Khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng viễn thông

- Thứ Bảy, 31/10/2009, 00:00 - Chia sẻ
Để phát triển mạng viễn thông rộng khắp cả nước đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, CNH- HĐH đất nước, Việt Nam vẫn cần những nguồn đầu tư rất lớn để phát triển mạng viễn thông quốc gia. Vì vậy, việc huy động, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước - PHÓ CHỦ NHIỆM ỦY BAN KH-CN và MT LÊ BỘ LĨNH đã cho biết như vậy khi trao đổi với PV Báo ĐBND.

PV: Thưa Ông, thời gian qua thị trường viễn thông Việt Nam đã có bước phát triển mạnh mẽ. Tuy nhiên, chất lượng và giá cước một số dịch vụ có nơi, có lúc còn chưa đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu của xã hội... Vậy để mở rộng và nâng cao được chất lượng dịch vụ này thì trong Dự thảo Luật Viễn thông cần phải quy định theo hướng nào ?

PCN LÊ BỘ LĨNH: Đúng là thị trường viễn thông ở nước ta có sự phát triển ngoạn mục trong thời gian qua. Tuy vậy, so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới vẫn còn nhiều hạn chế, một bộ phận người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo vẫn chưa được tiếp cận với các dịch vụ viễn thông; chất lượng và giá cước một số dịch vụ có nơi, có lúc còn chưa đảm bảo và đáp ứng được nhu cầu của xã hội như rớt sóng, nghẽn mạng...

  Vì vậy, để nâng cao chất lượng dịch vụ này, Dự thảo Luật Viễn thông cần đưa ra một số các quy định nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông. Hiện nay, Điểm g, Khoản 1 Điều 14 trong dự thảo có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông trong việc bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng dịch vụ viễn thông do mình cung cấp. Đặc biệt là các quy định nhằm đảm bảo doanh nghiệp khi cung cấp dịch vụ phải đảm bảo chất lượng cho khách hàng: “Doanh nghiệp viễn thông trước khi đưa các thiết bị mạng lắp đặt vào công trình viễn thông, thiết bị đo lường tính cước sử dụng dịch vụ viễn thông vào hoạt động phải thực hiện việc kiểm định theo quy định - Khoản 2 Điều 52”.

PV: Cụ thể, để cân bằng cung - cầu, nhất là người dân ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo tiếp cận với các dịch vụ viễn thông tốt hơn thì Dự thảo Luật cần thể hiện như thế nào, thưa Ông ?

Theo báo cáo của Liên minh Viễn thông Quốc tế (ITU) cho biết: hiện nay, Việt Nam đã tiến 15 bậc so với năm 2002 trong bảng xếp hạng Chỉ số phát triển công nghệ thông tin và truyền thông (ICT Development Index) toàn cầu và lọt vào nhóm 10 nước có tốc độ phát triển ICT nhanh nhất thế giới, xếp hạng 92 trong số 154 quốc gia. Trong khu vực Đông Nam Á, Việt Nam xếp sau Philippines và Thái Lan về chỉ số phát triển ICT.

 _____________

 Theo Báo cáo tổng kết năm 2008 và Triển khai nhiệm vụ năm 2009 của Bộ Thông tin và Truyền thông, tổng số thuê bao điện thoại trên toàn mạng hiện có là 82,25 triệu máy, thuê bao di động chiếm 85,5%, mật độ điện thoại là 97,5 máy/100 dân. Toàn quốc có trên 20,67 triệu người sử dụng Internet đạt mật độ 24,20%. Tổng số thuê bao băng rộng đạt 2 triệu. Doanh thu bưu chính viễn thông năm 2008 đạt 92.445 tỷ đồng, tăng gần 38% so với năm 2007. Nộp ngân sách nhà nước 11.831 tỷ đồng, tăng 22/% so với năm 2007.

PCN LÊ BỘ LĨNH: Theo tôi, song song với việc thúc đẩy hoạt động kinh doanh viễn thông theo cơ chế thị trường, Nhà nước cần có chính sách, cơ chế nhằm bảo đảm việc cung cấp dịch vụ viễn thông thiết yếu đến mọi người dân. Tính chất đặc thù của lĩnh vực viễn thông thể hiện ở chỗ cũng chỉ có các doanh nghiệp viễn thông mới triển khai cung cấp được dịch vụ tại các vùng sâu, vùng xa này, đồng thời về cơ bản Nhà nước không sử dụng nguồn vốn ngân sách đối với hoạt động này mà sẽ sử dụng nguồn tài chính do chính các doanh nghiệp viễn thông đóng góp từ khoản lợi nhuận do kinh doanh các dịch vụ viễn thông khác mang lại.

Kế thừa các quy định của Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002, Dự thảo Luật Viễn thông đã dành Chương 3 cho Viễn thông công ích: quy định bảo đảm thực hiện hoạt động viễn thông công ích; Quỹ dịch vụ viễn thông công ích... Dịch vụ viễn thông công ích bao gồm dịch vụ viễn thông phổ cập và dịch vụ viễn thông bắt buộc. Kinh phí bảo đảm cho việc thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao được thực hiện thông qua nguồn kinh phí từ ngân sách nhà nước. Việc lựa chọn doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông công ích được thực hiện thông qua các hình thức chỉ định, đặt hàng, đấu thầu.

