ô tô sang băng tải.

Đối với các bãi thải mỏ đã hạ thấp độ cao và trồng rừng trên đó để hoàn nguyên, đạt gần 100ha mỗi năm. Hiện, TKV đã “xanh hóa” trên 1.000ha bãi thải, tương đương diện tích 30% bãi thải hiện có.

Cùng với đó, chúng tôi lắp đặt 38 hệ thống quan trắc môi trường tự động theo dõi lượng bụi, khí phát thải; đầu tư xây dựng và đưa vào vận hành 45 trạm xử lý nước thải mỏ công suất trên 120 triệu mét khối/năm, bảo đảm 100% nước thải hầm lò được xử lý theo tiêu chuẩn môi trường. Các chỉ số quan trắc môi trường đều được kết nối về Sở Tài nguyên - Môi trường tỉnh Quảng Ninh và công bố trên hệ thống bảng thông tin điện tử.

Từ khi thành lập, 25 năm nay, bình quân mỗi năm TKV dành kinh phí 1.000 tỷ đồng chi trực tiếp cho công tác bảo vệ môi trường, chưa kể hàng chục nghìn tỷ đồng đầu tư đổi mới công nghệ khai thác than, cơ giới hóa sản xuất… Những việc đó đều nhằm giải quyết cho được mâu thuẫn giữa phát triển năng lượng quốc gia và bảo vệ môi trường sinh thái.

Điều kiện làm việc của công nhân mỏ ngày càng được cải thiện

Đã đến lúc nghiên cứu bể than sông Hồng

- Giai đoạn 2021 - 2025, TKV đặt mục tiêu doanh thu 760 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 20 - 23% so với giai đoạn 2016 - 2020; lợi nhuận 17.500 tỷ đồng; nộp ngân sách tăng 5%/năm; thu nhập bình quân tăng 5 - 7%/năm, liệu có tham vọng không, thưa ông? 

- Nhiệm kỳ 2016 - 2020, TKV đã rất thành công khi vượt hầu hết chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ đề ra, duy trì, bảo đảm được năng lượng cho đất nước. Cụ thể, tổng doanh thu đạt gần 614.000 tỷ đồng, tăng bình quân 7,9%/năm; tổng lợi nhuận trước thuế khoảng 17.900 tỷ đồng, bình quân 3.600 tỷ đồng/năm; nộp ngân sách 84.500 tỷ đồng, bình quân 16.900 tỷ đồng/năm; tốc độ tăng tiền lương bình quân 9,2%/năm. Đáng chú ý, năng suất lao động tăng bình quân 12%/năm, vượt xa mục tiêu Đảng ủy Tập đoàn đề ra là 4 - 5%.

Nhiệm kỳ tới, chúng tôi xác định sẽ phải đối mặt nhiều khó khăn: Kinh tế thị trường cởi mở hơn, giao thoa thương mại kinh tế rộng hơn, nguồn năng lượng sơ cấp khí, than vào Việt Nam nhiều hơn buộc phải cạnh tranh cao đồng nghĩa buộc phải giảm giá thành, chi phí. Dù vậy, những kết quả TKV đã đạt được sẽ là tiền đề quan trọng và là động lực để Tập đoàn hiện thực hóa các mục tiêu của giai đoạn tiếp theo.

- Quyết tâm chính trị đã rõ! TKV sẽ làm gì để đạt được mục tiêu đã đề ra?

- Ban lãnh đạo TKV sẽ thực hiện chỉ đạo, điều hành theo tiến độ kế hoạch, bảo đảm hoàn thành các chỉ tiêu đề ra; tiếp tục thực hiện tái cơ cấu, cổ phần hóa doanh nghiệp; tăng cường đổi mới, ứng dụng công nghệ. Đặc biệt, chú trọng thực hiện tốt công tác an toàn vệ sinh lao động, nâng cao trách nhiệm, ý thức chấp hành của người quản lý và người lao động. Chúng tôi cũng tiếp tục thực hiện nghiêm kỷ luật, kỷ cương, nâng cao trình độ pháp luật cho cán bộ quản lý các cấp và người lao động; tăng cường quản lý đất đai, tài nguyên, ranh giới khai trường mỏ; kiểm soát chặt chẽ chi phí, nâng cao thu nhập cho cán bộ, công nhân viên.

Trong hành trình sắp tới, chúng tôi mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ, đồng hành từ phía Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Công thương, cũng như các địa phương, nhất là tỉnh Quảng Ninh.

Hiện nay có sự chồng lấn quy hoạch năng lượng với quy hoạch kinh tế - xã hội địa phương. Chính phủ cần có điều chỉnh cho phù hợp để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia theo tinh thần Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị về định hướng chiến lược phát triển năng lượng quốc gia đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Bể than Quảng Ninh cũng không còn nhiều, trong khi bể than đồng bằng sông Hồng phong phú nhưng chưa có công nghệ khai thác. Nghị quyết 55 của Bộ Chính trị đề cập đến việc nghiên cứu công nghệ để có thể khai thác bể than sông Hồng. Đã đến lúc, Chính phủ dành nguồn lực để nghiên cứu, thử nghiệm khai thác bể than này!

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

Thanh Lan thực hiện