Kiểm soát quyền lực thông qua chất vấn

- Chủ Nhật, 19/12/2021, 06:46 - Chia sẻ
Chất vấn là hình thức Nghị viện yêu cầu Chính phủ và các thành viên của Chính phủ giải trình về một vấn đề nào đó bằng trực tiếp hoặc văn bản. Là một trong những công cụ giám sát quan trọng, chất vấn cũng là biện pháp để Nghị viện hạn chế nguy cơ lạm dụng quyền hạn của cơ quan hành pháp, thúc đẩy trách nhiệm giải trình của Chính phủ trước cơ quan dân biểu.

Ở Pháp, thủ tục chất vấn được đưa vào chương trình nghị sự của Quốc hội từ năm 1875 và hình thức chất vấn bằng văn bản được bổ sung từ năm 1910. Chất vấn trực tiếp được tiến hành theo hai hình thức: chất vấn có thảo luận và chất vấn không thảo luận.

Mỗi tuần, ít nhất Nghị viện phải ưu tiên dành một buổi họp để các nghị sĩ chất vấn các thành viên Chính phủ. Các bộ trưởng của Chính phủ có nghĩa vụ trả lời các câu hỏi chất vấn của thành viên Nghị viện, đồng thời phải có trách nhiệm tham dự các phiên họp khi Nghị viện thảo luận về các dự án luật liên quan đến lĩnh vực phụ trách. Các câu hỏi chất vấn trực tiếp được yêu cầu ngắn gọn và có nhiều tính chất thời sự… Phiên họp này là thời điểm quan trọng trong tuần làm việc của Quốc hội.

Nghị viện Anh chất vấn Chính phủ vào các ngày đối lập. Vào các ngày đó, các nghị sĩ đặt câu hỏi đối với các thành viên Chính phủ và các thành viên này phải có trách nhiệm trả lời chất vấn. Mọi câu hỏi chất vấn đều do các nghị sĩ thuộc các đảng đối lập trong Nghị viện đưa ra. Thủ tướng và các thành viên nội các có quyền từ chối việc trả lời chất vấn, song thủ tục của việc từ chối này rất phức tạp, những vấn đề từ chối phải được Nghị viện thảo luận và nhất là phải nêu rõ lý do từ chối việc trả lời. Ở Anh, các chất vấn của Nghị sĩ được Đoàn chủ tịch Nghị viện phân ra các loại: chất vấn các vấn đề liên quan đến gia đình Nữ hoàng; liên quan đến các quyết định của Tòa án; liên quan đến hệ thống pháp luật và những vấn đề khác…

Quốc hội Mỹ thường xuyên tiến hành hoạt động điều trần đối với cơ quan hành pháp. Việc điều trần được thực hiện để thu thập ý kiến về một dự luật, điều tra về một vấn đề hoặc giám sát, đánh giá hoạt động của Chính phủ. Không giống hoạt động chất vấn thường tiến hành tại các kỳ họp toàn thể của nghị viện các nước, hoạt động điều trần ở Mỹ được thực hiện tại các ủy ban, tiểu ban của Nghị viện, thậm chí một nhóm nghị sĩ cũng có thể tổ chức điều trần và được tiến hành ngay khi nảy sinh các vấn đề kinh tế - xã hội cấp thiết. Bởi vậy, điều trần giúp cơ quan lập pháp thu thập được thông tin một cách nhanh chóng, kịp thời. Giới hành pháp sẽ phải giải trình, đưa ra giải pháp một cách thuyết phục về vấn đề liên quan. Các phiên điều trần là dịp để Nghị viện đặt ra các câu hỏi cho ngành hành pháp. Trên thực tế, do điều trần là một hoạt động mang tính công khai, có sự tham gia của giới truyền thông nên Chính phủ thường phải chuẩn bị tài liệu, chứng cứ rất kỹ càng.

Ở Cộng hòa Liên bang Đức, các chất vấn của Nghị viện được chia làm ba loại: chất vấn “lớn”, chất vấn “nhỏ” và những vấn đề “riêng lẻ”. Chất vấn “lớn” là chất vấn được đưa ra khi thảo luận các chương trình của Chính phủ và các dự án quan trọng như ngân sách nhà nước, chính sách đối ngoại… Việc trả lời những chất vấn này phải được thảo luận ở hội trường và được gọi là “thảo luận lớn”. Những chất vấn liên quan đến dự án luật và các loại văn bản khác là những chất vấn “nhỏ”, được gọi là "thảo luận nhỏ” mà trong đó các đảng phải được phát biểu không quá hai người.

Chất vấn “lớn” và “nhỏ” về nguyên tắc phải được đưa sớm để người được chất vấn chuẩn bị trả lời. Nhiều chất vấn được đưa tới các ủy ban, các ban của Nghị viện thảo luận trước. Những chất vấn khác là chất vấn riêng lẻ, phải được đưa vào một thời gian quy định trước. Chất vấn của nghĩ sĩ lên tới hàng nghìn. Hàng năm chỉ riêng Bộ Ngoại giao đã phải trả lời từ 1.800 đến 2.000 chất vấn.

Ở Phần Lan, chất vấn thường được đưa ra dưới dạng văn bản, nhưng trả lời thì có thể bằng miệng. Trong những trường hợp từ chối việc trả lời thì phải thông báo lý do. Nếu chất vấn nào được trên 20 nghị sĩ ủng hộ thì phải trả lời chậm nhất là sau 15 ngày kể từ ngày nhận được chất vấn. 

Theo quy định, Nghị viện Ấn Độ thường dành thời gian đầu giờ các phiên họp buổi sáng để thảo luận các chất vấn, sau đó mới xem xét các vấn đề khác. Nếu là chất vấn bằng văn bản thì được công bố trong các ấn phẩm của Nghị viện.

Quỳnh Vũ