Tản mạn

Kính chữ

- Thứ Ba, 13/04/2021, 08:29 - Chia sẻ

1. Tháng 6 năm 2004, ngay khi xuống sân bay ở Moscow, đạo diễn nổi tiếng người Mỹ Quentin Tarantino đã tuyên bố là ông muốn đến viếng mộ nhà văn Nga nổi tiếng Boris Pasternak - giải Nobel văn học 1958. (Tarantino từng giành hai giải Oscar, hai giải Quả cầu vàng, một giải BAFTA và một giải Cành cọ Vàng).

Nói là làm. Ngay ngày đầu tiên ở Moscow, mặc dù trời mưa, đạo diễn này đã đến thăm nghĩa trang Peredenkino, viếng mộ nhà văn mà ông yêu thích, thậm chí thuộc lòng hầu hết các bài thơ. Ông yêu cầu những người đi cùng lánh ra xa, để ông một mình bên mộ thần tượng văn học của mình.

Một lát sau, người ta phát hiện ra Tarantino ngồi tựa lưng vào tảng đá bia mộ, nơi có chân dung và chữ ký nhà văn, nhắm mắt một hồi lâu như thiếp ngủ. Phải chăng khi đó, vị đạo diễn người Mỹ này đang nhớ về những vần thơ, những trang văn, những tư tưởng của nhà văn Nga mà ông yêu thích và chịu ảnh hưởng trong các tác phẩm điện ảnh của mình sau này. Ông được ở bên, gần hơn lúc nào khác, nhà văn yêu quý của ông.

Trở về Mỹ, Tarantino đem theo một kỷ vật từ nghĩa trang này: bông hoa cúc dại mọc ven mộ Pasternak.

2. Marlene Dietrich là một trong 10 nữ diễn viên vĩ đại nhất mọi thời đại, theo đánh giá của Viện Phim Mỹ. Bà sinh ngày 27.12.1901 tại Berlin, Đức, sau đó di cư sang Mỹ và tỏa sáng tại đây. Mặc dù đã nhiều lần trùm tuyên truyền Joseph Goebbels của chế độ phát xít mời bà trở lại cố quốc sống và làm việc, nhưng lần nào bà cũng từ chối.

Năm 1963, khi đã trở thành một ngôi sao chói sáng trên bầu trời ca nhạc và điện ảnh, Marlene Dietrich được mời sang thăm Liên Xô (cũ). Tại Moscow, bà được mời tham dự cuộc giao lưu tại trụ sở Hội Nhà văn Liên Xô. Cuối buổi giao lưu và biểu diễn, khi người dẫn chương trình hỏi bà muốn đi thăm nơi nào ở Moscow, thí dụ như Nhà hát Lớn, Điện Kremli, thì trước sự bất ngờ sửng sốt của cử tọa, bà nói: "Tôi mong muốn được gặp gỡ nhà văn Xô Viết Konstantin Paustovsky. Đó là mơ ước từ lâu của tôi".

(Paustovsky, hẳn không phải giới thiệu thêm về ông. Hàng chục năm qua, những "Bông hồng vàng", "Tuyết", "Lẵng quả thông", "Chiếc nhẫn bằng thép", "Một mình với mùa thu"... của nhà văn đã làm lay động trái tim nhiều thế hệ độc giả Việt Nam. Ông đã được đề cử Nobel văn học năm 1965).

Người ta ngay lập tức lên đường tìm Paustovsky. Khi này, nhà văn đang bị ốm, nằm trong bệnh viện. Ông đã từ chối đến nhưng sau khi được khoản nài, đã chấp thuận đến gặp Marlene Dietrich.

Và trên sân khấu của khán phòng chật ních người, Paustovsky run rẩy bước ra (lúc này ông 71 tuổi). Nhìn thấy ông, Marlene Dietrich tiến đến, khuỵu chân xuống, ấp hai tay của nhà văn già để hôn, khuôn mặt bà đầm đìa nước mắt của niềm hạnh phúc.

Cả khán phòng lặng phắc, chứng kiến những giây phút xúc động, để rồi sau đó nổ tung trong tràng pháo tay dài. Khi nhà văn già đã yên vị trên chiếc ghế, Marlene Dietrich mới bắt đầu câu chuyện. Bà kể rằng đã đọc rất nhiều sách, truyện, nhưng đọng lại ấn tượng lâu dài nhất, bền bỉ nhất là truyện ngắn "Bức điện" của Paustovsky. Lúc nào bà cũng có mong muốn được gặp tác giả truyện ngắn này, và chia sẻ: "Tôi thật hạnh phúc, vì đã kịp làm được điều đó"...

 Vậy đấy! Một nền văn học thật đáng để ngưỡng mộ!

Việt Hùng