Khủng hoảng niềm tin

- Thứ Tư, 02/06/2021, 07:20 - Chia sẻ
Nhiều cơ quan truyền thông của Đan Mạch và châu Âu gần đây đồng loạt đưa tin, Mỹ đã giám sát các chính trị gia hàng đầu ở châu Âu, trong đó có Thủ tướng Đức Angela Merkel, từ năm 2012 - 2014 với sự giúp đỡ của tình báo Đan Mạch. Mặc dù sự việc diễn ra cách đây gần một thập kỷ nhưng khi bị phanh phui, nó đã tạo ra cuộc khủng hoảng niềm tin nghiêm trọng giữa các đồng minh.

Giám sát đồng minh

Đan Mạch là quốc gia sở hữu một số trạm quan trọng cho các tuyến cáp internet dưới biển đến và đi từ Thụy Điển, Na Uy, Đức, Hà Lan và Vương quốc Anh.

Sự việc bắt đầu khi Đài Phát thanh Nhà nước Đan Mạch (DR) đưa ra một báo cáo cho thấy, Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) đã nghe lén thông qua các đường cáp internet của Đan Mạch để theo dõi các chính trị gia và quan chức cấp cao hàng đầu ở Đức, Thụy Điển, Na Uy, và Pháp. NSA lợi dụng quan hệ hợp tác về giám sát với Cơ quan Tình báo Quốc phòng Đan Mạch (FE) để làm điều này. Theo DR, thông tin tình báo được thu thập thông qua phần mềm phân tích được gọi là Xkeyscore, do NSA phát triển.

Đài DR cho biết đã phối hợp với Đài Truyền hình Thụy Điển (SVT), Đài Phát thanh và Truyền hình NRK của Na Uy, ba đơn vị báo đài của Đức là NDR, WDR và ​​Suddeutsche, và báo Le Monde của Pháp để điều tra. Đài này khẳng định, thông tin của họ đến từ 9 nguồn khác nhau, là những người có quyền truy cập vào thông tin mật của FE và những nội dung đó đã được một số nguồn xác nhận độc lập.

Với những thông tin ban đầu do truyền thông châu Âu đưa ra, chưa rõ Đan Mạch có cho phép Mỹ sử dụng hệ thống giám sát của mình để theo dõi các nước láng giềng hay không. Theo DR, Thủ tướng Đức Angela Merkel, ngoại trưởng lúc đó là Frank-Walter Steinmeier và lãnh đạo phe đối lập lúc đó là Peer Steinbruck nằm trong số những nhân vật cấp cao mà NSA đã theo dõi. NSA có thể tiếp cận các tin nhắn văn bản, các cuộc điện thoại, truy cập internet bao gồm các từ khóa tìm kiếm, nội dung chat và dịch vụ nhắn tin.

Thông tin về hoạt động gián điệp này đã được trình bày chi tiết trong báo cáo bí mật của FE, theo hồ sơ có tên “Operation Dunhammer” và được báo cáo cho lãnh đạo FE vào tháng 5.2015. Theo báo Süddeutsche Zeitung, Chính phủ Đan Mạch cũng biết về vai trò của cơ quan tình báo nước này trong bê bối của NSA năm 2015. Song, mãi tới năm 2020, họ mới buộc toàn bộ lãnh đạo của FE từ chức sau khi phát hiện ra mức độ hợp tác tình báo giữa hai bên.

Cũng theo Süddeutsche Zeitung, thật ra bê bối nghe lén của NSA bị phanh phui từ năm 2013, nhưng mãi tới gần đây phóng viên mới tiếp cận được những tài liệu hé lộ sự hỗ trợ của FE dành cho cơ quan an ninh Mỹ. Còn nhớ, năm 2013, truyền thông châu Âu đã cho đăng tải những tiết lộ động trời của cựu nhân viên NSA Edward Snowden. Cụ thể, người tố giác này chia sẻ tài liệu với tờ The Guardian cho thấy, một quan chức Mỹ đã trao cho NSA 200 số điện thoại, bao gồm cả của các nhà lãnh đạo thế giới, để giám sát.

