Khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật

- Thứ Hai, 16/11/2020, 10:08 - Chia sẻ
Cùng với việc Thông tư  81/2019/TT-BTC ngày 15.11.2019  áp dụng cho cả cơ quan hải quan và khu vực tư nhân cùng Quyết định 2218/QĐ-TCHQ hướng dẫn thực hiện và áp dụng quản lý rủi ro trong nghiệp vụ hải quan cho nội bộ hải quan có hiệu lực từ ngày 1.1.2021, Tổng cục Hải quan, Bộ Tài chính đang lấy ý kiến Dự thảo Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan. Đây được coi là những bước cải cách thủ tục hải quan, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu và chính cơ quan hải quan.

Công khai đánh giá rủi ro

Thông tư 81/2019 là văn bản pháp quy đầu tiên quy định về công tác quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ đầu tiên. Theo đó, bổ sung thêm đối tượng đánh giá tuân thủ pháp luật, cũng như đánh giá mức độ tuân thủ đối với người khai hải quan là điểm mới quan trọng nhất của Thông tư 81/2019. Trước đây, tại Quyết định 464/QĐ-BTC, ngày 29.6. 2015) của Bộ trưởng Bộ Tài chính về quy định quản lý rủi ro trong hoạt động nghiệp vụ hải quan, đối tượng điều chỉnh chỉ là doanh nghiệp hoạt động xuất nhập cảnh, quá cảnh. Để thống nhất với quy định tại Điều 17 Luật Hải quan, Điều 13, Điều 14, Điều 15 Nghị định 08/2015/NĐ-CP, Thông tư 81/2019 bổ sung đối tượng áp dụng là người khai hải quan bao gồm bốn nhóm đối tượng: doanh nghiệp hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, quá cảnh; đại lý làm thủ tục hải quan; doanh nghiệp cung ứng dịch vụ bưu chính quốc tế, doanh nghiệp cung ứng dịch vụ chuyển phát nhanh quốc tế; chủ phương tiện, người được chủ phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh ủy quyền (đường biển, đường bộ, hàng không, xe lửa).

Khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật.

Ngoài quy định bổ sung trên, Thông tư 81/2019 cũng nhận được sự đồng tình của giới doanh nghiệp  khi quy định cơ quan hải quan công khai tiêu chí phân loại mức độ tuân thủ, mức độ rủi ro người khai hải quan và kết quả phân loại mức độ tuân thủ của người khai hải quan (trước đây thuộc chế độ mật) để doanh nghiệp nắm và thực hiện, tránh được sai sót, vi phạm trong quá trình làm thủ tục hải quan. Đồng thời phân loại mức độ tuân thủ được phân loại thành 5 mức; mỗi người khai hải quan được đánh giá phân loại theo một mức độ tuân thủ duy nhất và công khai để Doanh nghiệp nắm bắt thực hiện. Việc phân loại như trên nhằm phân loại đánh giá tuân thủ được chính xác hơn; đồng thời qua đó hình thành cơ chế quản lý chặt chẽ và có hiệu quả.

Hiện, có khoảng 150.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu; trong khi đó, tỷ lệ hàng hóa được phân vào luồng xanh (miễn kiểm tra) của hải quan Việt Nam còn thấp so với chuẩn quốc tế. Tỷ lệ luồng vàng (kiểm tra hạn chế) và luồng đỏ (kiểm tra triệt để) còn nhiều. Cụ thể, tỷ lệ hàng hóa qua luồng xanh chỉ mới khoảng 57%, luồng vàng 38% và luồng đỏ là 5%. Với những quy định có tính chất công khai, cùng “kiểm tra, đối chiếu” giữa doanh nghiệp và cơ quan hải quan rất nhiều doanh nghiệp hi vọng, văn bản này sẽ tạo thuận lợi hơn cho các doanh nghiệp trong các hoạt động xuất nhập khẩu.

