Phục hồi nhanh hơn nếu cải cách tốt hơn

- Thứ Hai, 31/01/2022, 06:51 - Chia sẻ
Năm 2022 chứa đựng nhiều yếu tố bất định, song cộng đồng doanh nghiệp tin rằng tình hình sẽ tốt hơn. Đặc biệt, theo giới doanh nhân, một chương trình cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh sâu rộng, đột phá và sáng tạo là yếu tố không thể thiếu để phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.

Ông Trần Khắc Tâm, Phó Chủ tịch Hội đồng các hiệp hội doanh nghiệp đồng bằng sông Cửu Long:
Nước không trong, cá không khỏe

Năm cũ qua đi với bao mất mát, khó khăn khiến chúng ta như chiếc lò xo bị nén lại. Tôi tin rằng dẫu đại dịch Covid-19 còn cản trở nhưng chiếc lò xo ấy sẽ bật lên, kinh tế - xã hội sẽ khởi sắc hơn. Vào thời khắc năm mới, tôi mong tất cả chúng ta đều lạc quan và tin vào thời vận tươi sáng của đất nước mình. 

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, năm 2022 có nhiều điểm tựa để phục hồi và phát triển. Đầu tiên phải kể đến độ bao phủ vaccine rất lớn, tiến trình tiêm mũi 3 cho người dân cũng đang được đẩy nhanh và chúng ta hy vọng sớm có thuốc đặc trị Covid. Cùng với đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định; các thị trường xuất khẩu được duy trì; nhiều ngành vẫn tăng trưởng bất chấp dịch bệnh diễn biến phức tạp; hoạt động sản xuất, kinh doanh khởi sắc sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 quy định tạm thời “Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Đặc biệt, Kỳ họp bất thường của Quốc hội Khóa XV quyết định chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình tổng thể phục hồi kinh tế, xã hội thực sự là liều thuốc bổ quý giá với cộng đồng doanh nghiệp. Các chính sách hỗ trợ đủ mạnh, đủ dài sẽ tạo ra sự khích lệ, niềm cảm hứng, động lực và là nền tảng quan trọng để cộng đồng doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Bên cạnh đó, tôi cho rằng cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh nếu được quan tâm hơn nữa sẽ là động lực mạnh mẽ cho quá trình hồi phục của doanh nghiệp và nền kinh tế. Môi trường là điểm tựa quan trọng cho mọi sinh thể sống trên trái đất này. Cá không thể sống trong môi trường nước ô nhiễm, độc hại. Cây không thể xanh tốt trên đất cằn. Người không thể khỏe mạnh khi không khí, môi trường sống xung quanh bị ô nhiễm… Cũng vậy, môi trường kinh doanh mang tính quyết định đối với sức sống, sự phát triển của doanh nghiệp.  

Môi trường kinh doanh không ngừng cải thiện trong nhiều năm qua, được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao. Hệ thống luật lệ về đầu tư, kinh doanh ngày càng hoàn thiện, nhiều lĩnh vực tiệm cận với xu hướng quốc tế, thậm chí có những lĩnh vực chúng ta đạt mức cạnh tranh cao hơn. Tuy vậy, vấn đề chúng ta luôn gặp phải đó là việc thực thi pháp luật gắn với phẩm hạnh của đội ngũ cán bộ, công chức, đặc biệt ở địa phương. Pháp luật tốt vẫn có thể bị vô hiệu hóa, bị làm cho kém hiệu năng bởi những cán bộ yếu kém, nhũng nhiễu, gây phiền hà cho doanh nghiệp.

Vì vậy, cộng đồng doanh nghiệp mong muốn Quốc hội tăng cường giám sát; Chính phủ thường xuyên kiểm tra, thanh tra công vụ để hệ thống pháp luật được thực thi nghiêm minh và công bằng. Trong cải cách môi trường kinh doanh, việc dễ chúng ta đều đã làm, những vấn đề còn lại khó khăn hơn rất nhiều. Thực tế này đòi hỏi Chính phủ quyết liệt hơn nữa và nâng cấp cải cách lên cấp độ mới, không đơn thuần là tháo gỡ rào cản mà phải tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch, bình đẳng với các chính sách ổn định và dễ dự đoán.

Bà Khương Thị Mai, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Nhôm Nam Sung Việt Nam:
Chờ đợi cách làm mới

Tôi có niềm tin rằng sự đoàn kết, đồng lòng của Chính phủ và Nhân dân sẽ giúp Việt Nam vượt qua mọi khó khăn và nhanh chóng phục hồi kinh tế. Năm qua tuy ảnh hưởng bởi dịch nhưng thu ngân sách vẫn vượt dự toán, các cân đối lớn và nợ công trong ngưỡng an toàn. Điều này tạo không gian để duy trì và mở rộng các chính sách hỗ trợ trong thời gian tới. Nếu thực hiện tốt các quyết sách chống dịch và vận dụng tốt các chính sách tài khóa và tiền tệ, tăng trưởng GDP năm nay có thể đạt 6 - 6,5% như Quốc hội giao.