Báo cáo khi ấy không nêu tên bất kỳ nhà lãnh đạo nào trong số 35 nhà lãnh đạo thế giới được cho là có tên trong danh sách. Tuy nhiên, vài tháng sau, Chính phủ Đức công khai cho biết, họ có thông tin cho thấy Mỹ có thể đã theo dõi điện thoại di động của bà Merkel. Văn phòng Công tố Liên bang Đức sau đó đã mở cuộc điều tra về cáo buộc trên, nhưng đã dừng vào năm 2015 vì không phát hiện đủ bằng chứng để khởi tố. Mặc dù vậy, việc tình báo Mỹ theo dõi hàng nghìn mục tiêu ở châu Âu suốt nhiều năm đã làm dư luận thế giới sốc nặng, gây nghi ngại cho các đồng minh cũng như khiến Washington phải đối mặt với vô số chỉ trích.

Nguồn: Reuters 

Đồng minh nổi giận

Sau khi báo cáo mới đây được DR đưa ra, Bộ trưởng Quốc phòng Đan Mạch Trine Bramsen đã gửi một tuyên bố cho Đài CNN rằng: “Chính phủ Đan Mạch có thể và sẽ không bình luận về những đồn đoán trên phương tiện truyền thông liên quan đến các dịch vụ tình báo của chúng tôi”. Bà nói: “Lập trường của Chính phủ Đan Mạch là rõ ràng - việc nhắm mục tiêu có hệ thống vào các đối tác đồng minh thân cận của chúng ta là không thể chấp nhận được. Rõ ràng, đó là nguyên tắc được thiết lập tốt mà chính quyền Đan Mạch tuân thủ”. Cho đến nay, cả FE và NSA đều từ chối bình luận về báo cáo của DR.

Tuy nhiên, hiện cả Pháp và Đức đều muốn tìm kiếm sự giải thích liên quan đến thông tin nói trên. Hôm đầu tuần, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron tuyên bố, “nếu thông tin là thật”, thì đây là hành động “không thể chấp nhận được giữa các đồng minh, thậm chí lại càng ít chấp nhận được hơn nữa giữa các đồng minh và đối tác châu Âu”. Ông phát biểu thêm, “không có nghi ngờ giữa chúng tôi”, và “đó là lý do tất cả chúng tôi đang chờ đợi sự rõ ràng hoàn toàn. Chúng tôi yêu cầu các đối tác Mỹ và Đan Mạch cung cấp tất cả thông tin về những tiết lộ này cùng những dữ liệu trong quá khứ. Chúng tôi đang chờ đợi câu trả lời”.

Về phía Thủ tướng Đức, bà Merkel phát biểu bản thân đồng tình với khẳng định của Tổng thống Pháp Macron, rằng việc nghe lén giữa các đồng minh là không thể chấp nhận được. “Chúng ta tập trung vào hiện tại và các mối quan hệ tin tưởng. Và những gì đúng vào thời điểm đó vẫn tồn tại cho đến ngày nay”, bà nói.

“Tôi cảm thấy nhẹ nhõm khi Chính phủ Đan Mạch, Bộ trưởng Quốc phòng, đã tuyên bố rất rõ ràng những gì bà ấy nghĩ về những điều này và ở mức độ đó, tôi thấy có cơ sở tốt, không chỉ để làm rõ vấn đề, mà còn để thực sự xây dựng một mối quan hệ tin cậy”, bà Merkel nói thêm. Theo người phát ngôn của Thủ tướng Đức, ông Steffen Seibert, Chính phủ Đức đang liên lạc “với tất cả các cơ quan quốc tế và quốc gia có liên quan để có được sự rõ ràng về vấn đề này".

Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Thụy Điển Peter Hulqvist cũng cho rằng, “không thể chấp nhận được khi nghe lén đồng minh”, đồng thời nói thêm “chúng tôi muốn tất cả các con bài phải đặt hết lên trên bàn”. Còn Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Na Uy Frank Bakke-Jensen nói với đài truyền hình NRK là ông đang “nghiêm túc xem xét các cáo buộc”.

Ngay tại Đan Mạch, nghị sĩ Karsten Hoenge thuộc đảng Nhân dân Xã hội hôm đầu tuần cho biết, ông sẽ chất vấn Bộ trưởng Quốc phòng và Bộ trưởng Tư pháp Đan Mạch về vấn đề này tại Quốc hội. Theo ông, “Chính phủ sẽ phải giải thích làm thế nào mà Đan Mạch lại sẵn sàng trở thành công cụ cho cơ quan tình báo Mỹ và ý nghĩa của việc hợp tác giữa Đan Mạch và các quốc gia láng giềng là gì?”.

Ngọc Minh