Cách mạng 4.0 Sẽ giúp việt nam “đi tắt” trong tiến trình công nghiệp hóa

- Thứ Hai, 08/02/2021, 08:53 - Chia sẻ

Nghị quyết 23 -NQ/TW của Bộ Chính trị đặt mục tiêu đến năm 2030 Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại vào năm 2045. Chia sẻ với Báo Đại biểu Nhân dân trước thềm xuân mới, Bộ trưởng Bộ Công thương Trần Tuấn Anh khẳng định: “Đây là mục tiêu đầy thách thức, nhưng chúng ta đang nhìn thấy những tiền đề vững chắc từ nội tại của nền kinh tế cũng như các “vận hội” từ bên ngoài - trong đó có Cách mạng Công nghiệp 4.0 mà nếu tận dụng tốt Việt Nam hoàn toàn có khả năng đạt được”.

Đã tạo niềm tin, sự hứng khởi cho doanh nghiệp  

- Nhìn lại việc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về mục tiêu “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, theo Bộ trưởng đâu là những kết quả nổi bật?

Ảnh: Lâm Hiển

- Thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII về mục tiêu “phấn đấu sớm đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại”, Chính phủ và Bộ Công thương đã quyết liệt triển khai nhiều chính sách, giải pháp để thúc đẩy phát triển công nghiệp. Quy mô sản xuất công nghiệp liên tục được mở rộng. Tính chung cả giai đoạn 2016 - 2020, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của toàn ngành công nghiệp bình quân tăng 8,1%, cao hơn giai đoạn 2011 - 2015 (7,3%).

Đặc biệt, công nghiệp chế biến, chế tạo ngày càng đóng vai trò là động lực chính thúc đẩy nền công nghiệp và kinh tế Việt Nam. Xét cả giai đoạn 2016 - 2020, nhóm ngành này luôn chiếm tỷ trọng cao nhất trong các ngành công nghiệp với đóng góp trong GDP tăng liên tục qua các năm (từ 14,27% năm 2016 lên 16,58% vào năm 2020). Trong đó, điện tử, dệt may, da giày... tăng trưởng ở mức cao, là yếu tố chính đóng góp vào phát triển của ngành công nghiệp Việt Nam; bình quân mỗi năm tạo thêm khoảng 300.000 việc làm.

Đáng chú ý, đã hình thành và phát triển được một số tập đoàn công nghiệp tư nhân trong nước có tiềm lực tốt hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo. Điển hình như trong lĩnh vực sản xuất lắp ráp ô tô là các tập đoàn VinGroup, Trường Hải, Thành Công; trong lĩnh vực sản xuất chế biến sữa và thực phẩm là Vinamilk, TH; trong lĩnh vực sắt thép, kim khí là Tập đoàn Hoa Sen, Hòa Phát… Đây là tín hiệu tốt cho thấy các chủ trương chung của Đảng, cơ chế chính sách của Chính phủ đã tạo được niềm tin tưởng và hứng khởi cho các doanh nghiệp tập trung đầu tư phát triển lớn, dài hạn trong các ngành công nghiệp trọng điểm của đất nước.

- Trên thực tế, năng lực cạnh tranh, sự tham gia vào chuỗi giá trị của các doanh nghiệp Việt Nam trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo còn nhiều hạn chế, vẫn chủ yếu tham gia những công đoạn giản đơn, giá trị gia tăng thấp. Bộ trưởng nghĩ sao về điều này?

- Đúng là mặc dù đạt được nhiều thành tựu đáng kể, tuy nhiên, công nghiệp Việt Nam nói chung và công nghiệp chế biến, chế tạo nói riêng vẫn tồn tại nhiều hạn chế. Tăng trưởng công nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Giá trị gia tăng của công nghiệp, đặc biệt là công nghiệp chế biến, chế tạo còn rất thấp. Nội lực của nền công nghiệp còn yếu, chuyển dịch cơ cấu kinh tế phụ thuộc quá lớn vào các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI). Mối liên kết giữa các doanh nghiệp trong nước với các doanh nghiệp FDI còn rất lỏng lẻo. Chưa hình thành được các tập đoàn công nghiệp có quy mô tầm cỡ khu vực và quốc tế trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo để tạo hiệu ứng lan tỏa cho công nghiệp Việt Nam…

- Đâu là nguyên nhân của các hạn chế trên, thưa Bộ trưởng?

- Có nhiều nguyên nhân, trong đó, nguyên nhân chủ quan là nhận thức của nhiều cơ quan trung ương và địa phương về phát triển công nghiệp còn hạn chế, dẫn đến chưa đánh giá đúng vai trò, tầm quan trọng của công nghiệp chế biến chế tạo và chưa bố trí đủ nguồn lực hợp lý để tập trung thúc đẩy phát triển công nghiệp. Mô hình quản lý nhà nước về công nghiệp vẫn còn nhiều bất cập. Nhiều địa phương còn rất thụ động trong triển khai chính sách phát triển công nghiệp quốc gia…