Đối với cộng đồng doanh nghiệp, có 4 điểm tựa để phục hồi và phát triển bền vững. Đầu tiên, đẩy mạnh đầu tư công nên ưu tiên đầu tư cơ sở, hạ tầng để tăng kết nối vùng và liên vùng, liên kết đô thị và nông thôn, phát huy vai trò kinh tế trọng điểm các đô thị lớn. Các chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi phải đủ mạnh; tăng khả năng tiếp cận vốn cho các doanh nghiệp; tiếp tục các biện pháp giãn, hoãn, giảm thuế. Cùng với đó, phải đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh; kiên quyết tháo gỡ các rào cản để tăng khả năng hấp thụ, bảo đảm các chính sách ban hành phát huy hiệu quả. Chính sách thị trường lao động và việc làm rất quan trọng với doanh nghiệp và cần có sự gắn kết giữa 3 nhà: Nhà nước, nhà trường và doanh nghiệp. Theo đó, Chính phủ cần xác định các ngành nghề chiến lược ưu tiên trong Cách mạng Công nghiệp 4.0 để có kế hoạch đào tạo nghề gắn với nghiên cứu và chuyển giao công nghệ; các cơ sở dạy nghề thiết kế, đổi mới chương trình đào tạo kỹ năng nghề thích ứng và đáp ứng yêu cầu công nghiệp 4.0; doanh nghiệp phối hợp với cơ sở đào tạo trong cập nhật tiêu chuẩn nghề nghiệp mới, công nghệ mới, hạn chế tối đa việc đào tạo lại.

Trong bối cảnh khó khăn hiện nay, các ưu đãi của Chính phủ rất cần thiết để doanh nghiệp phục hồi và phát triển sau đại dịch. Tiếp đến là bãi bỏ các rào cản về điều kiện kinh doanh không cần thiết, mở rộng khả năng tham gia thị trường của doanh nghiệp, thúc đẩy cạnh tranh bình đẳng, lành mạnh. Cần tổng kết, đánh giá việc thực hiện các nhiệm vụ giải pháp đã đề ra tại Nghị quyết về cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia của Chính phủ, được đánh số 02 trong liên tục các năm 2019, 2020, 2021, để có giải pháp hữu hiệu trong giai đoạn tiếp theo.

Ông Đỗ Viết Tùng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn GCO Group:
Cơ hội thúc đẩy cải cách

Hai năm qua đánh dấu thời kỳ khủng hoảng chưa từng có mà các doanh nghiệp và nền kinh tế Việt Nam phải đối mặt do đại dịch Covid-19 bùng phát trên phạm vi toàn cầu. Tập đoàn GCO Group cũng giảm mạnh doanh thu vì nhiều đối tác, khách hàng phải đóng cửa doanh nghiệp. Tuy vậy, trong cơn sóng tàn phá của đại dịch, nhiều doanh nghiệp đã tái cấu trúc hoạt động, chuyển đổi số mạnh mẽ, đón đầu xu hướng phát triển mới. Chính điều này là bước chuẩn bị tạo đà cho một năm 2022 bùng nổ. Những doanh nghiệp còn trụ vững đã bước đầu vượt qua thử thách và chắc chắn sẽ ứng biến tốt trong tương lai.

Tuy  vậy, để phục hồi và phát triển bền vững, chúng ta không chỉ nhìn vào nội lực của doanh nghiệp! Điểm tựa cho doanh nghiệp chính là nằm ở những chính sách và cơ chế hỗ trợ đặc thù, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ. Tôi mong muốn gói hỗ trợ cần bao phủ tất cả các lĩnh vực - nơi chịu tác động lớn nhất hoặc có tiềm năng trỗi dậy. Các gói hỗ trợ phải gắn với tiến trình tái cấu trúc nền kinh tế, bắp nhịp được với các xu hướng công nghệ. Mục tiêu ở đây là vừa cố gắng giảm thiểu khó khăn cho doanh nghiệp, vừa tạo tiền đề cho bước phát triển bền vững, bao trùm và sáng tạo tiếp theo. Quan trọng nhất là cần bảo đảm thực thi nhanh, đúng và minh bạch các gói hỗ trợ này.

Đặc biệt, doanh nghiệp sẽ phục hồi nhanh hơn trong một môi trường kinh doanh thuận lợi. Đại dịch Covid-19 diễn ra gây xáo trộn hầu hết các hoạt động kinh tế, nhưng nhìn ở khía cạnh khác, đây chính là dịp để thúc đẩy mạnh mẽ hơn các giải pháp cải cách hệ thống pháp luật và tháo gỡ các trở ngại về thủ tục hành chính để cải thiện môi trường kinh doanh.

Bên cạnh nông nghiệp, dệt may, dược phẩm thì công nghệ và truyền thông là một trong những lĩnh vực quan trọng và có tiềm năng phát triển nhất hiện nay. Tháng 6.2020, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt “Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, nhằm đưa Việt Nam thành “quốc gia số” và hình thành các doanh nghiệp công nghệ số có năng lực cạnh tranh toàn cầu. Đây chắc chắn là điều mọi doanh nghiệp công nghệ đều mong muốn. Cá nhân tôi kỳ vọng nhiều hơn vào những chính sách và cơ chế cụ thể hơn nữa, sát sườn hơn nữa để doanh nghiệp số Việt Nam có thể làm chủ cuộc chơi, vươn ra thế giới.

Quang Khánh