Không “tháo khoán” cho ngành nông nghiệp

- Thứ Hai, 16/08/2021, 06:11 - Chia sẻ
Đến hết tháng 8, đồng bằng sông Cửu Long sẽ có khoảng 1,5 triệu hecta lúa Hè Thu đến vụ thu hoạch, với sản lượng khoảng 7,8 triệu tấn. Chuỗi thu hoạch lúa ở khu vực này sẽ diễn ra liên tục bởi sang tháng 9 sẽ đến vụ Thu Đông sớm, rồi vụ Đông Xuân. Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là giá lúa giảm mạnh và sức mua của doanh nghiệp xuống thấp khiến nông dân bắt đầu bi quan. Giá lúa thấp trong khi vật tư nông nghiệp như phân bón, giống, thuốc bảo vệ thực vật... tăng cao sẽ kéo theo đời sống hàng chục triệu hộ nông dân trong vùng bị ảnh hưởng lớn.

Hai nguyên nhân lớn của tình trạng trên đã được ngành nông nghiệp chỉ rõ: Thứ nhất, các địa phương áp dụng biện pháp giãn cách xã hội quá chặt, mỗi nơi mỗi kiểu, khiến khâu lưu thông bị gián đoạn, ngưng trệ. Các thương lái, doanh nghiệp thu mua lúa gạo không đủ khả năng thực hiện “3 tại chỗ”, lại phải đội thêm các chi phí tăng thêm do phòng chống dịch bệnh, kiểm tra xét nghiệm. Thứ hai, giá gạo thế giới cũng đang giảm mạnh. Giá gạo 5% tấm của Việt Nam hiện ở mức 390 USD/tấn, mức thấp nhất trong 16 tháng qua. Rất nhiều doanh nghiệp chưa có hợp đồng bởi cả bên nhập khẩu và xuất khẩu đều dè chừng trước diễn biến giá và chi phí logictics, dẫn đến việc các doanh nghiệp không mặn mà thu mua.

Thực tế, do ảnh hưởng của dịch bệnh, lúa bị ách tắc từ đồng ruộng cho đến nhà máy, cảng xuất khẩu, liên quan tới nhiều khâu nên chỉ nỗ lực của ngành nông nghiệp thôi là chưa đủ. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lê Minh Hoan cho rằng, vấn đề tiêu thụ lúa gạo không phải cứ “khoán trắng” cho ngành nông nghiệp là được, mà còn liên quan tới bên công an, bên giao thông, bên y tế… Để sản xuất lúa gạo thích ứng với kịch bản dịch Covid-19 có thể kéo dài, các bộ ngành, địa phương phải cùng vào cuộc, thống nhất lại quy trình kiểm soát dịch bệnh, thương lái thu mua lúa cũng cần được hưởng “luồng xanh” như các phương tiện vận tải, ưu tiên tàu và container cho các lô gạo xuất khẩu để giải phóng hàng tồn kho, sớm giải tỏa ách tắc tại các cảng biển.

Hiện tại, nhiều doanh nghiệp có khả năng mua dự trữ, do vậy giải pháp tốt nhất là nên tạo điều kiện cho doanh nghiệp thu mua. Trong đó, Ngân hàng Nhà nước cần có chính sách hỗ trợ tài chính, chỉ đạo các ngân hàng thương mại tăng hạn mức vay, kéo dài thời hạn trả nợ, giảm lãi suất cho vay và giải ngân vốn nhanh để hỗ trợ doanh nghiệp. Đối với hoạt động xuất khẩu, để giảm áp lực cho cảng Cát Lái (TP. Hồ Chí Minh) thì cần sớm đưa 2 cảng Mỹ Thới và Thốt Nốt trở lại hoạt động bình thường, tránh tình trạng quá tải tại cảng biển.

Đặc biệt là tại các địa phương, đây là dịp để liên kết với nhau, bởi ngành hàng lúa gạo ở đồng bằng sông Cửu Long không phải chỉ phân chia theo địa giới hành chính, ở từng địa phương cụ thể, mà có tính liên quan, liên kết trong toàn vùng, nhất là hệ thống thương lái, vận chuyển từ tỉnh này sang tỉnh khác. Hiện doanh nghiệp thu mua lúa gạo 95% đi bằng đường thủy, qua nhiều địa phương khác nhau, do đó, các địa phương cần thống nhất các biện pháp quản lý, tạo điều kiện cho các phương tiện thu mua, vận chuyển.

Chúng ta đã có bài học từ tỉnh Bắc Giang, mùa vải chín ngay cao điểm dịch bệnh mà vẫn lưu thông tốt thì ngành lúa gạo cũng vậy. Không thể vì nguy cơ dịch bệnh mà làm đứt gãy chuỗi cung ứng. Thời gian qua, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Bộ Công thương đã thành lập các tổ công tác, khẩn trương bàn phương án gỡ đầu ra cho lúa gạo. Mới đây nhất, 4 tỉnh, thành phố Đồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ cũng dự kiến thành lập tổ công tác liên ngành và thiết lập đường dây nóng để giải quyết kịp thời những vướng mắc, vừa bảo đảm không đứt gãy chuỗi sản xuất, cung ứng lúa gạo, vừa thực hiện nghiêm các quy định phòng, chống dịch…

Với sự chung tay vào cuộc quyết liệt này, những vướng mắc về sản xuất - lưu thông - xuất khẩu sẽ sớm được tháo gỡ, giải phóng đầu ra cho người nông dân còn có nguồn lực bắt đầu thu hoạch vụ mới.

Chi An