Kiến nghị giải pháp về phát triển năng lượng tái tạo

- Thứ Năm, 29/10/2020, 10:04 - Chia sẻ
Cần chính sách phát triển năng lượng bền vững cũng như thúc đẩy hợp tác quốc tế và nâng cao năng lực hoạch định chính sách phục vụ phát triển bền vững ngành năng lượng tái tạo góp phần thúc đẩy thực hiện Nghị quyết số 55-NQ/TW về định hướng Chiến lược phát triển năng lượng quốc gia của Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.

Đây là nội dung chính được các đại biểu đưa ra tại Diễn đàn “Nghị quyết 55-NQ/TW và các giải pháp thúc đẩy phát triển năng lượng tái tạo Việt Nam” do Tạp chí Diễn đàn Doanh nghiệp (VCCI) phối hợp với Hội đồng tư vấn Khoa học, Giáo dục và Môi trường, Uỷ ban Trung ương MTTQ Việt Nam tổ chức chiều ngày 28.10.  

Tiềm năng phát triển năng lượng tái tạo

Theo TS Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên thực tế, năng lượng là bài toán quan trọng và phức tạp mà mọi quốc gia đều phải đối mặt trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội. Tại Việt Nam, nền kinh tế phát triển với tốc độ cao, kéo theo đó là sự gia tăng mạnh mẽ nhu cầu về năng lượng. Đây là vấn đề đang đặt ra nhiều thách thức rất lớn khi mà các nguồn năng lượng sơ cấp như than đá, dầu khí…đang cạn kiệt, không đủ cho nhu cầu trong nước.

Nhu cầu điện trong giai đoạn 2021 – 2025 sẽ gặp nhiều khó khăn với tình trạng thiếu điện trầm trọng, dự báo năm 2023 có thể thiếu tới 13 tỷ kWh, trong khi đã phải phát điện dầu gần 11 tỷ kWh. Đến hết năm 2023, công suất nguồn điện bị thiếu hụt so với quy hoạch lên tới 12.690 MW. Tình trạng thiếu hụt nguồn điện sẽ được cải thiện trong các năm 2024 và 2025 do đưa vào vận hành một số nhà máy nhiệt điện, nhưng dự báo đến hết năm 2025, nguồn điện sẽ vẫn còn thiếu hụt khoảng 7.250 MW.

Đồng quan điểm, Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam Nguyễn Văn Vy cho rằng, trong bối cảnh nền kinh tế tiếp tục mở rộng, nhu cầu sử dụng năng lượng điện của Việt Nam sẽ ngày càng tăng. Trong gần mười năm qua, sản lượng điện sản xuất đã tăng hơn 2,3 lần, từ 101,4 tỷ kWh vào năm 2010 lên gần 235 tỷ kWh vào năm 2019. Sản lượng điện của Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh, với tốc độ trung bình hàng năm là 5,6%, từ 245 tỷ kWh năm 2020 lên 950 tỷ kWh vào năm 2045. Tuy nhiên, tỷ lệ sử dụng nhiên liệu hóa thạch còn cao sẽ ảnh hưởng lớn đến biến đổi khí hậu và an ninh năng lượng do đó, do đó việc phát triển năng lượng tái tạo cần được quan tâm để phát triển nhanh trong thời gian tới.

Theo ông Nguyễn Văn Vy, năng lượng tái tạo của Việt Nam đang có tiềm năng phát triển cao, như: tiềm năng các nguồn điện gió: Các tỉnh, thành phố ven biển và các tỉnh cao nguyên của Việt Nam có tiềm năng phát triển điện gió; tổng tiềm năng kỹ thuật khoảng 377 nghìn MW, trong đó điện gió trên đất liền khoảng 217 nghìn MW, trên mặt biển khoảng 160 nghìn MW; tiềm năng các nguồn điện mặt trời, trong điều kiện khí hậu nhiệt đới như Việt Nam, nguồn năng lượng mặt trời sử dụng hầu như quanh năm. Tổng tiềm năng điện mặt trời của Việt Nam khoảng 434 nghìn MW; trong đó: điện mặt trời quy mô lớn mặt đất khoảng 309 nghìn MW; trên mặt nước khoảng 77 nghìn MW; trên mái nhà khoảng 48 nghìn MW. Tiềm năng các nguồn năng lượng sinh khối có thể được sử dụng để phát điện với tổng công suất khoảng 8500 MW.

Chính sách cho năng lượng tái tạo

Ông Nguyễn Văn Vy cho biết, hiện nay việc thiếu các chính sách và quy định hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo có thể cản trở việc áp dụng nguồn năng lượng này. Do bản chất của cấu trúc năng lượng tái tạo, thị trường năng lượng tái tạo cần có các chính sách và thủ tục pháp lý rõ ràng để tăng sự quan tâm của các nhà đầu tư.

