Không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng

- Chủ Nhật, 16/01/2022, 06:22 - Chia sẻ
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa ban hành Chỉ thị 01/CT-NHNN về tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng trong năm 2022, trong đó yêu cầu điều hành tín dụng hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát và không nới lỏng điều kiện cấp tín dụng.
Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng "nắn" vốn vào lĩnh vực ưu tiên. Nguồn: ITN
Thống đốc NHNN yêu cầu các ngân hàng "nắn" vốn vào lĩnh vực ưu tiên.
Nguồn: ITN

Định hướng tín dụng tăng 14%

Theo Chỉ thị này, một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành ngân hàng năm 2022 là điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát theo mục tiêu.

Năm 2022, NHNN định hướng tín dụng tăng khoảng 14%, có điều chỉnh phù hợp với diễn biến, tình hình thực tế để hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát và hướng tín dụng vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên.

Bên cạnh đó, ngành ngân hàng tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp bị ảnh hưởng dịch bệnh. Theo đó, các tổ chức tín dụng điều hành lãi suất phù hợp với cân đối vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ; khuyến khích các tổ chức tín dụng tiếp tục tiết giảm chi phí để phấn đấu giảm lãi suất cho vay hỗ trợ sản xuất kinh doanh…

Doanh nghiệp hiện rất kỳ vọng giảm lãi suất, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế đang nỗ lực phục hồi sau đại dịch và Quốc hội vừa thông qua gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, trong đó có gói hỗ trợ lãi suất 2%/năm cho một số ngành, lĩnh vực quan trọng và doanh nghiệp có khả năng phục hồi. Tại Kỳ họp bất thường của Quốc hội mới đây, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết dư địa chính sách tiền tệ trong gói hỗ trợ ít hơn chính sách tài khóa, dù vậy hệ thống sẽ “phấn đấu” giảm lãi suất từ 0,5 - 1% trong vòng 2 năm tới.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia và tổ chức, mặt bằng lãi suất năm 2022 sẽ khó giảm thêm so với cuối năm 2021. Thậm chí lãi suất nhiều khả năng sẽ tăng nhẹ trở lại (quanh mức 0,25 - 0,5 điểm phần trăm), nhất là trong nửa cuối của năm 2022. Tương tự, trong báo cáo khảo sát điều tra mới đây về tình hình kinh doanh quý I.2022, các tổ chức tín dụng dự báo mặt bằng lãi suất sẽ được giữ ổn định trong quý I này và có thể tăng nhẹ trở lại vào cuối năm 2022.

Hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh

Theo số liệu của NHNN, tỷ lệ nợ xấu nội bảng năm 2021 là 1,9%, cao hơn so với mức 1,69% tính đến cuối năm 2020. Tuy nhiên, tính cả nợ tiềm ẩn, nợ đã bán cho Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng - VAMC và nợ có khả năng chuyển xấu thì con số này là 3,79%. Nếu tính cả các khoản nợ được cơ cấu lại, giãn hoãn nợ theo Thông tư 01 (Thông tư 03 và Thông tư 14 sửa đổi), tỷ lệ nợ xấu dự báo lên tới 8,2%, tăng vọt so với cuối năm 2020 là 5,08%. Nợ xấu dự báo khả năng có thể cao hơn trong thời gian tới nếu dịch bệnh vẫn còn phức tạp.

Trước thực tế này, tại Chỉ thị 01/CT-NHNN là Thống đốc NHNN yêu cầu tiếp tục thực hiện công tác cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng theo “Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 - 2025” sau khi được phê duyệt, trong đó tập trung xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém. Cùng với đó, đẩy mạnh thực hiện các giải pháp kiểm soát và xử lý nợ xấu; ngăn ngừa, hạn chế tối đa nợ xấu mới phát sinh; phấn đấu duy trì tỷ lệ nợ xấu nội bảng ở mức an toàn (dưới 3%); ngăn ngừa tình trạng đầu tư chéo, sở hữu chéo và sở hữu có tính thao túng, chi phối trong các tổ chức tín dụng liên quan. Đồng thời, tăng cường thanh tra, giám sát hoạt động của tổ chức tín dụng, đặc biệt là với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro cao.

Đặc biệt, Thống đốc NHNN yêu cầu các tổ chức tín dụng không nới lỏng các điều kiện cấp tín dụng; tiếp tục kiểm soát chặt chẽ tín dụng vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro như đầu tư, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, các dự án BOT, BT giao thông, trái phiếu doanh nghiệp…

Hà Lan