Không thể chờ lâu hơn nữa...

- Thứ Hai, 28/12/2020, 07:04 - Chia sẻ

Phát biểu tại Phiên họp thứ 13 Ban Chỉ đạo xử lý các tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương diễn ra vừa qua, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, Trưởng ban Chỉ đạo cho biết, đến nay, kết quả đạt được đáng khích lệ, các nội dung đã cơ bản hoàn thành...

Cụ thể, đã đưa 3 dự án ra khỏi danh sách theo dõi, xử lý của Ban Chỉ đạo là Nhà máy Sản xuất phân bón DAP-1 Hải Phòng, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Phú Thọ, Nhà máy Nhiên liệu sinh học Bình Phước. Tiến hành xử lý vướng mắc quyết toán tại Công ty Công nghiệp tàu thủy Dung Quất (DQS); nghiên cứu về đề xuất phương án mới, khả thi hơn phù hợp với quy hoạch phát triển của địa phương để xử lý đối với dự án Nhà máy Bột giấy Phương Nam. Báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội về sửa đổi chính sách thuế giá trị gia tăng đối với mặt hàng phân bón bảo đảm công bằng giữa hàng sản xuất trong nước và hàng nhập khẩu; chỉ đạo việc xử lý vướng mắc về tranh chấp hợp đồng EPC...

Như vậy, có thể thấy, về tổng thể "bức tranh yếu kém" đã ít nhiều có những gam màu sáng. Còn nhớ, trong Báo cáo của Chính phủ gửi các đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Mười vừa qua đã nêu việc xử lý những dự án này gặp không ít khó khăn, thậm chí chưa xác định đầy đủ về thiệt hại kinh tế của Nhà nước. Là việc vốn chủ sở hữu bị âm hơn 7.200 tỷ đồng; tổng nợ phải trả lên đến hơn 63.300 tỷ đồng; lỗ luỹ kế của các dự án lên đến trên 26.300 tỷ đồng...  trong khi yêu cầu của Bộ Chính trị và Quyết định 1468/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ là phải đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu hoàn thành xử lý trong năm 2020. Trường hợp nếu phải chậm, không kéo dài quá nửa đầu năm 2021...

Do vậy, để có thể "về đích" đúng hạn, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình yêu cầu cần xác định hướng xử lý cụ thể đối với từng dự án, bám sát quan điểm xử lý dự án trên tinh thần kiên quyết xử lý theo nguyên tắc và cơ chế thị trường; tôn trọng nguyên tắc tự chủ, tự chịu trách nhiệm của các doanh nghiệp. Tăng cường trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình thực hiện các chủ trương, giải pháp xử lý các dự án, doanh nghiệp. Đặc biệt, Nhà nước kiên quyết không cấp thêm vốn vào các dự án, doanh nghiệp; xử lý dứt điểm tranh chấp hợp đồng EPC, tái cơ cấu theo hướng ưu tiên các phương án bán, thoái vốn, đồng thời kiên quyết cho thực hiện phá sản, giải thể đối với các dự án, doanh nghiệp không có khả năng khắc phục.

Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ cũng nhấn mạnh cần hoàn thiện phương án xử lý cụ thể, bao gồm cả phương án bán, phá sản kèm theo thời hạn thực hiện; xác định rõ phạm vi trách nhiệm, thẩm quyền của Ban Chỉ đạo và các bộ, ngành trong chỉ đạo tháo gỡ các vấn đề vướng mắc về thể chế, cơ chế, chính sách và hướng xử lý đối với các dự án để bảo đảm quan điểm xử lý theo chỉ đạo của Bộ Chính trị là không làm thay cho doanh nghiệp, trách nhiệm chính về tái cơ cấu, xử lý các dự án thuộc về các tập đoàn, tổng công ty, doanh nghiệp, chủ đầu tư dự án và trách nhiệm chỉ đạo, giám sát là của cơ quan đại diện chủ sở hữu...

Thời hạn để xử lý dứt điểm những tồn tại, yếu kém của một số dự án và doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương không nhiều và đương nhiên sẽ còn rất nhiều khó khăn nhưng chắc chắn không thể chờ lâu hơn nữa.

Khánh Ninh