Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà

Kiềng ba chân:<BR>Kinh tế - Văn hóa - Môi trường

- Chủ Nhật, 22/01/2017, 14:57 - Chia sẻ
­­Bảo vệ môi trường là bài toán nan giải nhiều năm nay, đặc biệt khi cơ chế phối hợp, thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường chưa được hoàn thiện. Nhân dịp năm mới, Đại biểu Nhân dân có cuộc trao đổi với Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường TRẦN HỒNG HÀ về những vấn đề trọng tâm của ngành.

Thay đổi từ tư duy đến hành động

- Chia sẻ với các ĐBQH tại Diễn đàn “Bảo vệ môi trường - Những vấn đề cấp bách” do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức tháng 11.2016, ông nhấn mạnh: “Đã đến lúc chúng ta phải thay đổi”. Điều thay đổi lớn nhất ở đây là gì, thưa ông?

- Điều tôi muốn chính là thay đổi từ tư duy, nhận thức đến hành động của các nhà lãnh đạo, quản lý, từng người dân và doanh nghiệp về vị trí, vai trò của bảo vệ môi trường trong quá trình phát triển. Trong đổi mới mô hình tăng trưởng, phải kiên quyết không đánh đổi môi trường lấy tăng trưởng kinh tế. Đây chính là nguyên tắc của phát triển bền vững mà nhân loại đang theo đuổi. Nó yêu cầu 3 yếu tố: Kinh tế - văn hóa - môi trường phải được chú trọng như nhau trong quá trình phát triển. Nó như ba chân để tạo ra cái kiềng bền vững. Một chân nào ngắn quá hoặc dài quá đều tạo ra sự khập khiễng. Nếu chỉ chú trọng lợi ích kinh tế, xem nhẹ văn hóa, chúng ta có thể giàu có vật chất mà nghèo nàn về tinh thần. Nếu xem nhẹ môi trường, chúng ta sẽ gánh chịu ô nhiễm, cạn kiệt tài nguyên, mắc nợ đời sau. Nếu không phát triển được kinh tế thì cũng sẽ không có động lực để phát triển xã hội và bảo vệ môi trường (BVMT).


Bộ trưởng Trần Hồng Hà kiểm tra việc khắc phục hậu quả môi trường tại Nhà máy Formosa Hà Tĩnh
Ảnh: Văn Định

Nội hàm phát triển hài hòa ở đây, tôi cho rằng thuộc phạm trù phát triển bền vững - đó là sự thỏa mãn nhu cầu đời này không ảnh hưởng đến tương lai đời sau, nếu không sẽ như cha ông ta thường nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Sự hài hòa phải thể hiện từ nhận thức đến tạo lập chính sách và thực thi chính sách trong thực tiễn cuộc sống.

Sự hài hòa thể hiện ở những nguyên tắc phát triển, đó là: Phát triển kinh tế không làm suy giảm chất lượng môi trường; phát triển kinh tế không làm suy thoái văn hóa và BVMT phải tạo động lực cho phát triển KT - XH. Sự hài hòa thể hiện trong mô hình phát triển dựa trên tri thức, sử dụng công nghệ cao, tiết kiệm tài nguyên, phát thải carbon thấp. Sự hài hòa còn thể hiện cả trong chi phí đầu tư cho kinh tế, văn hóa, môi trường hợp lý cả ở tầm vĩ mô và vi mô. Ví dụ, các nước tiên tiến yêu cầu các dự án có tiềm ẩn nguy cơ gây ô nhiễm phải đầu tư cho việc BVMT đến 20% tổng đầu tư của dự án. Nội hàm phát triển hài hòa ở đây, tôi cho rằng thuộc phạm trù phát triển bền vững - đó là sự thỏa mãn nhu cầu đời này không ảnh hưởng đến tương lai đời sau, nếu không sẽ như cha ông ta thường nói: “Đời cha ăn mặn, đời con khát nước”. Sự hài hòa phải thể hiện từ nhận thức đến tạo lập chính sách và thực thi chính sách trong thực tiễn cuộc sống. Đây là điều mà tôi đã thường đề cập trong các diễn đàn cũng như chia sẻ với các phóng viên báo chí.

Hoàn thiện thể chế về BVMT

- Trong những sự cố môi trường vừa qua, theo ông đâu là bài học kinh nghiệm quý báu cần rút ra?

- Thứ nhất, đó là về cơ chế phối hợp, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về bảo vệ môi trường. Chúng ta cần phải tiến hành xây dựng ngay một cơ chế phối hợp thực chất, hiệu quả giữa các bộ, ngành và địa phương. Trong những trường hợp phức tạp, cần phải huy động các nguồn lực quốc tế để ứng phó với các sự cố môi trường có tính chất nghiêm trọng. Kinh nghiệm của các nước tiên tiến trên thế giới, đặc biệt là những nước phải hứng chịu nhiều thảm họa do thiên tai và con người gây ra là hết sức quý báu. Rõ ràng là, chúng ta phải tiến hành ngay việc xây dựng và ban hành quy chế thiết lập hệ thống phòng ngừa và ứng phó sự cố, trong đó có sự cố môi trường đủ mạnh, có khả năng hoạt động một cách chuyên nghiệp, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan liên quan.