Về nguyên nhân khách quan, môi trường kinh tế vĩ mô chưa thuận lợi cho việc phát triển các ngành công nghiệp, chưa tạo điều kiện và khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất. Việc huy động, phân bổ và sử dụng hiệu quả các nguồn lực cho phát triển công nghiệp chưa có sự đột phá, nguồn đầu tư của xã hội cho phát triển công nghiệp phụ thuộc ngày càng nhiều vào nước ngoài. Hệ thống doanh nghiệp công nghiệp kém phát triển, phần lớn các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam đều là doanh nghiệp vừa và nhỏ, trình độ sản xuất hạn chế, đặc biệt là các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ…

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm Doosan Vina tại Khu kinh tế Dung Quất
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng thăm Doosan Vina tại Khu kinh tế Dung Quất

Chủ động để tận dụng tốt nhất các cơ hội

- Vài năm trở lại đây, chúng ta nói nhiều đến Cách mạng Công nghiệp 4.0 và kỳ vọng đây sẽ là cơ hội giúp Việt Nam có thể tận dụng để “đi tắt” trong tiến trình công nghiệp hóa đất nước. Quan điểm của Bộ trưởng thế nào?

- Đảng và Chính phủ đặt mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2030 và trở thành nước công nghiệp phát triển hiện đại vào năm 2045. Đây là một mục tiêu đầy thách thức. Tuy vậy, cùng với những tiền đề hết sức vững chắc từ nội tại của nền kinh tế, những vận hội từ bên ngoài, trong đó có sự phát triển và ứng dụng nhanh chóng các công nghệ tiên tiến và hiện đại từ Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ là “cơ hội vàng” giúp Việt Nam đạt được mục tiêu.

Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ tác động tới việc thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa của Việt Nam ở trên cả khía cạnh lực lượng sản xuất, làm thay đổi phương thức cũng như tư liệu sản xuất truyền thống cũng như quan hệ sản xuất. Khoa học và công nghệ đã tham gia và trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp của nền kinh tế, có khả năng tạo ra những bước phát triển nhảy vọt về năng suất, chất lượng, sức cạnh tranh của các doanh nghiệp. Về tư liệu sản xuất, dữ liệu đã trở thành nguồn đầu vào quan trọng trong các quá trình sản xuất, giúp các doanh nghiệp nâng cao hiệu quả, tối ưu hóa hoạt động, đồng thời tạo ra các giá trị mới, mô hình và phương thức sản xuất kinh doanh mới dựa trên nền tảng của dữ liệu.

- Việc tận dụng các cơ hội và chủ động tham gia Cách mạng Công nghiệp 4.0 sẽ được thể hiện thế nào trong định hướng phát triển giai đoạn 2021 - 2030, thưa Bộ trưởng?

- Định hướng của Đảng và các mục tiêu cụ thể của Chính phủ về phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 sẽ sớm được ban hành trong giai đoạn tới, trong đó đặt ra những yêu cầu mới cho ngành công thương. Ngay trong giai đoạn hiện nay, khi xây dựng định hướng phát triển ngành giai đoạn 2021 - 2030, về mặt quan điểm và định hướng lớn trong tận dụng cơ hội và chủ động tham gia vào cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 gắn với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa sẽ được thể hiện ở 3 nội dung chủ yếu.

Thứ nhất, xác định xu thế tất yếu của cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 và xem đây là yếu tố điều kiện, môi trường để phục vụ quá trình phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ động tham gia vừa là yêu cầu vừa là thách thức mà Việt Nam cần phải nhanh chóng vượt qua để tận dụng tốt nhất các cơ hội.

Thứ hai, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường là điều kiện tiên quyết để tiếp cận Cách mạng Công nghiệp 4.0 cả về chiều rộng lẫn chiều sâu. Các chính sách phát triển nói chung và ngành công thương nói riêng được thiết lập sẽ hướng vào việc tạo ra một môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng, thúc đẩy phát triển cho mọi tổ chức, cá nhân trong xã hội; bảo đảm tập trung nguồn lực vào khai thác các ngành, lĩnh vực có thế mạnh cạnh tranh.

Thứ ba, công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn hiện nay sẽ dựa trên nền tảng cơ bản của ứng dụng khoa học công nghệ, đặc biệt là công nghệ từ Cách mạng Công nghiệp 4.0. Phát huy nguồn lực con người làm yếu tố cơ bản cho sự phát triển nhanh, bền vững của đất nước và định hình lại những trọng tâm ưu tiên, nền tảng cho phát triển.

Trong đó, các trọng tâm được đặc biệt quan tâm gồm: Xác định lại động lực của quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong giai đoạn tiếp theo, đó là phát huy các yếu tố nội lực, phát triển doanh nghiệp nội địa, tăng cường năng lực, khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp trong nước. Ưu tiên phát triển và chiếm lĩnh thị trường nội địa, bên cạnh việc việc đa dạng và lựa chọn các phân khúc, thị trường ngách đối với hàng hóa xuất khẩu mà Việt Nam vẫn phát huy lợi thế về tài nguyên, nhân công. Ưu tiên có chọn lọc các ngành công nghiệp, thương mại có lợi thế cạnh tranh, khả năng lan tỏa cũng như mức độ sẵn sàng cao trong tiếp cận cuộc Cách mạng Công nghiệp 4.0 để tập trung phát triển, tạo ra khu vực tăng trưởng kinh tế nhanh, vượt trội.

- Trân trọng cảm ơn Bộ trưởng!

Lâm Hiển thực hiện