Chọn nhân sự - Lựa nhân tài:

Khuyến khích người dám làm, dám đổi mới

- Thứ Hai, 31/08/2020, 08:17 - Chia sẻ
Đảng ta đã có chủ trương và Bộ Chính trị đang xây dựng quy định về khuyến khích, bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đổi mới, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Nguyên Phó Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương ĐÀO DUY QUÁT cho rằng, cần sớm ban hành quy định này vì đây sẽ là bước đi quan trọng “cởi trói”, “giải phóng” cho đội ngũ cán bộ trong thực hiện nhiệm vụ.

Chọn cán bộ phải dựa vào dân

- Ngoài việc đánh giá cán bộ thì việc sàng lọc cán bộ cũng không hề đơn giản. Làm thế nào để bảo đảm việc sàng lọc, lựa chọn cán bộ phát huy hiệu quả, giúp chúng ta lựa được những người thật sự đủ đức, đủ tài vào cấp ủy khóa mới. Thực tế cho thấy, không ít trường hợp đúng quy trình, đủ tiêu chuẩn, nhưng vẫn xảy ra vi phạm đến mức phải thi hành kỷ luật Đảng, thậm chí là xử lý hình sự như vừa qua, thưa ông?

- Chọn được những cán bộ đủ đức, đủ tài để giới thiệu và bầu vào cấp ủy khóa mới là công việc rất quan trọng. Do đó, việc sàng lọc nhân sự đã được các cấp ủy, các ban của Đảng tích cực triển khai thực hiện thường xuyên, liên tục. Qua theo dõi, tôi thấy, tất cả đơn thư tố cáo, kiến nghị liên quan đến nhân sự dự kiến được bầu vào cấp ủy đều được các cơ quan, tổ chức của Đảng xem xét, rà soát cẩn thận. Việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo bảo đảm hai mục tiêu: đối với những đơn thư nào vu cáo, vu khống, bôi nhọ danh dự, nhân phẩm của người khác thì kiên quyết xử lý; còn với những đơn thư đúng là “có vấn đề” thì phải lập tức xem xét, thanh tra, kết luận và nếu phát hiện cán bộ bị tố cáo có vi phạm thì phải đưa ra khỏi danh sách bầu cử.

Việc sàng lọc, lựa chọn cán bộ không chỉ là việc của riêng các tổ chức Đảng, quan trọng hơn, theo tôi, phải dựa vào dân để bảo đảm phát huy hiệu quả. Đảng ta đã có cơ chế để Mặt trận Tổ quốc các cấp tham gia giám sát, phản biện xã hội. Như vậy là cơ chế dân chủ rất rõ trong công tác cán bộ, giúp chúng ta sàng lọc cán bộ. Cũng phải nói thêm rằng, khi sàng lọc, lựa chọn cán bộ, chúng ta xác định được cán bộ đó là tốt nhưng không loại trừ trường hợp khi cán bộ có được vị trí, quyền lực nhất định thì bị tha hóa bởi cám dỗ, lợi ích nhóm, bên cạnh đó là các thế lực thù địch dụ dỗ, lôi kéo, mua chuộc, làm hư hỏng cán bộ.

- Các yêu cầu, tiêu chuẩn, quy trình trong công tác cán bộ rất chặt chẽ nhưng vì sao chúng ta vẫn phát hiện nhiều trường hợp cán bộ không đủ tiêu chuẩn, năng lực được bổ nhiệm vào các vị trí lãnh đạo cấp cao, thưa ông?

- Quá trình lựa chọn, sàng lọc cán bộ của chúng ta mặc dù đã rất kín kẽ nhưng vẫn còn có những sơ hở. Chúng ta có nhiều cơ chế để kiểm soát nhưng cơ chế quan trọng nhất là công khai, dân chủ để nhân dân tham gia kiểm tra, giám sát cán bộ. Do đó, cần phát huy vai trò của nhân dân trong tham gia xây dựng đội ngũ cán bộ.

