Không “lấn sân” sang nhiệm vụ của Quỹ địa phương

- Chủ Nhật, 20/12/2020, 16:26 - Chia sẻ
Trên thực tế, việc Kho bạc Nhà nước can thiệp vào quá trình sử dụng vốn của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương chưa có trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ. Nơi nào giữ vốn điều lệ của Quỹ là biểu hiện của việc làm “lấn sân” sang chức năng, nhiệm vụ của Ban điều hành, Ban kiểm soát Quỹ địa phương, cần sớm điều chỉnh và khắc phục.

Thông thường, Quỹ Đầu tư phát triển địa phương (gọi tắt là Quỹ) được cơ quan tài chính cấp lệnh chi tiền cấp bổ sung vốn điều lệ, Kho bạc địa phương kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp của lệnh, thực hiện xuất Quỹ ngân sách, chuyển tiền vào tài khoản cho đối tượng thụ hưởng ngân sách. Tuy nhiên có nơi, đã thực hiện chuyển vào tài khoản của Quỹ nhưng lại kiểm soát việc sử dụng vốn của Quỹ (đối tượng được hưởng từ ngân sách) là hoạt động chưa phù hợp. Rất cần được làm rõ tính pháp lý về quy định chi cấp vốn điều lệ Quỹ để cán bộ, công chức thực thi nhiệm vụ đúng.

Đại hội Hiệp hội các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2025
Đại hội Hiệp hội các Quỹ Đầu tư phát triển địa phương lần thứ I, nhiệm kỳ 2020-2025

Cấp vốn điều lệ không phải đáp ứng thêm các điều kiện
Quỹ Đầu tư phát triển là một loại Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do cơ quan có thẩm quyền (UBND cấp tỉnh) quyết định thành lập, hoạt động độc lập với ngân sách nhà nước, nguồn thu, nhiệm vụ chi của Quỹ để thực hiện các nhiệm vụ theo quy định của pháp luật.
Điều 12 Nghị định 163/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Ngân sách nhà nước đã xác định: Quỹ được cơ quan có thẩm quyền xem xét hỗ trợ vốn điều lệ từ ngân sách nhà nước…; Điều 19 thông tư số 342/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định 163/2016/NĐ-CP quy định: Chi cấp vốn điều lệ và chi hỗ trợ cho các tổ chức tài chính nhà nước theo quy định của pháp luật thực hiện chi theo hình thức chi tiền. Quy trình chi: Cơ quan tài chính xem xét kiểm tra yêu cầu của đơn vị sử dụng ngân sách, căn cứ dự toán ngân sách được giao, hồ sơ, chứng từ theo chế độ quy định, đủ điều kiện chi thì trong phạm vi 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đề nghị, lập lệnh chi tiền gửi Kho bạc Nhà nước. Trong phạm vi 2 ngày làm việc kể từ ngày nhận được lệnh chi tiền của cơ quan tài chính, Kho bạc Nhà nước thực hiện kiểm tra tính hợp lệ, hợp pháp thì chậm nhất trong 1 ngày làm việc kể từ ngày nhận được lệnh chi tiền… phải thông báo cho cơ quan tài chính biết để xử lý.
Mặt khác, Khoản 2 Điều 12 Luật Ngân sách nhà nước quy định: Điều kiện chi ngân sách nhà nước “chỉ được thực hiện khi đã có trong dự toán ngân sách được giao, trừ trường hợp quy định tại Điều 51 của luật này (tạm cấp ngân sách); đã được thủ trưởng đơn vị sử dụng ngân sách, chủ đầu tư hoặc người được ủy quyền quyết định chi và đáp ứng các điều kiện trong từng trường hợp sau đây…”. 5 trường hợp luật nêu gồm: Đối với chi Đầu tư xây dựng cơ bản…; Đối với chi thường xuyên...; Đối với chi dự trữ Quốc gia…; Đối với những gói thầu…; Đối với những khoản chi cho công việc thực hiện theo phương thức nhà nước đặt hàng, giao kế hoạch. Không quy định trường hợp cấp vốn điều lệ. Tức là cấp vốn điều lệ Quỹ không thuộc các trường hợp phải đáp ứng thêm các điều kiện. Như vậy, lệnh chi tiền của sở tài chính cho Quỹ mà hợp lệ, hợp pháp, Kho bạc Nhà nước phải xuất Quỹ ngân sách cho đối tượng thụ hưởng ngân sách. Khi đó, Kho bạc đã hoàn thành nhiệm vụ.
Cần sớm điều chỉnh, khắc phục
Khoản 1, Điều 8 Luật Ngân sách nhà nước về nguyên tắc quản lý ngân sách nhà nước quy định: ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho các Quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách. Trường hợp được ngân sách nhà nước hỗ trợ vốn điều lệ theo quy định của pháp luật thì phải phù hợp với khả năng của ngân sách nhà nước và chỉ thực hiện khi đáp ứng đủ các điều kiện sau: được thành lập và hoạt động theo đúng quy định của pháp luật; có khả năng tài chính độc lập; có nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với nguồn thu, nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước.
Tức là Quỹ đủ các điều kiện, được cấp có thẩm quyền cấp vốn điều lệ để tự chủ, tự chịu trách nhiệm, bảo toàn và phát triển vốn. Không được hỗ trợ kinh phí hoạt động, Quỹ phải tự cân đối thu chi duy trì bộ máy hoạt động. Vì vậy, Quỹ phải chịu trách nhiệm trước nhà nước địa phương về hoạt động, bảo toàn phát triển vốn. Việc sử dụng vốn như thế nào do Quỹ thực hiện theo quy chế và kế hoạch được UBND tỉnh và Hội đồng quản lý Quỹ phê duyệt. Kho bạc nhà nước can thiệp vào quá trình sử dụng vốn của Quỹ là chưa có trong các văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ngân sách nhà nước và quy định về tổ chức và hoạt động của Quỹ Đầu tư phát triển địa phương. Nơi nào giữ vốn điều lệ của Quỹ là biểu hiện của việc làm “lấn sân” sang chức năng, nhiệm vụ của Ban điều hành, Ban kiểm soát Quỹ địa phương, cần sớm điều chỉnh và khắc phục.
Thực tế, có Quỹ không mở tài khoản ở Kho bạc nên việc cấp vốn điều lệ chuyển thẳng sang tổ chức tín dụng để Quỹ điều hành hoạt động. Và từ khi thành lập đến nay, hoạt động đó không có khó khăn, vướng mắc gì. Mặt khác, Khoản 1 Điều 39 Nghị định số 163/2016/NĐ-CP về mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước quy định: “Các đơn vị sử dụng ngân sách và các tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thường xuyên phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước… Trường hợp đơn vị sử dụng ngân sách, tổ chức được ngân sách nhà nước hỗ trợ thường xuyên được phép mở tài khoản tại ngân hàng…”. Với Quỹ, theo Luật Ngân sách nhà nước không được hỗ trợ thường xuyên nên không nhất thiết phải mở tài khoản tại Kho bạc Nhà nước. Được như vậy, sẽ giảm bớt được thủ tục hành chính không cần thiết, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động thuận lợi, kịp thời, có hiệu quả.

Hải Lam