Không sớm gỡ thủ tục, doanh nghiệp càng lao đao

- Thứ Ba, 22/06/2021, 06:40 - Chia sẻ
Nếu làn sóng dịch Covid-19 thứ 4 thổi bùng lên những khó khăn của doanh nghiệp (làm suy kiệt dòng tiền, gián đoạn chuỗi cung ứng…) thì những bất cập, rào cản từ thủ tục hành chính lại âm ỉ bào mòn khả năng chống chịu, phục hồi. Do vậy, việc sớm rà soát, sửa đổi những quy định, thủ tục gây cản trở càng phải đẩy mạnh hơn lúc nào hết.

Càng gỡ càng rối

Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, Nghị định số 18/2021/NĐ-CP ngày 11.3.2021 đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 134/2016/NĐ-CP liên quan Luật Thuế xuất khẩu, nhập khẩu nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, một số quy định mới lại gây khó khăn hơn, như việc áp dụng thuế với hàng hóa xuất, nhập khẩu tại chỗ. Theo đó, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước xuất khẩu vào khu phi thuế quan và doanh nghiệp trong khu phi thuế quan đều phải nộp thuế; doanh nghiệp phải bố trí một lượng tiền lớn để nộp thuế trước, sau khi sản phẩm xuất khẩu xong lại mất rất nhiều thời gian để hoàn thuế. Bên cạnh đó, quy định áp dụng thuế nhập khẩu tại chỗ cho hàng hóa dùng để sản xuất xuất khẩu, trong khi miễn thuế cho hàng hóa nhập khẩu tại chỗ để gia công xuất khẩu là không công bằng, bất hợp lý, khuyến khích doanh nghiệp gia công thay vì làm hàng với giá trị cao hơn…

	Cần sự quyết liệt, nhất quán, đồng bộ từ tư duy đến các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp. Nguồn: Báo Khánh Hòa
Cần sự quyết liệt, nhất quán, đồng bộ từ tư duy đến các quyết sách hỗ trợ doanh nghiệp.
Nguồn: Báo Khánh Hòa

Còn theo phản ánh của doanh nghiệp chế biến thủy sản, có quy định gây khó tồn tại 3 năm nay vẫn chưa được giải quyết. Theo đó, quy định về chỉ tiêu Phospho, Amoni, tổng Niter trong nước thải sau khi xử lý tại nhà máy chế biến thủy sản (QCVN 11:2015) đang ở mức thấp so với khả năng thực tế. Đa số nhà máy với đầu tư công nghệ mới, hệ thống xử lý nước thải đầy đủ cũng khó đạt. Do vậy, kết quả thanh tra, kiểm tra hàng năm của ngành môi trường luôn có tỷ lệ lớn doanh nghiệp không đạt, bị phạt vi phạm hành chính môi trường. Điều này càng rủi ro nếu khách hàng quốc tế biết rằng các nhà máy này vi phạm quy định môi trường của Việt Nam.

Trên cơ sở tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư - cơ quan được Thủ tướng Chính phủ giao chủ quản trong việc nghiên cứu, xây dựng gói hỗ trợ doanh nghiệp lần thứ hai cho biết, có 3 nhóm thủ tục đang gây khó khăn, vướng mắc về cơ chế, quy định pháp luật chưa tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Cụ thể, với thủ tục về thuế, quy định hoàn thuế chưa tính tới các khâu trung gian, thương mại nên đặt ra các tình huống chưa hợp lý.

Về thủ tục hải quan, việc xử phạt vi phạm hành chính khi khai báo thủ tục hải quan cho hàng hóa xuất, nhập khẩu theo Nghị định số 128/2020/NĐ-CP lại không có sự phân biệt giữa xuất, nhập khẩu lần đầu hay nhiều lần, cố ý hay vô ý. Điều này thể hiện sự chưa nhất quán về chủ trương giữa triển khai nghị định và thực thi các hiệp định thương mại (FTA).