Tác động tiêu cực của cơ chế thị trường, sự suy thoái về đạo đức, lối sống của một bộ phận cán bộ, đảng viên là yếu tố khách quan nhưng yếu tố chủ quan là chế độ, chính sách đãi ngộ, bồi dưỡng cán bộ của ta chưa tương xứng. Ví dụ, với cán bộ, công chức có quyền lực mà tiền lương không đủ để tái sản xuất giản đơn cho gia đình thì không dễ để cán bộ vượt qua được sự cám dỗ của tiền bạc, cải vật chất. Vì vậy, chiến lược về công tác cán bộ cần phải gắn liền với các chính sách lương, nhà ở cho cán bộ.

Bài học của Singapore cho thấy, để thu hút được người tài hoạt động trong khu vực công, Chính phủ Singapore thường căn cứ thu nhập của khối tư nhân để đưa ra mức lương cho công chức. Theo đó, cán bộ, công chức Nhà nước Singapore được hưởng lương ở mức cạnh tranh cao so với khu vực tư nhân và gắn liền với đó là cơ chế quản lý, giám sát cán bộ rất chặt chẽ. Nếu cán bộ vi phạm thì sẽ bị xử lý rất nghiêm.

Do đó, vấn đề đặt ra trong công tác cán bộ phải là sự đồng bộ của cơ chế, chính sách.

Bước đi quan trọng “cởi trói” cho cán bộ

- Thực tế, trong đội ngũ cán bộ hiện nay cũng có một bộ phận không nhỏ an phận, giữ mình. Theo ông vì sao lại như vậy?

- Thực tế cho thấy, một số cơ chế, quy định về quản lý nhà nước của ta đã lỗi thời, lạc hậu nhưng chưa kịp sửa đổi. Điều này khiến nhiều cán bộ, nhất là cán bộ giỏi cũng nản chí vì nếu làm trái quy định là bị xử lý kỷ luật; đồng thời, cũng khiến không ít cán bộ có tâm lý cầu toàn, sợ chịu trách nhiệm dẫn đến nhiều lĩnh vực bị trì trệ, chậm phát triển.

Một ví dụ để thấy rõ hơn thực trạng này là trong tháng 7 vừa qua, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã có cuộc họp với các địa phương Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và vùng Tây Nguyên. Trong 102 kiến nghị mà các tỉnh, thành phố đưa ra, có tới 35 kiến nghị thuộc nhóm kiến nghị về cơ chế, chính sách; 39 kiến nghị liên quan tới các chương trình, dự án đầu tư công... Cũng tại cuộc họp này, có đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã đứng lên phát biểu rằng, do nhiều vướng mắc về cơ chế nên anh em không dám làm vì nếu làm thì bỗng một ngày đẹp trời có thể bị xử lý kỷ luật. Chính vì thế, cần tháo gỡ được điểm nghẽn này nhằm tạo đột phá trong việc thực thi chức năng, nhiệm vụ của cán bộ.

Để xây dựng được đội ngũ cán bộ mạnh, bên cạnh việc giáo dục, bồi dưỡng, rèn luyện cán bộ và có cơ chế giám sát, kịp thời phát hiện và đấu tranh xử lý sai phạm của cán bộ thì chúng ta cũng cần có cơ chế nhằm khuyến khích, bảo vệ những cán bộ dám làm, dám đổi mới trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ.

- Tại Phiên họp thứ 18 của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng mới đây, Tổng Bí thư, Chủ tịch Nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu sớm ban hành quy định về khuyến khích và bảo vệ cán bộ, đảng viên dám nghĩ, dám làm, dám đột phá, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung trong thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Theo ông, việc ban hành quy định như vậy sẽ có ý nghĩa như thế nào?

- Đây sẽ là bước đi quan trọng nhằm “cởi trói”, “giải phóng” cho đội ngũ cán bộ của nước ta trong thực hiện nhiệm vụ. Cơ chế này sẽ giúp chúng ta phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong lực lượng cán bộ, có như vậy mới bảo đảm xây dựng được đội ngũ cán bộ mạnh để lãnh đạo đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

Nhật An thực hiện