Thứ hai, bên cạnh đóng góp KT - XH của các dự án, đặc biệt là các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) cũng đã bộc lộ những nhược điểm. Sự cố môi trường là bài học để chúng ta nhìn nhận, đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về hoạt động thu hút đầu tư FDI, nhất là với các dự án có nguồn thải lớn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây ra sự cố môi trường. Trong thời gian tới, chúng ta cần đưa ra một thông điệp mới, rõ ràng về định hướng FDI; làm rõ chức năng, nhiệm vụ của các bộ, ngành trong công tác xây dựng, tổ chức thực hiện quy hoạch phát triển, thu hút đầu tư; công tác thẩm định, đánh giá công nghệ liên quan tới môi trường. Đồng thời, tăng cường giám sát chất lượng đầu tư nước ngoài ở góc độ BVMT là rất cấp bách, tránh diễn ra tình trạng đầu tư nước ngoài thu được lợi nhuận nhưng tàn phá môi trường.

Thứ ba, chúng ta đã quá coi trọng thu hút đầu tư, chưa quan tâm đúng mức tới công tác BVMT. Chưa có đủ kinh nghiệm và lường hết những nguy cơ tiềm ẩn về môi trường. Thực tế, có những sự cố môi trường khi đã xảy ra thì rất khó khắc phục hoặc không thể khắc phục được. Vì vậy, chúng ta cần phải thay đổi quan điểm trong vấn đề thu hút đầu tư và BVMT. Chúng ta cũng cần nhấn mạnh rằng, đầu tư cơ sở hạ tầng cho hoạt động BVMT cần phải được xem trọng và thực hiện ngay từ đầu với tỷ lệ tương xứng vì đây chính là công cụ để dự báo, phòng ngừa và ứng phó với sự cố môi trường.

- Là thành viên của Chính phủ, ông sẽ hành động như thế nào trong năm tới để đáp ứng thông điệp xây dựng một Chính phủ liêm chính, kiến tạo phát triển, hành động quyết liệt, phục vụ nhân dân?

- Phương châm đặt ra cho toàn ngành là: Tăng cường kỷ luật, kỷ cương hành chính; ra sức thi đua sáng tạo, hành động hiệu quả, đề cao trách nhiệm cá nhân, hướng đến người dân và doanh nghiệp. Do đó, tôi sẽ ưu tiên chỉ đạo quyết liệt phải rà soát, hoàn thiện các chính sách pháp luật về TN - MT.

Hai là, tiếp tục tổ chức thực hiện có hiệu quả các chính sách, pháp luật về TN - MT. Phải vào cuộc quyết liệt để giải quyết các vấn đề bức xúc của người dân liên quan đến công tác quản lý tài nguyên, BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu đặt ra trong thực tiễn như vấn đề ô nhiễm, khiếu kiện, lãng phí đất đai, cấp giấy chứng nhận, vấn đề nguồn nước, khoáng sản... Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra để kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm minh các sai phạm; phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc để tăng cường sự giám sát, phản biện của nhân dân.

Ba là phải tiếp tục đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính; thiết lập cơ chế kiểm soát việc thực hiện thủ tục của các cơ quan nhà nước và cơ chế để người dân, doanh nghiệp phản hồi, đánh giá thái độ phục vụ của cán bộ để từng bước xây dựng nền hành chính hiện đại, phục vụ nhân dân. Triển khai việc cung cấp các dịch vụ công trực tuyến qua mạng để hạn chế tiếp xúc trực tiếp giữa cán bộ với người dân, doanh nghiệp giảm tiêu cực nhũng nhiễu.

Bốn là, tăng cường minh bạch trong công tác quản lý TN - MT bảo đảm sự bình đẳng trong tiếp cận các nguồn lực tài nguyên của các thành phần kinh tế, nâng cao chất lượng dự báo, xây dựng các chiến lược, quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, có tính ổn định, công bố công khai mời gọi các nhà đầu tư; thúc đẩy hoạt động khởi nghiệp.

Năm là, đổi mới trong công tác chỉ đạo điều hành, tăng cường trách nhiệm thủ trưởng đơn vị. Thủ trưởng đơn vị phải coi những bức xúc, những vấn đề của nhân dân là vấn đề cần ưu tiên giải quyết. Đồng thời, cần tăng cường cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành; giữa Bộ Tài nguyên và Môi trường với các địa phương. Đẩy mạnh ứng dụng KH - CN nhất là công nghệ thông tin trong quản lý TN - MT.

Sáu là, tăng cường vận động quần chúng tích cực tham gia quản lý tài nguyên, BVMT gắn với cuộc vận động “Toàn dân tham gia BVMT”. Phát huy vai trò giám sát, phản biện của nhân dân thông qua Mặt trận Tổ quốc Việt Nam.

Bảy là, phải làm tốt công tác cán bộ, từng bước đổi mới chế độ công vụ, công chức đề cao trách nhiệm trong hoạt động thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức và gắn chế độ trách nhiệm cùng kết quả thực thi công vụ với các chế tài về khen thưởng, kỷ luật, thăng tiến, đãi ngộ; đặc biệt là đề cao trách nhiệm và thẩm quyền của người đứng đầu. Tiếp tục nâng cao kỷ luật, kỷ cương hành chính trong hoạt động công vụ, đạo đức nghề nghiệp; thực hiện đổi mới về văn hóa trong giao tiếp, giải quyết công việc, trong phục vụ nhân dân, coi nhân dân là đối tượng được phục vụ...

Nhân dịp đầu Xuân Đinh Dậu, thông qua Báo Đại biểu Nhân dân, tôi xin dành sự tri ân sâu sắc tới lãnh đạo QH, các ĐBQH, các cơ quan của QH, cử tri và nhân dân cả nước đã ủng hộ vì đã đóng góp quan trọng cho ngành TN - MT. Tôi cũng xin được chúc lãnh đạo, cán bộ phóng viên và người lao động Báo Đại biểu Nhân dân năm mới dồi dào sức khỏe, hạnh phúc và phát triển.

- Xin trân trọng cảm ơn ông!

C. TUẤN thực hiện