DATC:

Công cụ quan trọng để mua bán nợ, xử lý tài sản tồn đọng và tái cơ cấu doanh nghiệp

- Thứ Tư, 17/02/2021, 07:50 - Chia sẻ

Ngày 5.6.2003, Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 109/2003/QĐ-TTg thành lập Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC), sau đó một năm, DATC được công nhận là Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) hạng Đặc biệt - Đây là đơn vị đầu tiên trong cả nước thực hiện mua bán, xử lý nợ thông qua tái cơ cấu doanh nghiệp với chức năng nhiệm vụ chính là: Hỗ trợ quá trình tái cơ cấu, sắp xếp, chuyển đổi sở hữu DNNN; Bảo toàn và phát triển vốn chủ sở hữu nhà nước đầu tư tại DATC và vốn của DATC đầu tư tại các doanh nghiệp khác và hoàn thành các nhiệm vụ khác do chủ sở hữu Nhà nước giao.Sau 17 năm hoạt động, DATC được đánh giá đã hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, trở thành định chế tài chính quan trọng về xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp, mang đến nhiều lợi ích cho các chủ thể kinh tế là các doanh nghiệp được mua - bán, xử lý nợ, tài sản tồn đọng, đóng góp to lớn cho nền kinh tế quốc gia.

Những dấu mốc quan trọng…

Chủ tịch Hội đồng thành viên DATC Lê Hoàng Hải cho biết, trong những năm đầu hoạt động, DATC là một doanh nghiệp non trẻ với ngành nghề hoạt động hoàn toàn mới, số lượng nhân sự chỉ hơn 20 cán bộ được điều động từ Bộ Tài chính và một số các bộ ngành khác nên quy mô xử lý nợ còn rất khiêm tốn. Tuy nhiên, bằng sự cố gắng, nỗ lực DATC đã vượt qua rất nhiều khó khăn để gặt hái được những thành công và tăng trưởng vượt trội về mọi mặt như hiện tại. Điển hình có thể kể đến năm 2007, lần đầu tiên DATC đã bứt phá tổng doanh số mua nợ và tài sản tới hơn 1.000 tỷ đồng, giai đoạn 2011 - 2013, tái cơ cấu chuyển đổi sở hữu hơn 30% tổng số doanh nghiệp thuộc diện cổ phần hóa trên cả nước, giai đoạn từ năm 2010 - 2016, Công ty đã thực hiện mua và xử lý nợ cho các doanh nghiệp với quy mô nợ xấu đạt tới trên 13.560 tỷ đồng… Trong năm 2017, DATC tiếp tục hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trên mọi phương diện hoạt động, đạt tổng doanh thu hơn 2.100 tỷ đồng vượt 108% kế hoạch, lợi nhuận gần 400 tỷ đồng vượt 101% kế hoạch, nộp ngân sách nhà nước (NSNN) 315 tỷ đồng, đồng thời hỗ trợ 63 doanh nghiệp xử lý nợ và tài sản tồn đọng. Năm 2018, doanh thu của đơn vị đã đạt gần 1700 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 170 tỷ đồng và nộp NSNN gần 135 tỷ đồng. Năm 2019, các chỉ tiêu doanh thu đạt hơn 2200 tỷ đồng, lợi nhuận đạt hơn 200 tỷ đồng. Năm 2020 vừa qua, không ngoại lệ, DATC tiếp tục hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được chính phủ giao.

DATC cũng khẳng định vai trò là một định chế tài chính quan trọng không thể thiếu trên thị trường mua bán nợ khi triển khai mua nợ theo chỉ định của Chính phủ để hỗ trợ các DNNN đặc biệt khó khăn khi thực hiện chuyển đổi hoặc tái cơ cấu tài chính như Vinashin (SBIC), Vinalines thông qua việc phát hành 17.000 tỷ đồng trái phiếu trong nước và quốc tế để cơ cấu lại khoảng 30.000 tỷ đồng nợ xấu; phát hành hối phiếu DATC có bảo lãnh của Chính phủ để hỗ trợ Techcombank thu hồi vốn mua lại nợ SBIC; Cơ cấu nợ vay lại của SBIC từ nguồn vốn trái phiếu Chính phủ, mua và xử lý hơn 3.390 tỷ đồng nợ phải trả của Vinalines tại các tổ chức tín dụng trong và ngoài nước, hỗ trợ Vinalines xử lý tài chính để cổ phần hóa công ty mẹ và hàng loạt các tổng công ty lớn trên cả nước…

