Trò chuyện đầu tuần

Kiên quyết không để trục lợi, thất thoát trong đầu tư công

- Thứ Hai, 19/10/2020, 08:09 - Chia sẻ
Trong điều kiện đầu tư khu vực ngoài Nhà nước sụt giảm do ảnh hưởng của dịch bệnh, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công cần được đẩy mạnh hơn để thực hiện mục tiêu về tổng mức đầu tư toàn xã hội nói chung và bù đắp tăng trưởng. Tuy việc đẩy nhanh tiến độ giải ngân đầu tư công và một số dự án sẽ đem lại hiệu ứng đa chiều, song Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế PHÙNG VĂN HÙNG cho rằng, khi triển khai phải nghiêm túc tuân thủ đúng quy định pháp luật liên quan, kiên quyết không để xảy ra tiêu cực, trục lợi, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân.

Khả năng chống đỡ của nền kinh tế có bước tiến lớn

- Kinh tế - xã hội sẽ là một trong những trọng tâm được đưa ra thảo luận tại Kỳ họp thứ Mười tới. Trong những tháng vừa qua, dưới sự chỉ đạo, điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, chúng ta vừa kiềm chế được dịch bệnh, vừa giữ kinh tế không rơi quá sâu. Ông nhìn nhận như thế nào về kết quả này?

Tuy dịch bệnh đã tạm thời được kiểm soát hiệu quả ở nước ta, song vẫn phải thận trọng. Bởi, dù nước ta đã kiểm soát được dịch bệnh nhưng nhiều quốc gia trên thế giới chưa kiểm soát được, diễn biến vẫn rất phức tạp, thì nguy cơ tái phát các ổ dịch không phải là không có; trong khi các hoạt động kinh tế cần được duy trì và khôi phục; chúng ta vẫn cần chuyên gia, nhà tư vấn từ nước ngoài đến làm việc; các doanh nghiệp du lịch, cơ sở lưu trú rất cần khách du lịch từ nước ngoài…

Vừa qua, một số quốc gia bước đầu đã kiểm soát được dịch bệnh muốn khôi phục hoạt động giao thương thì liệu chúng ta có mở cửa trở lại với họ không? Không chỉ họ cần chúng ta mà chúng ta cũng rất cần họ. Do vậy, bên cạnh tiến hành mở cửa dần dần để phát triển kinh tế, cần ưu tiên tiến hành các hoạt động kiểm soát dịch bệnh. Hay nói cách khác, trong điều kiện chưa tìm được vaccine, chúng ta phải tìm cách “sống chung” với dịch bệnh này một cách an toàn. 

Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phùng Văn Hùng

- Trong thời gian qua, dịch bệnh Covid-19 bùng phát nhanh chóng, gây ảnh hưởng nặng nề đến nền kinh tế thế giới. Đại dịch đã đẩy thế giới rơi vào tình trạng suy thoái nghiêm trọng về y tế, lao động, việc làm, an sinh xã hội và tác động đến trật tự kinh tế, chính trị, xã hội toàn cầu. Hầu hết các nền kinh tế lớn, các nước trong khu vực tăng trưởng âm rất sâu.

Việt Nam là nền kinh tế có độ mở lớn, hội nhập sâu rộng; hai đợt dịch Covid-19 xuất hiện ở một số địa phương đã tác động tiêu cực đến tình hình kinh tế - xã hội nước ta. Sản xuất, kinh doanh bị đình trệ, nhất là trong một số ngành công nghiệp, dịch vụ, vận tải, hàng không, du lịch... Hàng triệu lao động thiếu, mất việc làm, thu nhập giảm sâu. Tuy nhiên, phải khẳng định rằng Việt Nam đã có những giải pháp tuyệt vời trong phòng, chống dịch bệnh, đạt kết quả vượt mong đợi, được thế giới ghi nhận. Cả nước đã đồng lòng, chung sức thực hiện phương châm “chống dịch như chống giặc”, quyết tâm thực hiện cho được “mục tiêu kép”, vừa phòng, chống dịch bệnh, vừa phục hồi, phát triển kinh tế.

- Dù tình hình dịch bệnh ảnh hưởng mạnh đến kinh tế thế giới, cũng như kinh tế trong nước nhưng Chính phủ dự kiến sẽ đạt và vượt 8/12 mục tiêu được Quốc hội giao trong năm 2020. Chúng ta có nên vui sớm với thành tích này không, hay cần đánh giá thực chất hơn việc thực hiện những chỉ tiêu đó?

- Trước hết cần khẳng định, các kết quả đạt được trong 9 tháng qua rất đáng ghi nhận, nhất là khi đặt trong điều kiện kinh tế thế giới suy giảm, nhiều nền kinh tế lớn tăng trưởng âm. Nhờ các nỗ lực và giải pháp quyết liệt, đúng đắn, sáng tạo, chúng ta đã kiểm soát tốt dịch bệnh, tạo điều kiện thuận lợi cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, các hoạt động của doanh nghiệp trong và ngoài nước được duy trì. Kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm và đạt mức tăng trưởng tích cực trong bối cảnh thế giới suy thoái nghiêm trọng.

Đặc biệt, đời sống xã hội được bảo đảm, người dân tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước. Trong điều kiện dịch bệnh xảy ra nghiêm trọng như vậy, những kết quả đó đã khẳng định khả năng chống đỡ của nền kinh tế Việt Nam với khủng hoảng có bước tiến lớn. Do vậy không cần thiết phải đánh giá kỹ thành quả này.

