Kỳ vọng từ Chương trình phục hồi của Chính phủ

- Thứ Hai, 31/01/2022, 11:32 - Chia sẻ
Tại Kỳ họp bất thường lần thứ Nhất, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11.1.2022 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội với quy mô gói hỗ trợ lên tới 350.000 tỷ đồng. Nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm chủ động phòng, chống dịch Covid-19, khắc phục những thiệt hại, phục hồi kinh tế, giải quyết các vấn đề an sinh xã hội. Phó Chủ tịch Hội đồng Khoa học các cơ quan Đảng Trung ương, PGS. TS. VŨ VĂN PHÚC đã chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân xung quanh vấn đề này.

Quyết sách đúng đắn

Thưa ông, Nghị quyết về chính sách tài khóa và tiền tệ của Quốc hội đi vào cuộc sống sẽ tác động như thế nào tới người dân, cộng đồng doanh nghiệp và tiến trình phục hồi kinh tế của nước ta sau dịch Covid-19?

- Có thể thấy, qua hai năm dịch Covid-19 hoành hành thì khả năng ứng phó, sức chịu đựng của nền kinh tế, của doanh nghiệp và người dân đã chạm đến giới hạn và gây ra cho đất nước nhiều khó khăn. Trước thực trạng ấy, Kỳ họp bất thường không những thể hiện tinh thần trách nhiệm rất cao của Quốc hội mà còn cho thấy sự chủ động và kịp thời của Quốc hội trong việc đồng hành với Chính phủ giải quyết những khó khăn của đất nước. Các quyết sách của Quốc hội tại Kỳ họp này đã đáp ứng được nguyện vọng của cử tri và người dân. Nếu không có các bước “tạo đà” này, những mục tiêu phát triển đất nước tại Đại hội lần thứ XIII của Đảng đặt ra sẽ rất khó thực hiện.

Tôi cho rằng, Nghị quyết của Quốc hộiquyết sách đúng đắn. Tuy nhiên, để Nghị quyết đi vào cuộc sống một cách hiệu quả thì Chính phủ cần có kế hoạch, biện pháp để triển khai cụ thể, khẩn trương, quyết liệt. Bởi lẽ, hai năm qua, doanh nghiệp và người dân bị giảm khả năng chống chịu trước những tình huống khẩn cấp. Do vậy, phải gia tăng khả năng phục hồi và hấp thụ gói hỗ trợ rất lớn này cho doanh nghiệp và người dân.

Vấn đề an sinh xã hội có phạm vi rất rộng, do đó khi triển khai Nghị quyết cần lưu ý để gói hỗ trợ kịp thời, hiệu quả, tránh lãng phí. Mặt khác cũng cần chủ động tạo tính cân đối của các nội dung hỗ trợ, quan trọng nhất là các giải pháp thực hiện phải bảo đảm tính khả thi.

Loại bỏ tư duy “sợ việc, ngại làm, sợ trách nhiệm”

Vậy theo ông, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương cần làm gì để triển khai Nghị quyết của Quốc hội khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả, sớm phục hồi kinh tế?

- Thực tế, các doanh nghiệp và nhân dân cũng đang rất mong đợi tiếp cận được các gói hỗ trợ phục hồi, phát triển kinh tế đủ lớn như gói hỗ trợ 350 nghìn tỷ vừa qua. Để đáp ứng được nguyện vọng ấy, cũng như sớm phục hồi, phát triển kinh tế. Trước tiên phải giúp mỗi người dân, mỗi doanh nghiệp hiểu rõ Nghị quyết của Quốc hội, tạo điều kiện để họ tiếp cận các gói hỗ trợ một cách nhanh chóng, dễ dàng nhất.

Thứ hai, từ Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ cần có kế hoạch, biện pháp cụ thể hoá nhằm triển khai Nghị quyết một cách khẩn trương, quyết liệt.

Để các gói hỗ trợ phát huy hiệu quả một cách tốt nhất thì cần thay đổi tư duy “sợ việc, ngại làm, sợ trách nhiệm” của một số cán bộ, lãnh đạo,… Hiện nay, một bộ phận đội ngũ cán bộ cán bộ, lãnh đạo, quản lý của ta dám nghĩ, dám làm, dám hành động vì lợi ích chung như Kết luận số 14-KL/TW ngày 22.9.2021 của Bộ Chính trị, nhưng bên cạnh có một bộ phận cán bộ, quản lý có tư duy không dám làm vì sợ trách nhiệm khiến nhiều Bộ, ngành, địa phương chậm giải ngân đầu tư công, không dám thực hiện các dự án đầu tư công... Do đó, Chính phủ, các Bộ, ngành, các địa phương phải hành động quyết liệt hơn, khẩn trương hơn, hiệu quả hơn…

Thứ ba, cần công khai, minh bạch từ công tác cán bộ, từ đầu tư vốn… đến công tác thực thi cho doanh nghiệp, người dân biết, để họ đóng góp ý kiến vào chương trình và hành động của Chính phủ, của Bộ, ngành và địa phương… Chính người dân sẽ là công cụ, là người giám sát thực hiện. Điều này sẽ mang lại hiệu quả cao trong thực thi các chủ trương, chính sách.

Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương PGS.TS. Vũ Văn Phúc
Phó Chủ tịch chuyên trách Hội đồng khoa học các cơ quan Trung ương, PGS.TS. Vũ Văn Phúc

Thứ tư, hai năm vừa qua, doanh nghiệp và người dân bị giảm khả năng chống chịu trước những tình huống khẩn cấp. Bây giờ, điều cần làm là làm thế nào để gia tăng được khả năng phục hồi và hấp thụ gói hỗ trợ rất lớn này cho doanh nghiệp và người dân. Điều này phục thuộc rất lớn vào sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương.

Thứ năm, cần nhanh chóng, khẩn trương tiêm bổ sung mũi vaccine phòng Covid-19 cho người dân để tạo ra sự thích ứng an toàn và và linh hoạt cho người dân và doanh nghiệp. Vì điều đó, trước hết sẽ bảo đảm sinh mạng của người dân - lực lượng lao động, nguồn lực của quốc gia. Điều này sẽ giúp người dân người, người người lao động yên tâm đến doanh nghiệp, đến công sở lao động, sản xuất, kinh doanh,… để tạo động lực phát triển.

Hạn chế rủi ro

Theo ông, những rủi ro nào có thể xảy ra khi triển khai Chương trình phục hồi kinh tế?

- Thứ nhất, thực tế khi Quốc hội ban hành Nghị quyết và đặc biệt là quyết sách về gói hỗ trợ 350.000 tỷ thì Nhân dân và doanh nghiệp đã rất phấn khởi. Tuy nhiên, họ cũng thể hiện sự lo lắng. Lo lắng bởi vì, những rủi ro khi thực hiện chương trình này, nhất là việc giải ngân, tiếp cận gói hỗ trợ 350.000 tỷ trong 2 năm, 2022 - 2023.

Rủi ro chúng ta nhìn thấy rất rõ là những cân đối kinh tế vĩ mô nó sẽ bị ảnh hưởng, nhất là về vấn đề nguy cơ lạm phát. Trên thế giới các nền kinh tế lớn như Mỹ, Trung Quốc… đều có lạm phát. Bên cạnh đó là việc cân đối kinh tế vĩ mô lớn như nợ công tăng lên. Khi nợ công tăng lên, tức là gói vay tăng lên, thì sau này con cháu phải trả. Ngoài ra, vấn đề là bội chi ngân sách cũng có thể xảy ra.

Thứ hai, điều khiến nhiều người lo lắng là tiền từ gói hỗ trợ này có đi đúng đối tượng không, đúng mục tiêu không hay lại đi chệch hướng, nhầm đối tượng, nhầm mục tiêu.

Thực tế, nếu chúng ta không giám sát, quản lý tốt có thể sẽ xảy ra tham nhũng, tiêu cực và hệ quả gây ra sẽ rất lớn. Để tăng cường niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà Nước và Nhà nước, Quốc hội cần giám sát chặt chẽ để gói hỗ trợ đi đúng hướng, có trọng tâm và phát huy hiệu quả.

Thứ ba, dòng tiền của gói hỗ trợ đã đi đúng đối tượng, đúng mục tiêu, nhưng có hiệu quả không? Gói hỗ trợ 350.000 tỷ thực chất là tiền của Nhân dân nên cần thận trọng, kỹ lưỡng để đạt hiệu quả tốt nhất.

Để sử dụng nguồn vốn của gói hỗ trợ một cách hiệu quả, tôi cho rằng, trước hết Chính phủ phải thực hiện việc xây dựng chương trình cụ thể và đúng trọng tâm, trọng điểm như Nghị quyết của Quốc hội đề ra, để dòng tiền của gói hỗ trợ phải đi đúng đối tượng, đúng mục tiêu.

Trong quá trình thực hiện không phải chờ đến khi có kết quả rồi mới sơ kết, tổng kết về giám sát mà phải giám sát ngay từ khi thực thi, phải thực thi giám sát song song, thường xuyên trong cả quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết. Vừa triển khai thực hiện, vừa giám sát. Bên cạnh đó, Chính phủ và các Bộ, ngành, địa phương phải quyết liệt, tránh việc “ngâm vốn đầu tư công” đến cuối năm lại trả lại để an toàn. Tôi cho rằng, nếu còn trình trạng đó thì sẽ rất nguy hiểm và kéo lùi sự phát triển của nền kinh tế…

-Xin cảm ơn ông!

Đức Hiệp