Đối với doanh nghiệp khởi nghiệp, việc nhiều đầu mối cơ quan quản lý nhà nước nhưng chưa phát huy cơ chế “một cửa” thực sự khiến họ lúng túng. Khi cần giải quyết một số quy trình, thủ tục có tính liên ngành, liên bộ, doanh nghiệp phải làm việc trực tiếp với từng đơn vị. Ở cấp địa phương, dù nhiều nơi đã thành lập mô hình liên kết ngành, giao một đơn vị làm đầu mối chính song thực tế doanh nghiệp vẫn phải làm việc với nhiều cơ quan khiến mất nhiều thời gian, công sức…

Dư địa nào để linh hoạt?

Trước thực tế này, cộng đồng doanh nghiệp cho rằng, Chính phủ cần rà soát, sửa đổi những quy định bất cập, gây cản trở. Việc này đã được làm trong nhiều năm qua song vẫn cần tiếp tục đẩy mạnh, thường xuyên hơn. Muốn vậy, các bộ, ngành, địa phương cần tăng cường trao đổi, đối thoại với doanh nghiệp, hiệp hội để nắm bắt, giải quyết thấu đáo tình hình.

Trong báo cáo tổng hợp phản ánh, kiến nghị của các doanh nghiệp, hiệp hội gửi Thủ tướng mới đây, Ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân đề xuất Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, làm rõ tính cấp thiết, cần thiết của việc áp dụng các quy định đang gây áp lực về chi phí cho doanh nghiệp, trong đó có việc thu phí hạ tầng cảng biển tại TP. Hồ Chí Minh dự kiến áp dụng từ 1.7 tới. Việc rà soát các quy định gây áp lực về chi phí sẽ tránh đẩy doanh nghiệp vào tình trạng kiệt quệ, đổ vỡ hàng loạt.

Về phía Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đang đề xuất nhiều giải pháp hỗ trợ, trong đó đề nghị Chính phủ sửa đổi các quy định làm khó doanh nghiệp.

Cụ thể, Bộ Tài nguyên và Môi trường cần sớm soát xét để ban hành QCVN mới thay thế QCVN 11:2015, trong đó xem xét quy định ngưỡng của chỉ tiêu Phospho vào dự thảo QCVN 11:2017/BTNMT về nước thải CBTS lên mức 40 - 50mg/l. Quy định rõ lộ trình áp dụng phù hợp (5 - 10 năm) cho QCVN mới theo thông lệ quốc tế để các doanh nghiệp chủ động đầu tư, nâng cấp hệ thống xử lý nước thải; giữ nguyên mức giới hạn kiểm soát của Amoni và Niter như QCVN 11:2015.

Tổng cục Hải quan chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương nghiên cứu, đơn giản hóa tối đa các quy trình hành chính hiện tại hoặc xem xét áp dụng các quy trình xuất, nhập khẩu ưu tiên để hỗ trợ doanh nghiệp tối ưu thời gian, chi phí thực hiện trong nước. Qua đó, đẩy nhanh quy trình, thủ tục nhập về các mặt hàng thiết yếu cũng như việc xuất các sản phẩm nông nghiệp, các nhóm mặt hàng xuất khẩu chủ đạo.

“Có thể linh hoạt được không?” là vấn đề đang đặt ra cho các cơ quan quản lý. Nhìn vào việc vải thiều đã được tạo điều kiện lưu thông, có luồng xanh, rõ ràng dư địa linh hoạt vẫn có. Vấn đề còn lại ở chỗ, phải tạo ra sự quyết tâm, nhất quán, đồng bộ từ tư duy đến các quyết sách ở cấp Trung ương và địa phương; các bộ, ngành, địa phương phải coi giải quyết khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp là một trong những nhiệm vụ hàng đầu trong hành động.

 ____________

(Bài tuyên truyền thực hiện Nghị Quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ)

Đan Thanh