Một trong những bất cấp đến từ cơ chế áp dụng biểu giá hỗ trợ (giá FIT). Theo đó, tại Quyết định số 13/2020/QĐ-TTg ngày 6.4.2020 của Thủ tướng Chính phủ giá FIT chỉ áp dụng với các dự án đưa vào vận hành thương mại trước ngày 1.1.20021. Như vậy, từ đầu năm 2021, các dự án điện mặt trời không được áp dụng biểu giá FIT, trong khi cơ chế đấu thầu chưa được ban hành.

Do vậy, ông Vy cho rằng Bộ Công thương cần sớm hoàn thiện Chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển năng lượng tái tạo, trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Trong đó cần đề ra các văn bản quy phạm pháp luật, các quy định cần thiết cần ban hành.

Cùng với đó, hiện còn thiếu các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng cho các công nghệ năng lượng tái tạo, điều này cũng gây nhiều khó khăn cho chủ đầu tư các dự án, cũng như cho các cơ quan quản lý nhà nước.

Hiện giá giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo được áp dụng thống nhất trong cả nước có thể dẫn đến hạn chế nguồn lực cho phát triển. Đất nước trải dài từ Bắc đến Nam với gần 2.000 km với nhiều vùng khí hậu khác nhau, do đó nếu lựa chọn theo mức bình quân sẽ dẫn đến hiện tượng tập trung đầu tư vào khu vực có tốc độ gió, bức xạ tốt, trong khi không thu hút được đầu tư vào khu vực có tốc độ gió, bức xạ thấp. Do đó, cần ban hành biểu giá FIT cho các nguồn năng lượng tái tạo theo một số vùng.

Giá FIT cho các dự án năng lượng tái tạo được áp dụng chung, không phân biệt quy mô sẽ dẫn đến bất cập, các dự án có quy mô lớn sẽ mang lại hiệu quả cao hơn các dự án có quy mô nhỏ hơn nếu có các điều kiện tự nhiên tương tự. Đề nghị giá FIT thay đổi theo quy mô công suất áp dụng đối với các dự án có quy mô vừa và nhỏ. Đối với các dự án có quy mô lớn, thực hiện theo cơ chế giá bán điện được xác định trên cơ sở đàm phán Hợp đồng mua bán điện giữa chủ đầu tư và đơn vị mua điện, tương tự như tại các dự án điện (thủy điện, nhiệt điện than, nhiệt điện khí,..) đã và đang thực hiện. “Các cơ quan quản lý cần đưa ra các chính sách với các điều kiện tạo ra môi trường đầu tư ổn định và có thể dự đoán được, giúp vượt qua các rào cản và đảm bảo dự đoán được dòng doanh thu của các dự án. Tuy nhiên, các cơ chế hỗ trợ phát triển năng lượng tái tạo chưa đưa ra được định hướng lâu dài” – Phó Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam nhận định.

Chia sẻ về cơ chế chính sách và tài chính cho phát triển năng lượng tái tạo, Giám đốc điều hành Tổ chức Sáng kiến về dịch chuyển Năng lượng Việt Nam (VIET) Ngô Thị Tố Nhiên cho rằng, nên chăng cơ quan địa phương tạo điều kiện doanh nghiệp chia sẻ lợi ích sử dụng nguồn đất đai với chính quyền sở tại, chia sẻ lợi nhuận hàng năm từ bán điện - đây là việc chia sẻ lợi ích một cách toàn diện. Điều này giúp người dân trong khu vực thấy được lợi ích, bảo vệ cánh đồng điện của mình, chính quyền địa phương có thêm nguồn thu nhập phục vụ công cộng, đây là giải pháp cân bằng lợi ích về đất.

Thứ hai là vấn đề cơ chế tài chính cho các nhà máy điện gió, điện mặt trời ở Việt Nam. Tại sao chỉ có điện mặt trời lại phải đấu giá trong khi nhà máy điện gió lại không cần? Điện mặt trời thời gian triển khai nhanh hơn so với điện gió. Việc dự thảo tổ chức đấu giá điện mặt trời là động thái tích cực từ chính phủ để tiếp nhận nguồn điện mặt trời lên lưới ở khu vực phù hợp giúp doanh nghiệp phát đầy đủ công suất. Nếu đấu giá sẽ tìm được các trạm biến áp còn tải để doanh nghiệp có thể đầu tư phát đầy đủ công suất.

Nếu áp dụng giá FIT khiến tất cả đều hòa lưới điện khiến giảm công suất của các nhà máy mà lại gây lãng phí đầu tư của xã hội trong tương lai nên đấu giá là giải pháp tốt cho phát triển trong tương lai của năng lượng tái tạo.

Minh Hương