Nhịp cầu

Kiểm soát, phòng ngừa các sự cố môi trường

- Thứ Ba, 12/01/2021, 05:45 - Chia sẻ

Thực hiện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) trên địa bàn năm 2020, UBND tỉnh Kon Tum đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tham mưu ban hành các văn bản phục vụ kịp thời một số vấn đề phát sinh. Công tác truyền thông, giáo dục được các cấp, ngành, địa phương quan tâm. Phong trào “Chống rác thải nhựa” được hưởng ứng triển khai mạnh mẽ. Mạng lưới quan trắc môi trường cố định và đang triển khai nhiệm vụ “xây dựng hệ thống quan trắc môi trường tỉnh Kon Tum giai đoạn 2021 - 2025 đến tầm nhìn đến năm 2030”; hệ thống quan trắc nước thải công nghiệp tự động liên tục đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận…

Bên cạnh những kết quả đạt được, thẩm tra nội dung này, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Kon Tum nhận thấy: Bộ máy quản lý nhà nước về môi trường dù đã được kiện toàn nhiều lần nhưng vẫn chưa đồng bộ và thống nhất, chưa tương xứng với chức năng, nhiệm vụ được giao; cán bộ làm công tác BVMT còn thiếu, yếu chưa đáp ứng yêu cầu. Công tác tuyên truyền còn chưa được đổi mới, hiệu quả còn hạn chế; vốn đầu tư cho hoạt động BVMT chưa cao; chưa có giải pháp căn bản cho việc thu gom, xử lý chất thải rắn sinh hoạt tại các xã, việc xử lý chất thải rắn bằng hình thức chôn lấp không hợp vệ sinh gây ô nhiễm môi trường. Điều đáng nói là, tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép gây ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường sinh thái, chưa được ngăn chặn triệt để; tình trạng ô nhiễm môi trường do chăn nuôi gia súc trong khu dân cư chưa được khắc phục. Vi phạm môi trường tại các điểm mỏ khai thác khoáng sản vẫn còn diễn ra.

Từ thực tế trên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND tỉnh Kon Tum nhấn mạnh, UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo một số nội dung trọng tâm để nâng cao hiệu quả công tác BVMT trên địa bàn. Đó là việc tiếp tục phổ biến, tuyên truyền kết hợp với tăng cường kiểm tra, giám sát để nâng cao nhận thức về BVMT nói chung, nhất là đối với đội ngũ cán bộ chủ chốt nhằm tạo chuyển biến căn bản về ý thức trách nhiệm và sự chủ động trong công tác BVMT. Cùng với đó, rà soát, khoanh vùng các đối tượng có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường, rủi ro xảy ra sự cố môi trường và có các biện pháp kiểm soát chặt chẽ hoạt động xả thải, phòng ngừa các sự cố môi trường bằng các biện pháp kỹ thuật - công nghệ phù hợp. Tăng cường thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định về BVMT đối với các cơ sở sản xuất kinh doanh gây ô nhiễm cao, các khu chăn nuôi tập trung trong các khu dân cư; phát động có hiệu quả phong trào chống rác thải nhựa; triển khai xây dựng đề án mạng lưới quan trắc môi trường; thực hiện các dự án điều tra và xây dựng cơ sở dữ liệu môi trường.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cần quan tâm bố trí đủ kinh phí chi cho sự nghiệp BVMT; tăng cường theo dõi, giám sát việc quản lý, sử dụng nguồn chi hiệu quả, có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm chi đúng mục tiêu. Cùng với đó, kịp thời kiến nghị với các bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện Dự án “Điều tra, đánh giá, phân loại  và xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về nguồn thải” xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về môi trường thống nhất từ Trung ương đến địa phương. Sớm ban hành các chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước hỗ trợ mục tiêu giải quyết các vấn đề ô nhiễm môi trường.

HẢI LÂM