Trong hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ là nhiệm vụ do Chính phủ giao để hỗ trợ và đẩy nhanh tiến trình cổ phần hóa DNNN. Lũy kế từ năm 2004 - 2017, Công ty đã hoàn thành việc tiếp nhận nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị DN khi cổ phần hóa của gần 2.700 doanh nghiệp với tổng giá trị các khoản nợ và tài sản tính theo sổ kế toán mà DATC đã tiếp nhận lên tới hơn 5.000 tỷ đồng, qua đó giúp các doanh nghiệp hoàn tất quá trình cổ phần hóa để chuyển đổi thành công ty cổ phần. Ngoài ra, thông qua hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ, tài sản loại trừ, DATC thu hồi cho NSNN tới 700 tỷ đồng.

Đối với lĩnh vực tái cơ cấu doanh nghiệp là hình thức xử lý nợ chủ yếu được DATC triển khai trong những năm qua. Hàng loạt các doanh nghiệp đã được DATC hỗ trợ tái cơ cấu thành công có thể kể đến như: Công ty CP Sadico Cần Thơ, Công ty CP Mía đường Kon Tum, Công ty CP Mía đường Sơn La, Công ty CP Tập đoàn kỹ nghệ gỗ Trường Thành, Công ty CP Cầu 14… Đặc biệt, trong năm 2010, DATC lần đầu tiên được Chính phủ tin tưởng giao nhiệm vụ thực hiện phương án tái cơ cấu Tổng Công ty Dâu tằm tơ Việt Nam (VISERI)) và đạt được nhiều thành công ngoài mong đợi, đây cũng là tiền đề cho DATC thực hiện tái cơ cấu hàng chục tổng công ty sau này như Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy Vinashin và Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam Vinalines.

Lũy kế từ năm 2004 - 2020, DATC đã hỗ trợ thực hiện tái cơ cấu cho gần 190 doanh nghiệp. Trong đó, DATC đã kết hợp xử lý nợ gắn tái cơ cấu tài chính với quản trị doanh nghiệp để chuyển đổi sở hữu cho hơn 70 DNNN với giá trị vốn đầu tư hình thành từ chuyển nợ thành vốn góp khoảng 1.400 tỷ đồng; hàng trăm doanh nghiệp còn lại được tái cơ cấu tài chính thông qua xử lý nợ, qua đó giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực về tài chính, tiết giảm chi phí, từng bước phục hồi và ổn định sản xuất kinh doanh, bảo đảm việc làm cho người lao động và có đóng góp cho ngân sách.      

Trong 17 năm hình thành và phát triển, DATC đã là cầu nối tiếp nhận, mua bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng trong nước của rất nhiều doanh nghiệp lớn nhỏ. Trong đó, điển hình có các đối tác/khách hàng như: Vietcombank; Agribank; Vietinbank; BIDV; Ngân hàng TMCP Quân đội; Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội. Bên cạnh đó, DATC còn là một kênh quan trọng tiếp nhận tri thức, hợp tác nước ngoài về tiếp nhận, mua bán, xử lý nợ và tài sản tồn đọng. Song song với công tác chuyên môn, DATC cũng tích cực tham gia các công tác Đoàn, Đảng và công tác xã hội.

Qua thực tế 17 năm hoạt động, DATC đã hoàn thành xuất sắc sứ mệnh của mình, đồng thời luôn khẳng định được vai trò là một định chế tài chính về xử lý nợ và tái cơ cấu doanh nghiệp. Thông qua hoạt động xử lý nợ và chuyển đổi sở hữu DNNN, DATC đã giúp các Tập đoàn, Tổng công ty, DNNN lành mạnh tài chính, tiết giảm chi phí, tạo cơ hội sắp xếp lại doanh nghiệp. Sau khi DATC tham gia tái cơ cấu thành công, hơn 200 doanh nghiệp thuộc các Bộ, ngành, địa phương gặp khó khăn đã trở thành doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả, niêm yết giao dịch trên sàn chứng khoán HNX, HOSE và lợi nhuận, cổ tức hàng năm tăng mạnh. Qua đó, hỗ trợ giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động, góp phần giải quyết nợ đọng bảo hiểm xã hội và thuế, mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách địa phương. DATC đã giúp các doanh nghiệp đẩy mạnh sản xuất kinh doanh sau cổ phần hóa, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Đồng thời, thông qua hoạt động của mình, DATC đã bước đầu hình thành thị trường mua bán nợ tại Việt Nam. Ngoài ra, DATC còn nằm trong top 1.000 doanh nghiệp đóng thuế thu nhập lớn nhất Việt Nam năm 2016 và thuộc top 500 doanh nghiệp lớn nhất Việt Nam năm 2017.

