Kỳ họp thứ 21, HĐND tỉnh Quảng Ninh Khóa XIII

Kiên định mục tiêu giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng

- Thứ Năm, 10/12/2020, 06:47 - Chia sẻ
Thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội, về các nghị quyết quan trọng tại kỳ họp, nhiều đại biểu đánh giá cao công tác chỉ đạo, điều hành của các cấp chính quyền trong năm 2020. Kết quả đó được thể hiện tích cực, toàn diện trên mọi mặt của đời sống xã hội. Dẫu vậy theo các đại biểu, trong năm 2021, nhiệm vụ hoàn thành các chỉ tiêu nghị quyết HĐND tỉnh đề ra rất nặng nề, đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt với quyết tâm cao. Quan trọng nhất là phải giải mã nguyên nhân các chỉ tiêu còn thấp, xác định rõ các dư địa có tiềm năng, để tập trung nguồn lực khai thác hiệu quả, đóng góp tích cực vào mục tiêu giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong bối cảnh bình thường mới.

Khẳng định rõ hơn vai trò của địa phương

2020 là một năm rất đặc biệt đối với Quảng Ninh. Dù gặp không ít thách thức song với sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo điều hành; huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị cũng như sự đồng thuận, nhất trí, đoàn kết của nhân dân, tỉnh đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, toàn diện trên các lĩnh vực. Theo đó, tỉnh đã chủ động xây dựng kịch bản tăng trưởng kinh tế; hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp; xây dựng chính sách kích cầu du lịch kịp thời, khôi phục phát triển kinh tế, lấy lại đà tăng trưởng khi bước sang trạng thái bình thường mới. Từ đó, đã góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu kế hoạch đặt ra là tăng trưởng kinh tế đạt 2 con số, cả năm ước đạt 10,5%, là mức tăng trưởng cao trong bối cảnh dịch Covid-19.

	Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn phát biểu tại phiên thảo luận tổ
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn phát biểu tại phiên thảo luận tổ

Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định: Kết quả của năm 2020 đến thời điểm này là minh chứng cho tinh thần kỷ luật đồng tâm, ý chí hành động và sự nỗ lực rất lớn và quyết tâm cao của toàn Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, cộng đồng doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh. Thành công trong thời điểm khó khăn đã khẳng định rõ hơn vai trò của tỉnh Quảng Ninh trong đóng góp chung cho khu vực và quốc gia, tạo ra động lực mới, khí thế mới cho năm 2021 và những năm tiếp theo...

Tại kỳ họp, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá làm rõ thêm nguyên nhân và bài học kinh nghiệm để thực hiện hiệu quả "mục tiêu kép" vừa bảo đảm công tác phòng, chống dịch, vừa thực hiện các mục tiêu tăng trưởng, phục hồi kinh tế. Đại biểu Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh nhấn mạnh: Đối với ngành Du lịch, tỉnh đã có nhiều quyết sách quan trọng, kịp thời, linh hoạt, tạo điều kiện rất lớn để Quảng Ninh tiếp tục ghi dấu ấn là một điểm đến an toàn, hấp dẫn...

Đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ

Đối với năm 2021, các đại biểu HĐND tỉnh thống nhất cao với chủ đề năm: "Giữ vững địa bàn an toàn và đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới; đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội; thúc đẩy liên kết vùng". Về các chỉ tiêu kinh tế, thống nhất giữ tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt khoảng 10%; thu ngân sách nội địa phấn đấu mức tăng cao nhất, phù hợp với mục tiêu tăng trưởng (tăng 10% so với năm 2020)...

Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Tường Văn nhấn mạnh: Tỉnh xác định kịch bản kinh tế năm 2021 vẫn phải đặt trong bối cảnh có dịch Covid-19. Trong đó, tạo điều kiện tốt nhất để ngành Than phát triển sản xuất kinh doanh bền vững, tăng tối đa sản lượng (cả sản xuất và xuất khẩu) và tập trung giải quyết than tồn kho. Đồng thời, tạo đột phá mới trong tăng trưởng của khu vực công nghiệp chế biến, chế tạo; tận dụng tối đa cơ hội đón bắt các dòng vốn dịch chuyển đầu tư. Cùng với đó, cần tìm ra dư địa ở một số lĩnh vực khác. Đặc biệt, nêu cao vai trò, trách nhiệm quyết tâm cao của các đại biểu HĐND tỉnh, những người đứng đầu các cấp ngành, địa phương cùng chung sức, đồng lòng thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra.

Khẳng định trách nhiệm của các sở, ngành, địa phương trong phối hợp, tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các đề án, chương trình nhằm nâng cao đời sống Nhân dân, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo, đại biểu Ngô Hoàng Ngân, Phó Bí thư Thường thực Tỉnh ủy nhấn mạnh: Để các nghị quyết, chỉ tiêu, nhiệm vụ, giải pháp sớm được cụ thể hóa, triển khai sâu rộng, thực sự đi vào cuộc sống, với tư cách là người đứng đầu các sở, ngành, địa phương, các đại biểu cần tiếp tục phát huy, làm tốt hơn nữa vai trò, trách nhiệm, tham mưu kịp thời, đúng đắn cho UBND ban hành các quyết sách quan trọng trong từng vấn đề cụ thể.

Đại biểu Dương Mạnh Cường thì đánh giá: Việc quan tâm tạo điều kiện phát triển đồng bộ, từng bước thu hẹp khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các địa phương biên giới, miền núi với các đô thị trên địa bàn là giải pháp hết sức cần thiết để tạo đà phát triển ổn định trong toàn tỉnh. Trên cơ sở này, việc xây dựng Nghị quyết phân cấp nhiệm vụ chi phát triển, nguyên tắc, tiêu chí và định mức phân bổ vốn đầu tư công nguồn ngân sách địa phương giai đoạn 2021 - 2025 tỉnh cần quan tâm đến việc ưu tiên dành nguồn lực đầu tư, hỗ trợ cho các vấn đề bảo đảm an sinh xã hội, hạ tầng phát triển của các địa phương vùng sâu, vùng xa như: nhà máy xử lý nước sạch, ổn định đời sống dân cư di dân ra khu vực biên giới.

Đại biểu Hoàng Bá Nam, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ (KH - CN) thì đề nghị: Tỉnh cần tiếp tục quán triệt sâu sắc KH - CN cùng với giáo dục - đào tạo là quốc sách hàng đầu, là động lực then chốt để phát triển nhanh, mạnh, bền vững; đóng vai trò chủ đạo, tạo bước đột phá về lực lượng sản xuất; phát triển nguồn nhân lực theo chiến lược “Đào tạo tại chỗ, nhập cư lao động và hợp tác chuyên gia”; rà soát, củng cố, nâng cao chất lượng mạng lưới trường đại học, cao đẳng dạy nghề, mở rộng chuyên ngành đào tạo của Trường Đại học Hạ Long.

Cùng với đó, theo đại biểu Hoàng Bá Nam, cần tiếp tục cụ thể hóa triển khai Quy hoạch phát triển KH - CN tỉnh Quảng Ninh. Xây dựng các chương trình khung KH - CN trọng điểm tại các huyện, thị, thành phố nhằm cụ thể hóa, có mục tiêu, bảo đảm tính liên ngành và tạo đột phá về việc ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất, đời sống. Đổi mới toàn diện, mạnh mẽ, đồng bộ hệ thống tổ chức, cơ chế quản lý, hiệu quả quản lý nhà nước về KH - CN; xây dựng cơ chế thí điểm về tài chính, giao quyền sở hữu tài sản, cơ chế hợp tác công - tư, gắn hoạt động KH - CN với cơ chế thị trường; tăng cường hoạt động đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, thúc đẩy xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp; phát triển doanh nghiệp KH -CN; khuyến khích đổi mới công nghệ, xác lập quyền sở hữu trí tuệ; mở rộng hoạt động quỹ phát triển KH - CN…

TUẤN NGUYÊN