Không thể níu kéo

- Thứ Năm, 27/05/2021, 07:47 - Chia sẻ
Sáng nay (27.5), Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2020. Cho đến thời điểm này, tiến độ cổ phần hóa và tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) được Chính phủ nhận định còn chậm, chưa đạt kết quả đề ra, đến ngày 24.12.2020 mới thực hiện đạt 27,3% kế hoạch. Vì sao chủ trương, yêu cầu về cổ phần hóa DNNN đã có từ lâu mà việc thực hiện vẫn dùng dằng, níu kéo?

Theo báo cáo của Chính phủ, đến nay vẫn còn 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch. Việc một số doanh nghiệp chậm quyết toán cổ phần hóa, dẫn đến khó khăn trong quá trình hoạt động của công ty cổ phần, ảnh hưởng đến quá trình thoái vốn tại doanh nghiệp. Việc công bố thông tin còn mang tính hình thức, không đủ thông tin khách quan, tạo dư luận xã hội thiếu tích cực về tính minh bạch của DNNN, nhất là trong các lĩnh vực độc quyền nhà nước hoặc do Nhà nước định giá, điều tiết giá hoặc các ngành cung cấp sản phẩm dịch vụ công thiết yếu.

Ngoài nguyên nhân khách quan, những hạn chế nêu trên chủ yếu do vai trò, nhận thức, trách nhiệm của người đứng đầu một số DNNN chưa cao, chưa quyết liệt. Hiện chưa có chế tài đủ mạnh trong việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, đơn vị, DNNN không hoàn thành, không triển khai thực hiện cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại DNNN theo kế hoạch. Nhiều DNNN chưa chủ động triển khai sắp xếp lại, xử lý nhà, đất theo chính sách của Nhà nước, đến khi tiến hành cổ phần hóa mới bắt đầu thực hiện, nên ảnh hưởng đến tiến độ cổ phần hóa.

Tình trạng ì ạch, cố tình níu kéo làm chậm quá trình cổ phần hóa DNNN được nhắc đến nhiều trong thời gian qua. Nhận định về tình trạng này, Ủy ban Tài chính -  Ngân sách cho rằng, việc sử dụng quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại một số doanh nghiệp chưa thực sự hiệu quả; tiến độ cổ phần hóa doanh nghiệp còn chậm.

Cổ phần hóa DNNN nhằm góp phần nâng cao hiệu quả, sức cạnh tranh của doanh nghiệp; tạo ra loại hình doanh nghiệp có nhiều chủ sở hữu; tạo động lực mạnh mẽ và cơ chế quản lý năng động cho doanh nghiệp để sử dụng có hiệu quả vốn, tài sản của Nhà nước và của doanh nghiệp.

Mục đích rất hay, chủ trương cổ phần hóa các DNNN đã có, nhưng số lượng các DNNN được cổ phần hóa thời gian qua vẫn còn quá khiêm tốn so với kế hoạch, lộ trình buộc phải thực hiện. Có những doanh nghiệp được đưa vào danh sách cổ phần hóa nhưng người đại diện vẫn “bình chân như vại” không chịu thực hiện. Điều đáng nói, những trường hợp dùng dằng, cố tình không thực hiện theo kế hoạch cổ phần hóa, nhưng người đại diện vẫn bình yên và không phải chịu hình thức xử lý trách nhiệm nào. Khi trách nhiệm cá nhân không được áp đặt với mục tiêu hành động, thì việc cổ phần hóa DNNN chưa về được đích cũng là điều dễ hiểu.

Vẫn biết việc thực hiện cổ phần hóa DNNN là vấn đề khó, bởi liên quan đến tài sản doanh nghiệp, trong đó có vấn đề định giá đất đai. Nhưng không vì lý do đó mà doanh nghiệp lại dùng dằng, cố tình không thực hiện. Bởi thực tế cho thấy, cũng cơ chế ấy, cũng khung khổ pháp luật ấy, không ít doanh nghiệp thực hiện cổ phần hóa nhanh và khá trơn tru. Điều quan trọng là người đứng đầu doanh nghiệp, cơ quan đại diện vốn sở hữu có quyết tâm làm hay không mà thôi.

Cử tri và dư luận có quyền đặt câu hỏi, với 89 doanh nghiệp chưa hoàn thành cổ phần hóa theo kế hoạch thì sẽ xử lý thế nào? Người đại diện doanh nghiệp sẽ chịu trách nhiệm như thế nào khi không hoàn thành nhiệm vụ được giao?  

Nhiều chuyên gia cho rằng, để cổ phần hóa DNNN về đích đúng hạn, cần phân loại DNNN để thúc đẩy cải cách; chia DNNN thành hai loại hình lớn là thương mại và công ích; xây dựng danh mục các ngành nghề mà Nhà nước giữ vốn, thoái vốn để các địa phương lựa chọn những doanh nghiệp cần giữ lại. Ðồng thời rà soát, đánh giá hiệu quả của phương án cổ phần hóa, thoái vốn với phương án phá sản, bán toàn bộ doanh nghiệp để từ đó lựa chọn phương án phù hợp, đem lại hiệu quả cao, tiết kiệm chi phí.

Và một điều quan trọng nữa, để không lặp lại tình trạng lợi dụng cổ phần hóa để “bán tống bán tháo” tài sản nhà nước nhằm trục lợi như đã từng xảy ra, trong quá trình cổ phần hóa, rất cần sự vào cuộc của cơ quan kiểm toán trong việc xác định giá trị DNNN trước khi cổ phần hóa. Đây là biện pháp hữu hiệu nhằm kiểm soát, đánh giá đúng giá trị doanh nghiệp, tránh thất thoát tài sản và nguồn lực của đất nước.

Cần nhấn mạnh rằng, ngoài việc hoàn thiện các quy định liên quan đến định giá đất khi cổ phần hóa doanh nghiệp thì việc phải xử lý nghiêm trách nhiệm các tổ chức, cá nhân chậm triển khai quá trình cổ phẩn hóa, thoái vốn nhà nước là điều rất cần thiết. Khi người đứng đầu doanh nghiệp có tâm lý “làm cũng được, không làm cũng chẳng sao” thì mục tiêu cổ phần hóa DNNN sẽ không thể về đích đúng hạn.

Song Hà