Không thể nói chung chung mãi...

- Thứ Sáu, 08/10/2021, 14:24 - Chia sẻ
Tại phiên họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công diễn ra hồi nửa cuối năm 2020, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch Nước) đã phát biểu rằng, đang có thực trạng là khi làm việc với các bộ ngành, nhiều địa phương đề nghị được bố trí vốn để đầu tư phát triển, nhưng khi nhận được vốn lại không tổ chức thực hiện đến nơi đến chốn, vẫn còn một lượng vốn rất lớn chưa được giải ngân.

Thực trạng này một lần nữa được nêu ra tại Hội nghị với các bộ, ngành Trung ương đánh giá tình hình giải ngân vốn đầu tư nguồn vốn vay nước ngoài của Chính phủ trong 9 tháng qua - dù ở phạm vi hẹp hơn là với nguồn vốn vay nước ngoài. Cụ thể, đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, Bộ Tài chính cho biết, giải ngân vốn đầu tư công nguồn vốn vay nước ngoài khối các bộ, ngành Trung ương thời gian qua có nhiều khó khăn dù 9 tháng qua Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đều rất nỗ lực thực hiện quyết liệt các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy giải ngân, nhất là sau khi hội nghị hồi tháng 6. Bộ Tài chính cũng đã tích cực làm việc trực tuyến và trao đổi với tất cả các chủ dự án của 13 bộ, ngành được giao kế hoạch vốn nước ngoài để rà soát, đôn đốc giải ngân, phối hợp xử lý các khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến giải ngân thuộc phạm vi trách nhiệm của Bộ Tài chính.

Vậy nhưng theo đại diện Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại, đến ngày 6.10, lũy kế giải ngân vốn đầu tư công nguồn vay nước ngoài kế hoạch vốn năm 2021 của các bộ, ngành chỉ đạt 19,03%, tương đương 3.166 tỷ đồng. Đặc biệt, đến ngày 6.10, Bộ Tài chính đã nhận được 9 văn bản của các bộ, ngành đề nghị trả lại kế hoạch vốn với tổng giá trị 8.054 tỷ đồng, chiếm khoảng 44,08% kế hoạch vốn được Thủ tướng Chính phủ giao. Số vốn này có thể phải điều chuyển cho các bộ, địa phương có nhu cầu giải ngân vượt kế hoạch hoặc buộc phải hủy kế hoạch vốn theo quy định. Và đương nhiên với tình trạng này, thời gian còn lại từ nay cho đến hết năm khó có thể hoàn thành tỷ lệ giải ngân so với kế hoạch vốn năm 2021 trên 95% kế hoạch được giao như mục tiêu Nghị quyết số 63/NQ-CP đã đề ra.

Lý giải về nguyên nhân chậm giải ngân vốn đầu tư công từ nguồn vay nước ngoài hoặc trả kế hoạch vốn, đại diện các bộ, ngành cho rằng là do tác động nặng nề của đại dịch Covid-19, nhiều địa phương thực hiện giãn cách, các công trình thi công dự án phải dừng; tư vấn quốc tế không sang Việt Nam; công tác hồ sơ thầu bị ảnh hưởng; việc trao đổi với các nhà tài trợ gặp khó khăn... Ngoài ra, còn có các nguyên nhân khác như chậm triển khai các công tác sẵn sàng cho đầu tư, đặc biệt là chậm giải phóng mặt bằng, tái định cư, thiết kế cơ sở. Chậm trong đấu thầu, ký hợp đồng; đang trong quá trình thực hiện các thủ tục điều chỉnh chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư, điều chỉnh hiệp định vay với các nội dung như gia hạn thời gian thực hiện, thời gian giải ngân, sử dụng vốn dư, điều chỉnh chủ đầu tư; tỷ lệ thanh toán ngoại tệ, nội tệ, điều chỉnh kinh phí giữa các hạng mục. Do công tác kế hoạch vốn chưa tốt, nhiều bộ, ngành chưa thể giao hết kế hoạch vốn chi tiết dẫn đến phải hủy dự toán.

Thực tế, việc chậm giải ngân vốn đầu tư công không phải là vấn đề mới. Và ngoài các nguyên nhân khách quan, còn có các nguyên nhân chủ quan đã từng được chỉ ra là nhiều địa phương còn trì trệ, không quyết tâm vào cuộc tháo gỡ khó khăn, bất cập. Bởi vậy, cần phải “sờ gáy” những người làm trực tiếp chứ chỉ nói chung chung sẽ không thể nêu cao tinh thần trách nhiệm - ý kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc (nay là Chủ tịch Nước) tại phiên họp trực tuyến giữa Thường trực Chính phủ với các địa phương về giải ngân vốn đầu tư công diễn ra hồi năm 2020.

Khương Ninh