Mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo tư tưởng Hồ Chí Minh

Kiến trúc sư lỗi lạc

- Thứ Hai, 14/09/2020, 06:18 - Chia sẻ
Hiện nay, chúng ta đang tập trung xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết TW4 và Nghị quyết TW6 (Khóa XII) của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu HĐND các cấp, bầu ra UBND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc nghiên cứu, vận dụng những triết lý tiên tiến, khoa học về mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng.

Phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ

Tổng khởi nghĩa tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi đã lật đổ và xóa bỏ hoàn toàn chế độ chính trị và hệ thống chính quyền thực dân phong kiến; giành chính quyền về tay Nhân dân, đưa họ từ thân phận nô lệ trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ xã hội, từ đó, nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời. Hơn 1 tuần sau ngày độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi đăng 2 bài báo với bút danh Chiến Thắng, tựa đề “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân” (Báo Cứu quốc số 40, ngày 11.9.1945),“Chính phủ là công bộc của dân” (Báo Cứu quốc số 46, ngày 19.9.1945), với những luận điểm quan trọng làm căn cứ định hướng xây dựng bộ máy chính quyền địa phương phù hợp với nguyên tắc của Nhà nước dân chủ cộng hòa, Nhà nước công bộc của dân, do dân, vì dân.

Cần tăng cường tiếp xúc, đối thoại trực tiếp với Nhân dân để kịp thời tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc.
Ảnh: Mạnh Khôi

Mở đầu bài báo “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân”, với câu từ ngắn gọn, hàm ý sâu sắc về một chính quyền dân chủ Nhân dân, nhưng ai đọc cũng hiểu, Người khẳng định: “Ủy ban nhân dân (làng, huyện, tỉnh, thành phố) là hình thức Chính phủ trong các địa phương, sau khi khởi nghĩa thắng lợi. Toàn thể nhân dân Việt Nam (trừ bọn Việt gian bị tước công quyền) từ 18 tuổi trở lên, không phân biệt trai gái, giàu nghèo, Việt Minh hay ngoài Việt Minh, ai cũng có quyền ứng cử hay bầu cử người vào các ủy ban này”. Đó là sự khẳng định như một chân lý, mà ở tầm quốc gia - trong Tuyên ngôn Độc lập ngày 2.9.1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố trước quốc dân và với thế giới rằng, Chính phủ Lâm thời của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa là Chính phủ đại biểu cho toàn dân Việt Nam, được tổ chức chặt chẽ, thống nhất từ Trung ương đến cơ sở.

Trong bài “Chính phủ là công bộc của dân”, Người tiếp tục khẳng định các UBND là hình thức Chính phủ địa phương, trọng tâm “Các công việc của Chính phủ làm phải nhằm vào một mục đích duy nhất là mưu tự do hạnh phúc cho mọi người. Cho nên Chính phủ nhân dân bao giờ cũng phải đặt quyền lợi dân lên trên hết thảy. Việc gì có lợi cho dân thì làm. Việc gì có hại cho dân thì phải tránh”. Người nhấn mạnh tiêu chuẩn cán bộ trong các UBND là “phải chọn trong những người có công tâm, trung thành, sốt sắng với quyền lợi dân chúng, có năng lực làm việc, được đông đảo dân làng tín nhiệm. Không thể nhờ tiền tài hay một thế lực gì khác mà chui vào lọt các ủy ban đó”. Với kinh nghiệm tích lũy trong hơn 30 năm hải ngoại, Người đã nhìn thấy những căn bệnh mãn tính của các Nhà nước khác và sớm cảnh báo “những cái xấu xa, thối nát”, vấn nạn chạy chức, chạy quyền, “gây bè tìm cánh, đưa người ‘trong nhà trong họ’ vào làm việc với mình trong các UBND”.

Cả hai bài báo đều kết luận nhấn mạnh các UBND phải được tổ chức, “làm việc theo một tinh thần mới, một chế độ dân chủ mới” phục vụ Nhân dân và “phải hành động đúng tinh thần tự do dân chủ đó.”.