Hướng tới định chế tài chính hàng đầu trong mua bán nợ, tái cấu trúc doanh nghiệp

Mục tiêu quan trọng trong thời gian tới của DATC là tiếp tục giữ vững sự ổn định, bền vững trong tất cả lĩnh vực hoạt động của công ty. Chủ động nghiên cứu thực hiện các phương thức mới trong mua bán, tiếp nhận nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, quản lý vốn đầu tư, nâng cao hiệu quả đầu tư để tạo bước đột phá trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ được Chính phủ và Bộ giao. Kiện toàn tổ chức, tăng cường nguồn nhân lực, đổi mới lao động và tập trung hoàn thành việc xây dựng đề án chiến lược kinh doanh, cơ chế hoạt động; áp dụng các quy trình, quy chế nội bộ để từng bước phù hợp với việc nâng cấp Công ty thành Tổng công ty; tăng cường hợp tác đối ngoại, quảng bá rộng rãi kết quả hoạt động để khẳng định vai trò là công cụ quan trọng của Nhà nước trong xử lý nợ xấu, tái cơ cấu doanh nghiệp và phát triển thị trường mua bán nợ có tổ chức.

Đi liền với đó, sẽ tiếp tục triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ Chính phủ giao liên quan tới hoạt động tiếp nhận, xử lý nợ và tài sản loại trừ khỏi giá trị doanh nghiệp khi cổ phần hóa DNNN; tái cơ cấu nợ của Tổng công ty công nghiệp tầu thủy Việt Nam (SBIC); tái cơ cấu Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), Công ty cổ phần thực phẩm Miền Bắc thuộc Tổng công ty thuốc lá Việt Nam và một số Tập đoàn và Tổng công ty khác,... qua đó góp phần nâng cao năng lực tài chính, phục hồi hoạt động của các đơn vị để đẩy nhanh tiến độ tái cơ cấu theo đề án được Chính phủ phê duyệt, gắn với việc thu hồi các khoản nợ của Chính phủ.

Cụ thể, dự kiến sau năm 2021, Công ty mẹ - công ty thành viên sẽ hoạt động trong các lĩnh vực quản lý khai thác tài sản; tái thiết doanh nghiệp; đầu tư tài chính; dịch vụ và tư vấn bán đấu giá tài sản; phấn đấu đến năm 2030 trở thành định chế tài chính hàng đầu, hoạt động đa ngành, đa sở hữu, trong đó mua bán bán nợ, tái cơ cấu doanh nghiệp, khai thác tài sản trở thành trọng tâm.

Để hoàn thành mục tiêu đặt ra, bên cạnh Nghị định 129/2020/NĐ-CP về chức năng, nhiệm vụ và cơ chế hoạt động của Công ty TNHH MTV Mua bán nợ Việt Nam vừa được Chính phủ ban hành và áp dụng từ 10.12.2020 mang lại cho DATC nhiều điều kiện thuận lợi nhất định về mặt pháp lý, DATC cần được Chính phủ và Bộ Tài chính quan tâm, chú trọng hơn nữa đến công tác mở rộng và phát triển thị trường mua bán nợ; hoàn thiện quy chế hoạt động thích nghi với điều kiện hoạt động mới, tạo điều kiện cơ sở pháp lý cho DATC thực hiện tốt nhất chức năng mua bán nợ.

Trong thời gian tới, việc tiếp tục tăng vốn điều lệ cho DATC cũng vô cùng cần thiết để tạo thuận lợi cho phép DATC triển khai mua nợ đối với các khoản nợ có giá trị lớn, phát triển theo hướng tăng quy mô nợ xấu được xử lý, đồng thời mở rộng về đối tượng doanh nghiệp được xử lý nợ (cả DNNN và doanh nghiệp ngoài quốc doanh), mở rộng thêm các hoạt động kinh doanh bổ trợ khác...

Cao Linh