Tiết kiệm chi phí tuân thủ pháp luật

Dự thảo Chương trình khuyến khích doanh nghiệp tuân thủ pháp luật hải quan đặt ra mục tiêu nâng cao mức độ tuân thủ của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, quá cảnh hàng hóa; hướng dẫn, hỗ trợ, cung cấp thông tin và công cụ giúp doanh nghiệp tự đánh giá và nâng cao mức độ tuân thủ; tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ trong thực hiện thủ tục hải quan trên cơ sở phù hợp với pháp luật hải quan. Đây cũng là kênh tăng cường quan hệ đối tác hải quan - doanh nghiệp trong hoạt động xuất nhập khẩu, mở rộng và đưa hoạt động hỗ trợ trở thành công việc thường xuyên của cơ quan hải quan các cấp.

Theo dự kiến, chương trình sẽ được triển khai thí điểm đối với 2 nhóm doanh nghiệp trong năm 2020 gồm: Nhóm có kim ngạch xuất nhập khẩu đạt từ 4 triệu USD và có số lượng 100 tờ khai xuất nhập khẩu trở lên trong năm 2019; nhóm có loại hình xuất nhập khẩu là gia công, sản xuất xuất khẩu là doanh nghiệp nhỏ và vừa, tự nguyện tuân thủ các quy định về xuất xứ hàng hóa xuất khẩu. Từ năm 2021 và sau đó, chương trình sẽ được mở rộng áp dụng cho tất cả doanh nghiệp.

Có thể thấy, quyền lợi của các doanh nghiệp khi tham gia Chương trình mắt xích quan trọng để thúc đẩy sự tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp. Theo dó, thông tin doanh nghiệp cung cấp cho cơ quan hải quan được bảo mật; được cơ quan hải quan cung cấp các thông tin liên quan đến mức độ tuân thủ, cảnh báo lỗi vi phạm thường xảy ra; được cung cấp quy định pháp luật hải quan mới và văn bản hướng dẫn thực hiện. Cùng với đó, doanh nghiệp được cơ quan hải quan hướng dẫn, giải đáp các vướng mắc, kiến nghị liên quan đến đánh giá việc tuân thủ pháp luật để nâng mức độ tuân thủ; từ đó góp phần giảm tỷ lệ kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế hàng hóa xuất nhập khẩu. Điều này cũng đồng nghĩa với việc tiết kiệm chi phí tuân thủ pháp luật – một trong những tiêu chí khi đánh giá sự hấp dẫn của môi trường đầu tư.  

Chuyên gia Dự án tạo thuận lợi thương mại do USAID tài trợ Vũ Ngọc An cho rằng, để tiếp tục nâng cao mức tuân thủ của các doanh nghiệp nhằm hạn chế hơn nữa rủi ro vi phạm pháp luật của doanh nghiệp cũng như nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của cơ quan hải quan hướng tới tạo thuận lợi hơn nữa cho các doanh nghiệp chấp hành tốt pháp luật, đồng thời tập trung được nguồn lực đối phó với các hoạt động buôn lậu, gian lận thương mại thì hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp tuân thủ cần được đẩy mạnh thêm một bước. Ông An gợi ý, nên cải tiến thủ tục tham gia Chương trình của doanh nghiệp bằng việc không thêm các thủ tục hành chính mới hoặc hoạt động mới cho doanh nghiệp; đồng thời cần cụ thể hoá các hoạt động hỗ trợ, thủ tục hành chính của các hoạt động hỗ trợ.

  Box: Với mục tiêu từng bước cải thiện mức độ tuân thủ của doanh nghiệp hướng đến doanh nghiệp tự nguyện tuân thủ theo quy định tại Thông tư 81/2019, Tổng cục Hải quan quyết tâm đưa mức độ tuân thủ của doanh nghiệp được cải thiện tối thiểu 50% trên tổng số doanh nghiệp tham gia, năm thứ 2 cải thiện tối thiểu 60% và năm thứ 3 là 70%; đồng thời đạt tỷ lệ từ 80% trở lên về mức độ hài lòng của doanh nghiệp khi tham gia chương trình. 

Nguyễn Minh