Còn nguyên giá trị trong thời kỳ mới

75 năm trôi qua, bài báo “Cách tổ chức các Ủy ban nhân dân” và “Chính phủ là công bộc của dân” vẫn còn nguyên giá trị và rất nóng hổi trong thời kỳ mới của đất nước. Với cách viết ngắn, cô đọng, dễ hiểu nhưng chứa đựng giá trị vô cùng to lớn cả về lý luận và thực tiễn xây dựng, tổ chức, hoạt động chính quyền địa phương trong nền hành chính quốc gia theo chính thể dân chủ, cộng hòa. Đặc biệt, các bài báo được viết trong bối cảnh đất nước vừa thoát khỏi chế độ thuộc địa nửa phong kiến, mới giành được độc lập, cho thấy sự tài tình về tư duy sáng tạo và tầm nhìn xa trông rộng của Chủ tịch Hồ Chí Minh - người sáng lập Nhà nước Việt Nam kiểu mới và là kiến trúc sư lỗi lạc mô hình tổ chức chính quyền địa phương.

Hiện nay, chúng ta đang tập trung thực hiện xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ và tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả theo tinh thần Nghị quyết TW4 và Nghị quyết TW6 (Khóa XII) của Đảng; chuẩn bị bầu cử đại biểu HĐND các cấp, bầu ra UBND nhiệm kỳ 2021 - 2026. Việc nghiên cứu, vận dụng những triết lý tiên tiến, khoa học về mô hình tổ chức chính quyền địa phương công bộc của dân theo tư tưởng Hồ Chí Minh có ý nghĩa thực tiễn hết sức quan trọng.

Thứ nhất, ngay từ những ngày đầu chính quyền về tay Nhân dân, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã xác định rõ vị trí, vai trò, mô hình chính quyền địa phương (hình thức Chính phủ địa phương) với cơ cấu tổ chức UBND các cấp thống nhất chỉ 5 - 7 người, đó là điều mà ngày nay phải suy ngẫm. Cũng có ý kiến cho rằng, thời bấy giờ quản lý nhà nước ít phức tạp nên bộ máy có thể gọn nhẹ (!). Nói như vậy có chỉ đúng một nửa, vì ngày đó, trình độ cán bộ, các điều kiện, trang bị làm việc, phương tiện giao thông và công nghệ thông tin, công nghệ quản lý hành chính, năng suất lao động… không thể so sánh với thời đại 4.0 như hiện nay, nhưng chính quyền các cấp đã hoàn thành tốt nhiệm vụ vừa kháng chiến, vừa kiến quốc, đưa đất nước từng bước thoát khỏi nghèo đói, lạc hậu, phát triển đi lên.

Thứ hai, từ góc nhìn các sự kiện diễn ra ở thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hà Nội, tỉnh Đồng Nai và một số bộ, ngành, địa phương cho thấy: Xây dựng chính quyền công bộc của dân, cán bộ một lòng một dạ phục vụ dân vừa là bổn phận, trách nhiệm, vừa là mục tiêu, động lực và là lý do để bảo vệ sự tồn vong của chế độ. Bất kỳ hành động nào của cán bộ dẫn đến suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, làm trái ý dân, tha hóa quyền lực của Nhân dân đều sẽ bị nghiêm trị theo pháp luật, hoặc bị xã hội lên án như một vết nhơ không thể gột sạch.

Thứ ba, đổi mới hoàn thiện thể chế phát huy dân chủ và quyền làm chủ của Nhân dân trong đề cử, ứng cử, nhất là trong hiệp thương, bầu cử (kể cả tiến cử, đề bạt, bổ nhiệm) vào các cơ quan quyền lực nhà nước là yêu cầu thực tiễn hiện nay. Làm thế nào để các ứng cử viên nhận thấy mình thực sự cần cử tri và cử tri cần ứng viên mình chọn; nhận diện cho được những “quan cách mạng” lợi dụng uy tín của Đảng để áp đặt kiểu “Đảng cử, dân bầu”, “chui vào” bộ máy nhà nước, làm tổn thương niềm tin của Nhân dân, tổn hại uy tín và thanh danh của Đảng và chế độ ta.

THS.Nguyễn Vân Hậu