-Thưa ông, dù chỉ tiêu tổng vốn đầu tư toàn xã hội so với GDP ước thực hiện là 33,6%, đạt mục tiêu đề ra, nhưng vẫn có một số lo ngại. Bởi lẽ, đầu tư công hiện chiếm tỷ lệ cao trong tổng vốn đầu tư toàn xã hội, mà tiến độ giải ngân còn chậm…?

- Do dịch bệnh Covid-19 lan rộng, trong khi phải tập trung cao độ để triển khai các biện pháp phòng, chống dịch bệnh; hoạt động của nhiều doanh nghiệp bị ảnh hưởng nghiêm trọng; người dân cũng có xu hướng tiết kiệm tiêu dùng hơn. Điều này khiến đầu tư của khu vực ngoài nhà nước giảm mạnh, nên việc tăng giải ngân vốn đầu tư công là hết sức cần thiết để bù đắp tăng trưởng, thực hiện mục tiêu tổng mức đầu tư toàn xã hội đã đề ra. Chính phủ triển khai nhiều giải pháp, Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ tích cực đi các địa phương đôn đốc, chỉ đạo đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn đầu tư công. Nhờ đó, tốc độ giải ngân vốn đầu tư công đã có sự chuyển biến rõ rệt; 9 tháng năm 2020 đạt gần 60% kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, những dự án đầu tư công được triển khai thời gian qua đều là dự án lớn, quan trọng của quốc gia, nếu triển khai kịp thời sẽ tạo nền tảng hạ tầng cơ sở tốt, tăng khả năng thu hút vốn đầu tư nước ngoài trong những năm tới, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp vật liệu xây dựng trong nước phục hồi và phát triển. Mặc dù cần thiết phải đẩy mạnh tốc độ đầu tư công, nhưng khi triển khai cần được kiểm tra, giám sát chặt chẽ, bảo đảm tuân thủ đúng quy định của pháp luật liên quan, không để xảy ra tiêu cực, trục lợi, gây thất thoát tài sản của Nhà nước và nhân dân.

GDP vẫn là chỉ tiêu quan trọng với Việt Nam

-  Nhìn rộng hơn trong giai đoạn 2016 - 2020, nếu không xảy ra dịch bệnh Covid-19, đây có lẽ sẽ là kế hoạch phát triển KT - XH 5 năm đầu tiên trong vòng 15 năm vừa qua, chỉ tiêu GDP có thể cán đích..., thưa ông?

- Đúng là nếu không có dịch bệnh Covid-19, khả năng chỉ tiêu tăng trưởng GDP cho giai đoạn 2016 - 2020 cán đích là rất cao. Nhưng không phải vì lý do này mà cần giữ chỉ tiêu GDP. Chỉ tiêu này sẽ vẫn đóng vai trò quan trọng trong điều kiện Việt Nam đang ở vị trí là quốc gia đang phát triển. Hiện nay, quy mô nền kinh tế của ta còn hết sức khiêm tốn. Năm 2019, quy mô nền kinh tế Việt Nam đạt mức cao nhất, 262 tỷ USD. Đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng sẽ thúc đẩy phát triển, tăng quy mô nền kinh tế. Ngoài ra, đẩy mạnh tốc độ tăng trưởng cũng phù hợp nhu cầu đầu tư vào hạ tầng cơ sở rất lớn; tác động đến nhiều yếu tố như tăng thu nhập bình quân đầu người, tạo nhiều hơn việc làm cho người dân, bảo đảm an sinh xã hội…

Đối với một quốc gia đã phát triển, khi quy mô của nền kinh tế đã đủ lớn, họ sẽ ưu tiên một số chỉ tiêu khác nhằm bảo đảm chất lượng tăng trưởng cao hơn. Đối với nước ta, dù các chỉ tiêu khác hiện không thể xem nhẹ, song chỉ tiêu GDP sẽ luôn có vai trò quan trọng, bởi tăng trưởng để tái đầu tư, đưa quy mô nền kinh tế lớn mạnh lên. Sự quan tâm đến các chỉ tiêu khác cần thực hiện từng bước.

- Tình hình trong những năm tới được dự báo sẽ còn khó khăn, dịch bệnh sẽ khiến thế giới chưa thể quay lại trạng thái bình thường ngay trong một, hai năm tới. Trong bối cảnh mới này, theo ông, cần có những chính sách mới nào để chuyển khó khăn thành cơ hội bứt phá?

- Dự báo cho thấy, trong các năm 2021 và 2022, thế giới vẫn phải vừa lo chống dịch, vừa lo phục hồi kinh tế. Khả năng có thể đến năm 2023, tình hình mới bình thường trở lại. Bối cảnh mới, chính sách cũng phải mới. Chúng ta cần đánh giá toàn diện tác động của đại dịch Covid-19 cả trong ngắn hạn và dài hạn để có những giải pháp phù hợp, nếu có thể biến nguy thành cơ sẽ càng tốt. Đây chính là vấn đề đặt ra không chỉ với các cơ quan nhà nước mà mỗi doanh nghiệp, mỗi chúng ta cần trăn trở, suy nghĩ. Các cơ hội, lợi thế này có thể giúp Việt Nam phát triển bứt phá, nhưng cũng có thể "vuột khỏi tầm tay" chỉ vì người khác đã "nhanh chân" hơn chúng ta.

- Xin cảm ơn ông!

Thanh HảiThanh Hải thực hiện