PV: Để giảm rủi ro kinh doanh vốn nhà nước, đồng thời bảo đảm  môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các thành phần kinh tế trong việc gia nhập thị trường viễn thông thì cần phải mở rộng và huy động mọi thành phần kinh tế của xã hội, kể cả tư nhân tham gia xây dựng hạ tầng mạng, thưa PCN ?

PCN LÊ BỘ LĨNH: Đây chính là một trong những điểm mới trong Dự thảo Luật so với Pháp lệnh Bưu chính Viễn thông năm 2002. Trên thực tế, mặc dù cơ sở hạ tầng viễn thông Việt Nam trong thời gian qua đã phát triển rất nhanh, song quy mô và sự phát triển bền vững so với các nước trong khu vực cũng như trên thế giới vẫn còn nhiều hạn chế. Để phát triển mạng viễn thông rộng khắp cả nước đáp ứng được yêu cầu của công cuộc đổi mới, CNH- HĐH đất nước, Việt Nam vẫn cần những nguồn đầu tư rất lớn để phát triển mạng viễn thông quốc gia. Vì vậy, việc huy động, khuyến khích mọi thành phần kinh tế tham gia phát triển hạ tầng là hết sức cần thiết, phù hợp với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước.

Chính vì vậy, dự thảo Luật Viễn thông đã quy định các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế được thành lập theo pháp luật Việt Nam đều được tham gia cung cấp dịch vụ viễn thông cũng như thiết lập hạ tầng mạng viễn thông. Bên cạnh đó, an ninh thông tin quốc gia sẽ được đảm bảo bởi các mạng dùng riêng của các cơ quan Đảng, Nhà nước, an ninh, quốc phòng.

 PV: Vậy để bảo đảm tiếp tục thúc đẩy cạnh tranh và tự do hóa trong lĩnh vực đầu tư phát triển hạ tầng viễn thông, cần phải có chính sách quản lý cạnh tranh như thế nào, thưa PCN? 

PCN LÊ BỘ LĨNH: Luật Cạnh tranh quy định cơ quan quản lý cạnh tranh quốc gia là Cục Quản lý cạnh tranh thuộc Bộ Công Thương. Đây là cơ quan quản lý nhà nước về cạnh tranh, tạo lập môi trường cạnh tranh đồng bộ, thống nhất trên phạm vi toàn quốc. Trong các lĩnh vực chuyên ngành việc quản lý cạnh tranh do các cơ quan chuyên ngành thực hiện. Theo đó, cơ quan quản lý chuyên ngành viễn thông sẽ trực tiếp giải quyết các vụ việc về cạnh tranh trong lĩnh vực kinh doanh dịch vụ viễn thông, tất nhiên là có sự phối hợp giữa cơ quan quản lý chuyên ngành và cơ quan quản lý cạnh tranh chung theo quy định của Luật Cạnh tranh cả về trình tự, thủ tục giải quyết. Đặc biệt đối với các vụ việc phức tạp, liên ngành, ảnh hưởng lớn đến thị trường, quốc gia không những có sự phối hợp giữa các cơ quan quản lý mà cần phải báo cáo và thông qua Hội đồng cạnh tranh quyết định theo Luật Cạnh tranh.

 Song song với việc mở cửa thị trường cho phép các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế tham gia kinh doanh viễn thông, dự thảo Luật Viễn thông cũng quy định thẩm quyền của Thủ tướng, tùy theo từng thời kỳ, quyết định việc Nhà nước tiếp tục nắm quyền kiểm soát thông qua việc nắm cổ phần chi phối trong một số doanh nghiệp viễn thông chủ lực (VNPT; VIETTEL v.v...) có tầm quan trọng đặc biệt đối với toàn bộ mạng viễn thông quốc gia và ảnh hưởng trực tiếp đến việc phát triển kinh tế, xã hội, bảo đảm an ninh quốc phòng của đất nước; xây dựng, nâng cấp, hoàn thiện các mạng viễn thông chuyên dùng phục vụ chỉ đạo điều hành của Đảng, Nhà nước và chính quyền các cấp trên cơ sở bóc tách rõ chức năng phục vụ chính trị với sản xuất kinh doanh để đảm bảo an toàn, an ninh thông tin trong quá trình mở cửa thị trường.

Đây là các yếu tố quan trọng để thúc đẩy đa sở hữu trong các doanh nghiệp viễn thông và hình thành một thị trường viễn thông được mở cửa cạnh tranh hoàn toàn, bình đẳng và đúng pháp luật, phù hợp với thông lệ quốc tế và cam kết của Việt Nam trong WTO, nhưng vẫn giữ được vai trò kiểm soát, điều tiết của nhà nước và định hướng XHCN trong hoạt động viễn thông.

PV: Xin cám ơn PCN !

TRẦN HIẾU thực hiện