Kìm đà tăng giá thép

- Thứ Bảy, 29/05/2021, 06:15 - Chia sẻ
Hơn 20 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xây dựng của tỉnh Tiền Giang vừa đồng loạt kiến nghị các đơn vị liên quan hỗ trợ để vượt qua khó khăn khi giá sắt thép nói riêng và vật liệu nói chung đang tăng phi mã. Trước đó, đầu tháng 5.2021, 40 doanh nghiệp ở Cà Mau cũng gửi đơn cầu cứu với nội dung tương tự đến cơ quan chức năng tỉnh, kiến nghị điều chỉnh giá cho phù hợp với thị trường.

“Lao đao”, “vỡ trận”, “phá sản” là những từ được các doanh nghiệp nhắc đến trong các đơn kêu cứu gửi đến lực lượng chức năng. Từ cuối năm ngoái đến nay, giá vật liệu xây dựng, bao gồm từ sắt thép, tôn, cát, đá, gỗ, cửa nhựa, sơn, xăng dầu… đã tăng mạnh, với mức trung bình 25%. Riêng giá thép tăng tới 50-70%; cát xây dựng (cát xây và san lấp) tăng 100%. Hồi đầu năm 2021, thép có giá 15 - 16 triệu đồng/tấn thì nay đã lên tới 24 - 25 triệu đồng/tấn, tăng 66%.

Một doanh nghiệp than thở: Chỉ một dự án hơn 10 căn nhà tại Long An, riêng tiền thép doanh nghiệp đã phải bù vào 2 tỷ đồng. Nếu như trước đây một công trình nhận thầu là 100 tỷ đồng thì nay phải lên tới 130 tỷ đồng mới dám nhận. Bởi các công trình dân dụng, thời gian thi công thường từ 1 năm trở lên nên nguy cơ bị tác động bởi trượt giá là rất lớn. Nếu doanh nghiệp ký hợp đồng từ năm ngoái thì nay cầm chắc thua lỗ. Không những vậy, giá thép vẫn chưa có dấu hiệu ngừng lại nên nhiều doanh nghiệp không dám bỏ giá thầu, vì bỏ giá cao thì thua chắc, còn bỏ giá thấp thì nguy cơ phá sản đã hiện hữu.

Bộ Xây dựng cho rằng, giá thép đang có dấu hiệu tăng đột biến và không theo quy luật tăng giá thông thường, cần được kiểm soát. Giá thép tăng nhanh tới mức đã có nhiều ý kiến đặt nghi vấn có sự “bắt tay” giữa các công ty thép, hay có hiện tượng đầu cơ nâng giá mặt hàng này. Tuy nhiên, theo khẳng định của Bộ Công thương, năng lực sản xuất thép trong nước không hề thiếu, nên việc các doanh nghiệp bắt tay nhau cùng tăng giá không có cơ sở. Vấn đề khiến giá thép tăng cao là do nguồn nguyên liệu sản xuất đầu vào của sản phẩm thép hiện nay đa phần phải nhập khẩu, và giá các nguyên vật liệu này đang tăng cao đột biến trên thị trường toàn cầu.

Bộ Công thương cho rằng “khi tình hình dịch bệnh ổn định hơn, giá thép sẽ được điều chỉnh theo quan hệ cung - cầu”. Nhưng phải đợi đến bao giờ? Dù các Hiệp hội đồng loạt đề nghị kiểm tra, doanh nghiệp khắp nơi kêu cứu nhưng ngay cả việc giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất thép vẫn còn đang được Bộ Tài chính tính toán. Bộ Công thương cũng chưa đưa ra được các biện pháp điều chỉnh sự mất cân đối cung ứng sản phẩm thép trên thị trường để ưu tiên thị trường trong nước.

Điều được nhiều doanh nghiệp quan tâm hiện nay là làm thế nào để kiểm soát và kìm lại đà tăng của giá thép. Cần có ngay những giải pháp tình thế “hạ nhiệt” giá thép để các doanh nghiệp có thể tồn tại, bảo đảm bình ổn thị trường cũng như quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Và đặc biệt, đối với các loại vật liệu có biến động giá lớn như thép, phải công bố giá hàng tháng hoặc sớm hơn, đáp ứng yêu cầu quản lý chi phí đầu tư xây dựng, hợp đồng xây dựng.

Mới đây, trong định hướng công tác điều hành giá những tháng còn lại trong năm nay, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đã yêu cầu có các biện pháp bảo đảm sản xuất thép phải ưu tiên cho thị trường trong nước. Để giải quyết vấn đề này, cần có một chiến lược tổng thể với đồng bộ hàng loạt giải pháp về quy hoạch, về chính sách thuế, về nguồn tài chính, nhân lực… và sẽ có độ trễ nhất định khi áp dụng vào thực tiễn. Nhưng nếu để quá chậm, gánh nặng này sẽ đổ hết lên vai người tiêu dùng đang phải lay lắt chống chọi những tác động tiêu cực từ dịch Covid-19.

Chi An